Ô nhiễm không khí, bụi mịn ngày càng gia tăng, làm gì để khắc phục?

Ô nhiễm không khí có liên quan đến số ca trẻ em nhập viện vì nhiễm trùng hô hấp ngày càng gia tăng nên cần hành động ngay để ngăn chặn.

Số ca nhập viện do nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ nhỏ tăng do ô nhiễm không khí

Ngày 25/4, Hội thảo quốc gia Kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức tiếp tục các phiên họp bàn về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí.

PGS.TS Nguyễn Thị Trang Nhung, Trường Đại học Y tế Công cộng Hà Nội, đồng thời là chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em, Bệnh Viên Nhi Trung Ương cho biết, kết quả khảo sát nghiên cứu cho hay năm 2021, tại Việt Nam chỉ có 6 tỉnh/thành phố có chất lượng không khí đạt chuẩn QCVN 05:2013 (25µg/m3).

Ô nhiễm bụi mịn ở các thành phố lớn vẫn là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Ô nhiễm bụi mịn ở các thành phố lớn vẫn là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Tại Việt Nam, không tỉnh/thành phố nào đạt mức quy chuẩn của WHO (5µg/m3). Sự gia tăng nồng độ PM10, NO2 và SO2 trong mùa khô (tháng 11 đến tháng 4) có liên quan đến việc gia tăng số ca nhập viện do nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ nhỏ.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, các kết quả theo dõi những thông số từ quan trắc không khí tại Việt Nam, cho thấy ô nhiễm tập trung vào hàm lượng bụi, trong đó có bụi mịn (PM2.5). Đối với các thông số NO2, O3, SO2 đều đạt giới hạn cho phép của QCVN 05:2023/BTNMT. Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí có tính quy luật theo mùa (từ khoảng tháng 10-11 của năm trước, kèo dài tới tháng 4 năm sau), tập trung chủ yếu tại một số điểm có mật độ giao thông và tập trung nhiều cơ sở sản xuất.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) trong giai đoạn 8/2019-7/2020, có 12% lượng bụi mịn PM2.5 là do phát thải trực tiếp từ giao thông; 18% là từ phần thứ cấp vô cơ hình thành từ khí tiền chất (trong đó có giao thông); 17% do bụi đường bị cuốn lên. Đối với nguồn ô nhiễm từ hoạt động xây dựng, theo mô hình tiếp nhận sử dụng dữ liệu từ WB, bụi cuốn lên (gồm bụi đường, bụi từ xây dựng, bụi từ xi măng…) đóng góp 17% vào nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành cho biết, thực trạng ô nhiễm không khí ở các TP lớn đang diễn biến theo chiều hướng xấu. Các chỉ số chất lượng không khí (AQI) thường xuyên ở mức trung bình đến kém. Đặc biệt, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thường xuyên vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và cao hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.

Hiện, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang chạy thử nghiệm mô hình dự báo chất lượng không khí trong 48 giờ tại Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc. Bộ đang hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí, với các mục tiêu cụ thể đến giai đoạn 2025 - 2030, với từng nhóm giải pháp như năng lượng, nguồn thải, giao thông, xây dựng.

Chất lượng không khí kém là mối nguy cho sức khỏe

Theo Giáo sư Shaojun Zhang - Khoa Môi trường, Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), việc kiểm soát phát thải từ phương tiện giao thông đóng vai trò then chốt trong giảm thiểu ô nhiễm không khí ở thành phố Bắc Kinh, nơi được coi là bài học thành công lớn trong vấn giải quyết ô nhiễm không khí.

Vị Giáo sư cũng thông tin thêm, tại thủ đô của Trung Quốc, khí thải từ phương tiện giao thông đã trở thành nguồn phát thải bụi mịn chính yếu và kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông vẫn là yếu tố then chốt để cải thiện chất lượng không khí trong tương lai của thành phố này. Trước đó, trong 20 năm thực hiện "cuộc chiến" chống ô nhiễm không khí, Trung Quốc đã thiết lập hệ thống kiểm soát phát thải tích hợp "phương tiện - nhiên liệu - giao thông" với Bắc Kinh đóng vai trò tiên phong.

Thành phố này cũng tiên phong trong việc triển khai đồng thời tiêu chuẩn phát thải và tiêu chuẩn nhiên liệu tại Trung Quốc. Trong đó tiêu chuẩn phát thải Trung Quốc mới nhất đã có những yêu cầu mới như kiểm tra phát thải trong điều kiện lái thực tế.

Cũng tại hội thảo, TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, chất lượng không khí kém là một nguy cơ đáng kể đến sức khỏe của người dân. Nếu không hành động sớm, tác hại đến sức khỏe từ ô nhiễm không khí có thể đe dọa những thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong những thập kỷ gần đây.

Chuyên gia của WHO, ông Sandro Di Maio, đưa ra con số gây tác động mạnh mẽ: "Nếu chất lượng không khí tại Việt Nam đạt ngưỡng PM2.5 theo khuyến nghị của WHO, tỷ lệ tử vong sớm do ô nhiễm không khí có thể giảm tới 75%". Đây chính là cơ hội cứu sống hàng chục nghìn người mỗi năm.

Tác động không đều của ô nhiễm không khí cũng được nhấn mạnh. "Những người ở hai thái cực của cuộc đời, trẻ nhỏ và người cao tuổi, là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất", ông Di Maio nói. "Chỉ cần một lượng nhỏ chất ô nhiễm cũng có thể làm suy giảm hệ miễn dịch đang phát triển của trẻ, hoặc làm trầm trọng bệnh nền của người già".

Ngoài tác động đến sức khỏe, ô nhiễm không khí còn gây tổn thất kinh tế nghiêm trọng. WHO ước tính thiệt hại toàn cầu do ô nhiễm không khí lên tới 6.000 tỷ USD mỗi năm, bao gồm chi phí y tế, suy giảm năng suất lao động, thất thu nông nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch. "Ở cấp độ khu vực, châu Á-Thái Bình Dương có thể tiết kiệm tới 4,6 nghìn tỷ USD nếu hành động một cách quyết liệt", ông Di Maio nhấn mạnh.

Trên thực tế, cải thiện chất lượng không khí không phải là trách nhiệm của riêng bộ nào mà là nhiệm vụ chung của tất cả các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cộng đồng. "Bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế 2 con số trong giai đoạn tới, chúng ta cũng sẽ phải chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường. Ngay giờ đây, chúng ta cần chung tay hành động để giữ gìn bầu trời xanh, bảo vệ sức khỏe người dân và xây dựng một môi trường sống bền vững", Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

Chiều 25/4, Bộ NN&MT sẽ cùng Đoàn giám sát Quốc hội tổ chức hội thảo về cơ chế, chính sách và pháp lý liên quan đến quản lý chất lượng không khí, qua đó giúp chỉ ra những vấn đề bất cập để hoàn thiện khung pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí.

Sau hội thảo hôm nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ cùng Đoàn giám sát Quốc hội tổ chức hội thảo về cơ chế, chính sách và pháp lý liên quan đến quản lý chất lượng không khí, qua đó giúp chỉ ra những vấn đề bất cập để hoàn thiện khung pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/o-nhiem-khong-khi-bui-min-ngay-cang-gia-tang-lam-gi-de-khac-phuc-169250425094405922.htm
Zalo