Bình Định và Tập đoàn Syre ký kết ghi nhớ dự án sản xuất tái chế vải
Tổng giám đốc Tập đoàn Syre khẳng định, dự án ở Bình Định sẽ sử dụng một trong những công nghệ tái chế tiên tiến nhất của ngành dệt may.
Cam kết tiếp tục giải quyết các kiến nghị
Tại tỉnh Bình Định, UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Syre (Thụy Điển) vừa tổ chức Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư Dự án Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester tại Bình Định.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng thông tin, Dự án nhận được đánh giá rất cao của Thủ tướng và các bộ ngành.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng (chính giữa) phát biểu tại lễ ký kết.
Về vấn đề vướng mắc lớn nhất là nhập nguyên liệu vải, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho hay Thủ tướng đã có chỉ đạo, hiện tỉnh đang phối hợp, xúc tiến với các bộ ngành để điều chỉnh cơ chế phù hợp.
Về năng lượng tái tạo cung cấp cho dự án, Bình Định cũng là trung tâm năng lượng tái tạo đã hoàn thành các dự án, đủ điều kiện cung cấp cho Dự án của tập đoàn. “Công suất Dự án đề xuất chưa tới 70 MW, chúng tôi hiện nay là thừa”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhấn mạnh.
Về mặt bằng xây dựng nhà máy, Bình Định có đã có sẵn với 7 khu công nghiệp, nhà đầu tư có thể lựa chọn, đồng thời khu công nghiệp tại tỉnh có giá cho thuê rất là rẻ.
“Tại buổi làm việc hôm nay, tôi tin tưởng rằng với uy tín, kinh nghiệm và sứ mệnh tiên phong của Tập đoàn, với cam kết của ngài chủ tịch trước Thủ tướng, chúng ta tin tưởng rằng sẽ triển khai dự án thành công. Đây sẽ là biểu tượng cho sự hợp tác Việt Nam – Thụy Điển trong ngành công nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn” Bí thư Tỉnh ủy Bình Định kỳ vọng.

Quang cảnh buổi ký kết giữa UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Syre.
Điểm lại các cột mốc thời gian trong việc triển khai dự án bắt đầu từ ngày 13/12/2024 (ngày làm việc đầu tiên của tỉnh với ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Houselink - đơn vị tư vấn) đến buổi ký kết MOU, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng kết quả này cho thấy được sự quyết tâm của tỉnh Bình Định trong việc ủng hộ dự án này nói riêng và các dự án sắp tới.
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch tỉnh Bình Định đề nghị “Tập đoàn thực hiện đúng định hướng chỉ đạo của Thủ tướng đó là kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và sử dụng tối đa phế liệu trong nước để tái chế theo từng giai đoạn. Chúng tôi rất mong Tập đoàn Syre giữ đúng cam kết là Dự án biểu tượng của chuyển đổi xanh, tuần hoàn trong ngành dệt may”.
Đồng thời, Chủ tịch tỉnh Bình Định mong muốn giai đoạn trước đã triển khai thần tốc thì đến giai đoạn đến nhanh hơn để tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo Chính phủ; đồng thời sau buổi ký kết, hai bên sẽ có timeline - một danh sách chi tiết từng công việc một và thời gian hoàn thành để rất nhanh báo cáo Thủ tướng, các bộ ngành để xử lý các vấn đề liên quan về quy định pháp luật.

Đại diện UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Syre ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư.
“Tập đoàn hoàn thành đề án sớm trong đó chứng minh vấn đề kinh tế tuần hoàn, vấn đề chuyển đổi xanh, vấn đề về ứng dụng công nghệ cao và bảo vệ môi trường trong dự án này để gửi cho các bộ, ngành thẩm định”, Chủ tịch tỉnh Bình Định một lần nữa nhấn mạnh.
Dự án biểu tượng của trong ngành dệt may
Thông tin lại lễ ký kết, bà Susanna Campbell, Chủ tịch Tập đoàn Syre cho biết, việc phát triển theo định hướng xanh, định hướng tuần hoàn là một cái định hướng rất là mới và cũng là định hướng mà tất cả công ty trên thế giới đang theo đuổi. Đây cũng là định hướng giúp Việt Nam sẽ khẳng định mình trong hệ thống phát triển về kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Bà Susanna Campbell, Chủ tịch Tập đoàn SYRE khẳng định dự án của tập đoàn được định hướng theo hướng phát triển bền vững.
“Với ngành dệt may hiện nay cần phát triển theo định hướng bền vững hơn và Dự án của Tập đoàn Syre được phát triển dựa trên ý tưởng đó”, bà Susanna Campbell nói.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Syre, đối với ngành dệt may thì sợi polyester là một trong những loại sợi được sử dụng nhiều nhất trong ngành dệt may. Đồng thời, từ tháng 5/2021, Tập đoàn Syre và H&M đã cùng nhau làm việc để giải quyết các bài toàn liên quan đến sự phát triển bền vững của ngành dệt may.
Về khía cạnh công nghệ, Tập đoàn Syre đã mua lại công nghệ từ công ty phát triển công nghệ của Mỹ.
“Chúng tôi rất mong muốn có thể bắt đầu mối quan hệ giữa tỉnh và công ty để cùng nhau giải quyết các vấn đề sắp tới. Với sự phát triển lâu đời và vững mạnh của mối quan hệ Việt Nam và Thụy Điển thì tôi tin tưởng rằng ngày hôm nay chúng ta có thể phát triển mối quan hệ tương tự giữa tỉnh và Syre”, Chủ tịch Tập đoàn Syre khẳng định.
Chia sẻ thêm về dự án, ông Dennis Nobelius, Tổng giám đốc Tập đoàn Syre đề cập, với mục tiêu ban đầu của tập đoàn đã định hướng sẽ hình thành, phát triển nhà máy quy mô lớn đầu tiên trên thế giới. Sau qua rất nhiều nghiên cứu, Tập đoàn Syre lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư đầu tiên.

Ông Dennis Nobelius, Tổng giám đốc Tập đoàn Syre chia sẻ về công nghệ mà tập đoạn sử dụng tại dự án.
Ông Dennis Nobelius cũng chia sẻ lý do chọn Việt Nam vì đầu tiên Việt Nam có nền kinh tế rất năng động; thứ 2 là lĩnh vực dệt may cũng là một trong những lĩnh vực rất phát triển tại đây.
“Chúng tôi lựa chọn Bình Định là địa điểm đầu tư để tiếp tục thực hiện các công việc tiếp theo của tập đoàn”, ông Dennis Nobelius cho biết.
Tổng giám đốc Tập đoàn Syre cũng thông tin về vấn đề nhận được sự quan tâm của dự án là công nghệ tái chế.
Cụ thể, ông Dennis Nobelius thông tin liên quan đến vấn đề nghiên cứu và phát triển công nghệ thì Tập đoàn đã nghiên cứu hơn 20 loại hình công nghệ được sử dụng cho ngành tái chế dệt may.
“Công nghệ hiện tại mà chúng tôi đã, đang quyết định sử dụng sẽ là một trong những công nghệ tiên tiến nhất trong số các công nghệ sử dụng cho ngành tái chế dệt may”, Tổng giám đốc Tập đoàn Syre khẳng định.
Cùng với đó, trong vấn đề sản xuất, Tập đoàn Syre sẽ sử dụng các loại phế liệu dệt may và từ đó sẽ tiến hành tái chế để sản xuất ra một loại sợi polyester mới.
“Đối với các loại phế thải dệt may thì chúng tôi rất là mong muốn sẽ được đồng hành cùng với tỉnh giải quyết vấn đề liên quan đến bài toán về xử lý phế thải dệt may tại Việt Nam. Chúng tôi được biết các phế thải dệt may tại Việt Nam hầu hết đang được sử dụng phương án là chôn lấp”, ông Dennis Nobelius nói.
Tổng giám đốc Tập đoàn Syre cũng có những kiến nghị liên quan đến quá trình triển khai dự án.
Cụ thể, liên quan đến vấn đề thu thập phế thải dệt may với định hướng phát triển xanh của Việt Nam, Tập đoàn Syre muốn được triển khai với cơ chế đặc thù để doanh nghiệp có thể nhập khẩu nguyên liệu đầu vào trong quá trình sản xuất
Liên quan đến vấn đề thời gian dự án, Tập đoàn Syre mong muốn có giấy phép nhập khẩu trong vòng 6 tháng tới cũng như lựa chọn được vị trí khu công nghiệp phù hợp nhất với vị trí đầu tư của tập đoàn.
“Dự án của chúng tôi tại Bình Định thì chúng tôi rất mong muốn đây là dự án biểu tượng của tập đoàn trong việc phát triển về chiến lược và mở rộng của tập đoàn trên toàn thế giới. Chúng tôi tin tưởng lựa chọn đầu tư tại tỉnh Bình Định là một cái lựa chọn tốt và mong muốn giai đoạn tiếp theo sẽ nhận được sự hỗ trợ và đồng hành của lãnh đạo tỉnh, sở ban ngành cho dự án”, Tổng giám đốc Tập đoàn Syre mong muốn.
Cũng tại lễ ký kết, ông Johan Ndisi, Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam thông tin, tính đến ngày hôm nay, Thụy Điển đã đầu tư hơn 3 tỷ USD và có hơn 70 công ty Thụy Điển hiện tại đang có mặt tại Việt Nam.

Ông Johan Ndisi, Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam phát biểu tại lễ ký kết.
Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam cũng tin tưởng với mục đích là chuyển đổi xanh thì Dự án của Tập đoàn Syre sẽ là một trong những dự án được hưởng ứng sẽ giúp phát triển và hoàn thiện định hướng chuyển đổi sạch trong ngành dệt may.
“Với sự phát triển công nghệ và định hướng tập trung chuyên sâu vào việc phát triển công nghệ cao thì tôi tin rằng Dự án của Syre sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới về phát triển nền kinh tế tuần hoàn ngành dệt may”, Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam nói.
Dự án Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester tại Bình Định có công suất 250.000 tấn/năm.
Mục tiêu dự án là hướng tới xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm toàn cầu đầu tiên về dệt may tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ và EU, theo định hướng phát triển bền vững, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (Net Zero); qua đó, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu trong việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Bản ghi nhớ này đánh dấu cam kết hợp tác giữa tỉnh Bình Định và Syre nhằm đảm bảo các điều kiện và tiêu chí quan trọng được đáp ứng để tiến tới quyết định đầu tư xây dựng nhà máy tái chế giga đầu tiên của Syre. Các tiêu chí then chốt bao gồm khu công nghiệp gần hệ thống hạ tầng; nguồn năng lượng xanh; nguồn nguyên liệu đầu vào (các sản phẩm dệt may có thể tái chế), cũng như cơ chế thí điểm cấp phép nhập khẩu nguyên liệu dệt may tái chế từ các quốc gia lân cận.