Lính thợ Bùi Đức Ngừng không ngừng sáng tạo
Một ngày cuối tháng 4-2025, tôi có chuyến công tác tại Xưởng Sửa chữa tăng thiết giáp (Xưởng X1), Cục Kỹ thuật quân, binh chủng (Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật), được đơn vị giới thiệu gặp 'cây sáng kiến', gương điển hình tiên tiến của đơn vị. Thật bất ngờ, đó là học viên cũ của tôi cách đây 23 năm - Thiếu tá QNCN Bùi Đức Ngừng, thợ sửa chữa điện tăng thiết giáp, Phân xưởng X1.
Bén duyên lính thợ sửa chữa điện xe tăng
Cách đây 23 năm, tôi là cán bộ Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 trực tiếp quản lý học viên Lớp trung cấp chuyên tu khóa 2, Trường Trung cấp Kỹ thuật Tăng thiết giáp (TTG), Binh chủng TTG. Trong số 45 học viên, tôi rất ấn tượng với một người có vóc dáng cao gầy, nói chuyện có duyên, quê ở xã Hồng Phúc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Đó là Chuẩn úy QNCN Bùi Đức Ngừng (sinh năm 1974) cùng đồng niên với tôi.
Dẫu lâu ngày chúng tôi không gặp nhau nhưng sau cái bắt tay thật chặt, Thiếu tá QNCN Bùi Đức Ngừng vui vẻ chia sẻ: “Tháng 3-1996, tôi tình nguyện nhập ngũ, huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đội 1, Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 (nay là Quân đoàn 12). 3 tháng sau, tôi may mắn được cấp trên chọn cử đi đào tạo sơ cấp 18 tháng sửa chữa điện TTG. Đầu tháng 12-1997, tôi tốt nghiệp và được cấp trên điều động về công tác tại Ban Tham mưu, Xưởng X1. Với nguyện vọng được làm thợ sửa chữa điện TTG, đầu năm 2000, cấp trên điều động tôi về làm thợ sửa chữa thiết bị đặc biệt trên xe tăng thuộc Phân xưởng 3 (sửa chữa vũ khí). Từ tháng 9-2002 đến tháng 9-2003, tôi học khóa 2 trung cấp chuyên tu tại Trường Trung cấp Kỹ thuật TTG”.

Thiếu tá QNCN Bùi Đức Ngừng (thứ hai, từ phải sang) được thủ trưởng Tổng cục Kỹ thuật vinh danh gương điển hình tiên tiến (tháng 8-2024). Ảnh do nhân vật cung cấp
Dẫn chúng tôi đi tham quan những sản phẩm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật do anh làm chủ đề tài, lính thợ bậc 6/7 Bùi Đức Ngừng kể tiếp: “Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo trung cấp chuyên tu, tôi được điều động về đơn vị cũ trước khi đi học. Kể từ đó, hằng năm, tôi thường tham gia Đội thợ sửa chữa cơ động từ 3 đến 6 tháng ở các đơn vị TTG toàn quân…”.
Kể từ ngày làm lính thợ, Bùi Đức Ngừng đã có hàng trăm chuyến công tác dã ngoại, cơ động sửa chữa cho các đơn vị toàn quân. Khi được hỏi kỷ niệm ấn tượng trong những chuyến công tác xa đơn vị, anh Ngừng nhớ lại: “Đầu tháng 4-2010, tôi được thủ trưởng đơn vị giao nhiệm vụ đi sửa chữa, đồng bộ hệ thống chữa cháy trên xe tăng T-54B tại Lữ đoàn 206 (Quân khu 4). Cách đó mấy ngày trước khi đi công tác, tôi có cảm xúc vừa vui vừa lo lắng. Vui vì tôi được “độc lập tác chiến”. Lo là tay nghề bậc thợ của tôi còn thấp, kinh nghiệm sửa chữa chưa nhiều và hệ thống chữa cháy trên xe tăng rất khó. Trong khi đó, tài liệu tham khảo về “bệnh” này gần như không có và cũng rất ít thợ sửa chữa bậc cao hiểu rõ về vấn đề này. Đó là những khó khăn, áp lực rất lớn đối với tôi khi làm Tổ trưởng Tổ thợ sửa chữa Điện TTG…”.

Thiếu tá QNCN Bùi Đức Ngừng (thứ hai, từ trái sang) trao đổi kinh nghiệm tại Hội nghị vinh danh gương điển hình tiên tiến của Tổng cục Kỹ thuật (tháng 8-2024). Ảnh do nhân vật cung cấp
Ngừng một lúc, anh kể tiếp: “Tôi dành gần một tuần nghiên cứu, đọc tài liệu, trực tiếp vào xe, nắm chắc từng cấu trúc, vị trí lắp đặt các khối cụm, lần tìm từng mạch điện. Tối về, tôi lại nghiền ngẫm đọc nguyên lý làm việc, kết hợp hỏi kinh nghiệm của các anh thợ bậc cao và các thợ của đơn vị bạn. Trong một tuần, tôi đã nắm chắc và sửa chữa thành công hệ thống chữa cháy trên xe tăng T-54B của đơn vị. Những ngày tháng tiếp theo, tôi lần lượt sửa chữa và đồng bộ các xe còn lại. Sau gần 3 tháng sửa chữa cơ động tại Lữ đoàn 206, tôi cùng đồng đội hoàn thành sửa chữa đồng bộ hệ thống chữa cháy trên các xe tăng T-54B theo đúng lệnh sửa chữa. Ngày nghiệm thu bàn giao cho đơn vị bạn, có thủ trưởng Phòng TTG, thủ trưởng Cục Kỹ thuật binh chủng (nay là Cục Kỹ thuật quân, binh chủng) thẩm định, kiểm tra, đánh giá sửa chữa đạt kết quả tốt. Từ chuyến công tác đó, tôi đã học hỏi, tích lũy thêm cho mình nhiều kinh nghiệm, ghi chép, vẽ lại nhiều “ban” sơ đồ mạch điện sửa chữa thành công. Cũng từ lần đó, tôi càng tự tin với trình độ tay nghề của mình mỗi lần đi sửa chữa tại đơn vị cũng như sửa chữa cơ động…”.
“Bàn tay vàng” - “Cây sáng kiến”
Là thợ sửa chữa sửa chữa điện TTG bậc 6/7, “cây sáng kiến” Bùi Đức Ngừng không ngừng lập nhiều thành tích mới trong công tác chuyên môn. Những năm gần đây, anh luôn tích cực tham gia sửa chữa xe TTG và các khối cụm vũ khí trang bị tại đơn vị. Cùng với đó, anh tham gia 30 lượt trực tiếp đi khảo sát, sữa chữa cơ động, sửa chữa đồng bộ toàn diện cho nhiều xe TTG, như: Xe tăng T-55, T-54B, PT-76B tại Lữ đoàn 201, Lữ đoàn 215 (Binh chủng TTG), Lữ đoàn 206 (Quân khu 4), Lữ đoàn 405 (Quân khu 3), Lữ 406 (Quân khu 2), Kho KT 788, KT 789 (Cục Kỹ thuật quân, binh chủng). Đồng thời, anh trực tiếp sửa chữa tại đơn vị được hàng trăm khối cụm chữa cháy, khối cụm thiết bị đặc biệt trên xe TTG; sửa chữa, đồng bộ hệ thống điện cho 8 xe công trình theo mệnh lệnh...

Thiếu tá QNCN Bùi Đức Ngừng giới thiệu với Thượng tá Nguyễn Huy Cương, Giám đốc Xưởng X1 về sáng kiến “Giá thử hệ thống chữa cháy và phòng, chống bom nguyên tử trên xe T-55 và PT-76B”. Ảnh: THÁI KIÊN
Song song với thực hiện nhiệm vụ sửa chữa điện TTG, lính thợ Bùi Đức Ngừng còn được mọi người tôn vinh là “cây sáng kiến”. Những năm gần đây, anh cho “ra lò” nhiều mô hình, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong quá trình sửa chữa tại đơn vị và sửa chữa cơ động.
Khi được hỏi về những “đứa con tinh thần” của mình, “cây sáng kiến” Bùi Đức Ngừng dẫn chúng tôi tới tham quan sáng kiến mà anh tâm đắc nhất. Đó là sáng kiến “Giá thử hệ thống chữa cháy và phòng, chống bom nguyên tử trên xe T-55 và PT-76B”. Sáng kiến này giành giải thưởng “kép”: Giải ba cấp Tổng cục Kỹ thuật (năm 2020) và Chứng nhận giải ba trong Hội thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cấp Tổng cục Kỹ thuật (năm 2021).
Bật công tắc nguồn khởi động “Giá thử hệ thống chữa cháy và phòng, chống bom nguyên tử (PPO-PAZ) trên xe T-55 và PT-76B”, Bùi Đức Ngừng say sưa thuyết trình: “Chiến tranh công nghệ cao, địch sẽ sử dụng bom nguyên tử để hủy diệt xe TTG. Để đối phó với tình huống trên, sau nhiều năm trực tiếp sửa chữa điện, tôi đã nghiên cứu thành công sáng kiến “Giá thử hệ thống PPO-PAZ trên xe T-55 và PT-76B”. Sáng kiến này sẽ giúp cho các thành viên trên xe và thợ sửa chữa dễ phát hiện PPO-PAZ thông qua đồng hồ, các đèn tín hiệu của đèn báo, vòi phun khí để xác định tình trạng của từng khối cụm và sự kết hợp làm việc đồng bộ của cả hệ thống, để làm cơ sở cho việc sửa chữa hệ thống PPO-PAZ đảm bảo nhanh chóng, chính xác và thuận lợi…”.

Thiếu tá QNCN Bùi Đức Ngừng. Ảnh: THÁI KIÊN
Để giúp chúng tôi dễ hình dung, chủ sáng kiến dùng bật lửa hơ nóng cảm biến ở buồng chiến đấu, ngay lập tức các hệ thống đồng hồ, đèn tín hiếu báo cháy ở buồng chiến đấu. “Hiệu quả của sáng kiến này là vật tư để làm sáng kiến dễ khai thác trên thị trường, giá thành rẻ; giảm nhân công, tăng năng suất lao động. Kiểm tra đánh giá tiêu chuẩn kỹ thuật của từng khối cụm nhanh, từ đó có phương pháp phân loại mức sửa chữa kịp thời, chính xác. Đặc biệt, người sử dụng có thể kiểm tra được sự làm việc đồng bộ của cả hệ thống như khi lắp ở trên xe; sử dụng thuận tiện, bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng...”, anh Ngừng vui mừng chia sẻ.
Thiếu tá QNCN Bùi Đức Ngừng cho hay, hằng năm anh đều cho “ra lò” sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, như: “Thiết bị kiểm tra hệ thống chữa cháy trên xe tăng T-54B” (năm 2021); “Thiết bị kiểm tra cơ cấu dừng động cơ trên xe tăng” (năm 2022);“Giá thử hệ thống chữa cháy và phòng, chống bom nguyên tử trên xe BMP-1” (năm 2023); “Thiết bị kiểm tra cơ động hệ thống chữa cháy và phòng, chống bom nguyên tử trên xe BMP-1” (2024)... Các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật trên đã được áp dụng, đưa vào hoạt động sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật tại Xưởng X1 và sửa chữa cơ động xe TTG cho các đơn vị toàn quân.
Khi được hỏi về “cây sáng kiến”, Thượng tá Nguyễn Huy Cương, Giám đốc Xưởng X1 tự hào nói về đồng nghiệp: "Thiếu tá QNCN Bùi Đức Ngừng là một trong những thợ sửa chữa bậc cao của đơn vị. Với thâm niên gần 30 năm trong nghề, anh là người có chuyên môn tốt, tinh thần trách nhiệm cao, rất nhiệt tình trong công việc; luôn tận tình hướng dẫn, bồi dưỡng, truyền thụ kỹ năng, kinh nghiệm cho thợ sửa chữa mới, thợ bậc thấp, nhất là kèm cặp thợ sửa chữa khi đi công tác xa đơn vị. Cùng với đó, anh còn là người đam mê, nhiệt huyết, tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật".
Với thành tích xuất sắc trong công tác, Thiếu tá QNCN Bùi Đức Ngừng có 5 năm liên tục là Chiến sĩ thi đua cơ sở (từ năm 2020 đến 2024), Chiến sĩ thi đua toàn quân (năm 2023). Đồng chí Ngừng là tấm gương điển hình tiên tiến của đơn vị tham gia giao lưu tôn vinh, khen thưởng các điển hình tiên tiến của Tổng cục Kỹ thuật, giai đoạn 2019-2024.