Nút mạch lách cầm máu cứu sống bệnh nhân tai nạn giao thông
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa thông tin về ê-kip cấp cứu thực hiện nút mạch lách cầm máu thành công cho một bệnh nhân bị tai nạn giao thông.
Theo bệnh án lưu tại cơ sở y tế, cách đây ít ngày, bệnh nhân L.V.G (34 tuổi, trú tại huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) bị tai nạn giao thông, sau ngã được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cấp cứu.
Thời điểm khi nhập viện, bệnh nhân được ê-kíp trực thăm khám và nhanh chóng làm các xét nghiệm cận lâm sàng cấp cứu. Anh L.V.G được chẩn đoán chấn thương lách độ IV với 2 ổ chảy máu lớn, dịch ổ bụng… gãy 01 xương sườn phải, chấn thương hàm mặt, xét nghiệm huyết sắc tố giảm dần...
Tiên lượng đây là ca bệnh nhân nặng, có thể tử vong do shock mất máu, ê-kíp trực cấp cứu đã mời hội chẩn ban lãnh đạo Bệnh viện và liên khoa Ngoại Tổng hợp – Chẩn đoán hình ảnh (ê-kíp Điện quang can thiệp) thống nhất nút mạch cầm máu điều trị vỡ lách. Ca can thiệp nút mạch được thực hiện trong 40 phút.
Dưới sự hỗ trợ của hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA, các bác sĩ Điện quang can thiệp đã xác định chính xác vị trí động mạch lách bị tổn thương gây chảy máu và bơm chất tắc mạch để cầm máu. Kết quả kiểm tra ngay sau nút mạch đã không còn tình trạng chảy máu vùng lách bị tổn thương.
Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang ThS. BS. Ma Hoàng Mậu cho biết, chấn thương lách là một chấn thương tạng đặc rất hay gặp trong chấn thương bụng kín.
Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ bị mất máu, kéo theo một loạt các biến chứng nghiêm trọng như rối loạn huyết động và các chức năng sống của cơ thể, cuối cùng là suy đa phủ tạng và dẫn đến tử vong.
Trước đây khi chưa có phương pháp can thiệp nút mạch cầm máu bệnh nhân sẽ được chỉ định mổ cấp cứu để cầm máu lách tổn thương hoặc cắt một phần lách bị tổn thương nếu không cầm được máu.
“Ê-kíp của bệnh viện lựa chọn can thiệp nút mạch ít xâm lấn hiện tại là giải pháp mang lại nhiều hiệu quả vượt trội khi có giá trị tương đương với phẫu thuật, chọn lọc chính xác nhánh mạch máu tổn thương cầm máu tức thì, bảo tồn lách, hạn chế tối đa xâm lấn giúp tổn thương mau hồi phục để nhanh chóng xử trí những tổn thương khác,” ThS Ma Hoàng Mậu cho biết.
Được biết, vị trí luồn thiết bị can thiệp kích thước hiện nay đã rất nhỏ, chỉ khoảng 0,5cm, không chảy máu, không để lại sẹo. Quá trình tiến hành kỹ thuật chỉ trong khoảng 30 – 45 phút, không gây đau đớn, bệnh nhân được gây tê tại vị trí can thiệp, hoàn toàn tỉnh táo, phục hồi nhanh và có thể xuất viện sớm.
Hiện tại, sau 3 ngày điều trị tích cực, người bệnh đã tỉnh táo, chỉ số sinh tồn ổn định, không xuất hiện chảy máu sau can thiệp, tiếp tục được điều trị và theo dõi tại khoa Ngoại Tổng hợp.