Cách chăm sóc bàn chân cho người đi bộ và chạy bộ

Đi bộ và chạy bộ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Nếu đôi chân không được chăm sóc chu đáo, có thể gây chấn thương…

Dưới đây là cách chăm sóc, đảm bảo đôi chân được thoải mái, khỏe mạnh trong suốt quá trình đi bộ hoặc chạy bộ:

1. Mang giày phù hợp với hoạt động (đi bộ hay chạy bộ)

Chạy bộ và đi bộ là hai chuyển động khác nhau trong việc sự dụng bước chân và phân bổ trọng lượng. Người chạy bộ có thể sử dụng gấp 2-3 lần trọng lượng của họ với mỗi bước, trong khi người đi bộ chỉ sử dụng 1-2 lần. Do đó, cần lựa chọn giày phù hợp với hoạt động cụ thể.

Các tính năng của từng loại giày được tùy chỉnh để đáp ứng nhu cầu đặt ra cho đôi chân. Đối với việc chạy và đi bộ thông thường, không mang tính cạnh tranh, bạn có thể tìm thấy những đôi giày phù hợp cho cả hai hoạt động này, nhưng đối với những người chạy hay đi bộ đường dài, cần tìm những đôi giày dành riêng cho các hoạt động đó.

Đi bộ và chạy bộ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần.

Đi bộ và chạy bộ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần.

2. Mang giày phù hợp với chân (vừa chân)

Mang giày không vừa chân có thể dẫn đến nhiều vấn đề cho bàn chân. Ví dụ, giày quá to hoặc quá rộng có thể khiến bàn chân bị trượt, không ổn định trong giày, gây ra ma sát và dẫn đến phồng rộp. Giày quá nhỏ hoặc quá chật có thể dẫn đến móng chân bị bầm tím (đen), đau dây thần kinh, u xương bàn chân, ngón chân hình búa và các dị tật khác. Do đó, cần phải mang giày vừa vặn với chân.

3. Nên thay thế những đôi giày đã mòn

Giày đi bộ và giày chạy bộ có tuổi thọ hạn chế. Với mỗi bước đi, sẽ phá vỡ lớp đệm, hỗ trợ và mặt đế của giày. Do đó, mang giày ‘quá hạn’ có thể dẫn đến đau chân, đầu gối và các chấn thương khác, chẳng hạn như viêm cân gan chân.

Kiểm tra giày thường xuyên và xem có bị mòn không. Nếu đã đến lúc phải thay, bạn đừng nên tiếc.

4. Mang đúng loại tất

Ngay cả khi bạn có một đôi giày đi bộ hoặc chạy bộ tốt, cũng cần có một đôi tất tốt, vừa vặn. Một đôi tất tốt không nên quá chật hoặc quá lỏng, nếu không chúng sẽ tạo thành các điểm gồ ghề trong giày. Hãy tìm loại tất pha trộn cotton hoặc tổng hợp giúp thấm mồ hôi.

5. Cắt tỉa móng chân

Giống như bàn chân, móng chân cũng có thể bị va đập. Tổn thương móng chân xảy ra khi bạn liên tục tiếp xúc với mặt trước hoặc mặt bên của giày.

Những người chạy bộ đặc biệt có xu hướng bị tổn thương móng chân hoặc chấn thương nhỏ ở móng chân. Bọng máu cũng có thể phát triển dưới móng chân, có thể khiến móng chân bị bật ra, dẫn đến mất móng.

Để giúp giảm nguy cơ này, hãy đảm bảo cắt tỉa móng chân (cắt theo đường cong tự nhiên của ngón chân), tránh cắt quá ngắn để ngăn ngừa móng chân mọc ngược.

Những người chạy bộ đặc biệt có xu hướng bị tổn thương móng chân.

Những người chạy bộ đặc biệt có xu hướng bị tổn thương móng chân.

6. Kéo duỗi chân

Việc kéo giãn cơ thể thường xuyên rất quan trọng, vì vậy đừng bỏ qua đôi chân của bạn. Việc kéo giãn đôi chân có thể cải thiện tính linh hoạt, lưu thông máu và ngăn ngừa cũng như giảm đau. Ngay cả một liệu pháp mát-xa chân tốt, cũng có thể mang lại điều kỳ diệu cho đôi chân.

7. Vệ sinh chân sạch sẽ

Sau khi đi bộ hoặc chạy bộ đường dài, chân sẽ đổ khá nhiều mồ hôi. Cởi tất và giày, rửa và lau khô chân, để ngăn ngừa nấm chân.

8. Dưỡng ẩm cho đôi chân

Để ngăn ngừa phồng rộp chân khi chạy bộ, đi bộ đường dài có thể sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm cho chân. Trước khi đi bộ hoặc chạy đường dài, hãy thoa một lớp mỏng vaseline hoặc thuốc mỡ chống trầy xước lên các điểm, khu vực có nguy cơ bị phồng rộp.

9. Đừng bỏ qua tình trạng sưng tấy hoặc đau đớn ở chân

Nếu tình trạng đau liên tục, dai dẳng ở chân và ngón chân có thể là dấu hiệu của chấn thương, kích ứng hoặc bệnh tật. Hãy đi khám để được kiểm tra, tìm nguyên nhân, điều trị thích hợp.

Mời xem thêm video được quan tâm:

3 thời điểm vàng đi bộ đối với người cao tuổi, bí quyết sống khỏe _ SKĐS

DS. Nguyễn Phương Thu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-cham-soc-ban-chan-cho-nguoi-di-bo-va-chay-bo-169241229163840835.htm
Zalo