Nuôi dưỡng tinh thần 'Thép' – Giành lại từng nhịp thở

Năm 2024, một cột mốc đáng nhớ đánh dấu 8 năm BSCKI Nguyễn Văn Tài Tài cống hiến không ngừng tại Bệnh viện ĐK TP Vinh - Cơ sở 2. Đó không chỉ là công việc, mà còn là hành trình của đam mê, lòng quyết tâm, và sứ mệnh cao cả - giành giật sự sống cho người bệnh từ bàn tay của 'tử thần'.

BSCKI Nguyễn Văn Tài thăm khám người bệnh tại Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc 02.

BSCKI Nguyễn Văn Tài thăm khám người bệnh tại Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc 02.

Nhớ về những ngày đầu vào nghề, đôi mắt BSCKI sáng lên niềm tự hào: "May mắn tôi được các anh, chị đi trước chỉ bảo. Những ngày ấy rất áp lực, nhưng chính tình yêu với nghề đã trở thành động lực lớn nhất giúp tôi kiên định bước tiếp".

Chuyên khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực không chỉ đòi hỏi sự am hiểu sâu về y học mà còn cần một tinh thần thép. BSCKI Nguyễn Văn Tài và đồng nghiệp hàng ngày phải đối mặt với vô số ca bệnh phức tạp, nơi từng nhịp thở của bệnh nhân như một chiếc đồng hồ đếm ngược. Dù áp lực luôn hiện hữu, tôi không bao giờ lùi bước. Mỗi sinh mạng được cứu sống chính là lý do tôi tiếp tục công việc. "Cứu một mạng người còn hơn xây bảy tháp phù đồ".

Tinh thần thép - Chiến thắng tử thần

Là một bác sĩ cấp cứu, BSCKI Nguyễn Văn Tài luôn ghi nhớ lời dạy từ các bậc đàn anh: "Bác sĩ cần có trái tim ấm áp nhưng cái đầu phải luôn lạnh". Và có những câu chuyện luôn khắc sâu trong tâm trí tôi suốt chặng đường làm nghề Y.

Chia sẻ với chúng tôi về những ca cấp cứu căng thẳng mà anh và các đồng nghiệp đã trải qua, nơi từng giây từng phút quyết định giữa sự sống và cái chết, BS Tài không giấu được sự xúc động: "Hôm đó, tôi đang trực ở khoa Hồi sức thì nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ phòng cấp cứu. Khi bước vào, trước mắt tôi là một người đàn ông nằm bất tỉnh, cơ thể chi chít vết thương. Khuôn mặt anh dập nát, sưng phù, và máu chảy ra từ đầu, tai, mũi. Cảnh tượng ấy khiến tôi nhận ra chúng tôi không có nhiều thời gian, sự sống của anh ta lúc này chỉ còn trong gang tấc.

Bệnh nhân trong tình trạng vô cùng nguy kịch, không thể tự thở vì xương hàm đã vỡ, làm miệng và mũi biến dạng hoàn toàn. Tình trạng nghiêm trọng đến mức không thể đặt ống thở qua đường thông thường. Chỉ số sinh tồn cứ giảm dần, từng giây trôi qua như đẩy người bệnh gần hơn đến bờ vực của tử thần. Lúc đó, tôi biết mình không còn thời gian để do dự. Với quyết tâm cứu sống bệnh nhân, tôi cùng đội ngũ điều dưỡng lập tức hành động. Trong khi điều dưỡng lấy ven và truyền dịch, tôi tập trung toàn bộ sức lực và tâm trí để xử lý vấn đề về đường thở của người bệnh.

Lúc đó, trong tôi dâng lên một thôi thúc mãnh liệt: phải mở khí quản cấp cứu ngay lập tức. Mặc dù cảm xúc bồi hồi và lo lắng dâng trào, tôi vẫn buộc mình phải giữ sự bình tĩnh cần thiết để xử lý tình huống. Báo động đỏ lập tức được kích hoạt toàn viện, và các bác sĩ chuyên ngành Tai Mũi Họng, Ngoại, Gây mê, cùng Răng Hàm Mặt nhanh chóng phối hợp, chạy đua với thời gian để cứu sống người bệnh.

Chúng tôi đối mặt với thời khắc sinh tử khi bệnh nhân bắt đầu tím tái, ngừng thở, và tim ngừng đập. Không một giây chần chừ, tôi và một bác sĩ ngoại khoa khác lập tức rạch một đường sâu dọc giữa cổ bệnh nhân. Máu trào ra, tim tôi đập mạnh từng hồi, nhưng tôi biết rằng trong khoảnh khắc ngàn cân treo sợi tóc này, chỉ có sự bình tĩnh tuyệt đối mới có thể giúp chúng tôi giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Tôi và đồng nghiệp đã thành công luồn ống thở vào đường khí quản và bắt đầu bóp bóng cung cấp oxy. Cùng lúc đó, một bác sĩ khác tập trung ép tim cho bệnh nhân, trong khi điều dưỡng nhanh chóng tiêm thuốc vận mạch. Mỗi giây trôi qua đều như một cuộc đua quyết liệt với tử thần, nơi sự sống của bệnh nhân treo lơ lửng trên sợi chỉ mỏng manh.

Chỉ sau một lúc, phép màu đã xảy ra. Bệnh nhân bắt đầu có lại mạch, huyết áp dần ổn định, và lượng oxy trong máu cải thiện rõ rệt. Cơn nguy kịch đã qua đi, và bệnh nhân được tiếp tục chẩn đoán và điều trị chuyên sâu. Ca bệnh này trở thành một trong những kỳ tích hiếm hoi tại bệnh viện, khi sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng của đội ngũ y bác sĩ đã hồi sinh nhịp thở của một người tưởng chừng đã không còn hy vọng.

BS Tài luôn nghiêm túc, hăng say và giữ một tinh thần "Thép".

BS Tài luôn nghiêm túc, hăng say và giữ một tinh thần "Thép".

Và mới đây, vào một buổi sáng sớm, một phụ nữ trung tuổi được đưa vào viện sau khi bị đuối nước khi tắm biển. Khi chuyển đến phòng cấp cứu, người nhà không rõ chi tiết về sự việc, chỉ biết rằng bệnh nhân đã được sơ cứu tại bãi biển nhưng tình trạng vẫn rất nguy kịch. Bệnh nhân nằm trên giường bệnh với sắc mặt tái nhợt, hơi thở gấp gáp và yếu ớt. Lượng oxy trong máu quá thấp, làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.

Lúc này, tính mạng bệnh nhân như "ngàn cân treo sợi tóc", thời gian cứu chữa được tính bằng giây. Tôi không thể chờ đợi thêm, lập tức tiến hành cấp cứu và yêu cầu người nhà cung cấp thêm thông tin về sự việc. Trong tâm trí tôi chỉ có một suy nghĩ: Phải làm mọi cách để cứu sống bệnh nhân này.

Thở oxy qua đường mũi không đạt được kết quả như mong đợi. Tôi quyết định tiêm thuốc lợi tiểu và chống viêm, nhưng tình trạng vẫn không cải thiện nhiều. Bệnh nhân quá yếu, không thể duy trì hô hấp bình thường và cần máy thở hỗ trợ. Cả phòng cấp cứu trở nên căng thẳng, từng nhịp thở của bệnh nhân đều được theo dõi chặt chẽ.

Trong suốt một giờ đồng hồ, tôi liên tục theo dõi diễn biến của bệnh nhân, đưa ra các y lệnh cẩn trọng và chính xác. Không gian tĩnh lặng bị phá vỡ bởi âm thanh máy móc và các thao tác cấp cứu tập trung. Lượng oxy trong máu của bệnh nhân bắt đầu cải thiện, hơi thở trở nên đều hơn, và cơ thể dần hồi phục. Tôi và ê-kíp thở phào nhẹ nhõm, cảm nhận được niềm hy vọng dần ló dạng qua những phút giây căng thẳng tột độ.

Qua cơn nguy kịch, bệnh nhân được chỉ định chụp X-quang, kết quả cho thấy phổi bị trắng mờ cả hai bên – một dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Tuy nhiên, may mắn là bệnh nhân đã đáp ứng tốt với điều trị kháng sinh.

Sau một tuần nằm viện, bệnh nhân, từ một tình trạng chỉ còn chút hy vọng, đã dần hồi phục. Khi bệnh nhân bước ra khỏi cánh cửa bệnh viện, tôi và các đồng nghiệp cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm và hạnh phúc hơn bao giờ hết. Một lần nữa, chúng tôi đã chiến thắng trong cuộc chiến giành lại mạng sống từ tay "tử thần"".

Người bác sĩ nghiêm túc, hăng say, và tinh thần ‘thép’ trong mọi tình huống

Tinh thần "thép" của người bác sĩ không chỉ thể hiện qua kỹ năng chuyên môn mà còn qua sự kiên định và bình tĩnh trong những tình huống thập tử nhất sinh. Đối mặt với tử thần, họ không chỉ chiến đấu với áp lực thời gian mà còn phải giữ vững sự sáng suốt và quyết đoán để đưa ra những y lệnh kịp thời. Sự tận tụy, lòng dũng cảm và quyết tâm của bác sĩ chính là sợi dây kết nối sự sống, là minh chứng cho trái tim ấm áp và cái đầu lạnh trong mọi hoàn cảnh.

Ở vị trí Phó trưởng khoa Cấp cứu - HSTC 02, BS Tài không chỉ tận tụy, sáng tạo trong công tác điều hành mà còn luôn truyền cảm hứng, tiếp lửa để thúc đẩy đội ngũ y bác sĩ trẻ hướng tới mục tiêu xây dựng một bệnh viện ngày càng vững mạnh, nơi người bệnh sẽ nhận được sự chăm sóc tốt nhất. "Có những điều chưa hoàn thiện, nhưng tôi tin rằng, chỉ cần nỗ lực hàng ngày, mọi vấn đề sẽ được giải quyết", BS Tài chia sẻ.

Bác sĩ Tài thăm hỏi, động viên người bệnh hằng ngày tại khoa.

Bác sĩ Tài thăm hỏi, động viên người bệnh hằng ngày tại khoa.

Tự hào những khoảnh khắc đẹp của tuổi trẻ

Hành trình của BSCKI Nguyễn Văn Tài không chỉ gói gọn trong các phòng bệnh tại bệnh viện mà còn mở rộng đến những chuyến đi thiện nguyện, giúp đỡ các mảnh đời khó khăn tại những vùng đất xa xôi và miền biên viễn xứ Nghệ.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của BS Tài là chuyến khám sức khỏe tại huyện miền núi Tương Dương vào năm 2018. Khi đó, đội tuyển U23 Việt Nam đang thi đấu tại giải bóng đá châu Á. "Chúng tôi hoàn thành chương trình sau 2 ngày 1 đêm, và trên đường về, đội tuyển vừa giành chiến thắng trong trận bán kết. Cả đoàn cùng nhau hát vang bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", trái tim tôi ngập tràn tự hào. Đó là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất của tuổi trẻ", BS Tài nhớ lại.

Bác sĩ Tài tham gia các hoạt động khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con.

Bác sĩ Tài tham gia các hoạt động khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con.

Với BSCKI Nguyễn Văn Tài, tinh thần dân tộc và khát vọng tuổi trẻ luôn là ngọn lửa cháy bỏng trong anh. Anh gửi gắm thông điệp đến thế hệ trẻ: "Hãy dám đam mê, dám cháy hết mình từ những điều nhỏ bé nhất. Khi bạn làm như vậy, bạn sẽ thấy mình có thể làm nên những điều phi thường, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng cho bản thân, gia đình và xã hội".

Mỹ Hạnh – Diệp Sương- Võ Lành

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nuoi-duong-tinh-than-thep-gianh-lai-tung-nhip-tho-169240922102732239.htm
Zalo