Truyện ngắn: Hạnh phúc hơn hôm qua
Nói là không quen biết là chị không biết em chứ em biết về chị khá nhiều. Thời gian đầu chỉ một vài thông tin bâng quơ, sau này thì dày đặc và thời gian gần đây, gần như chị ở trong nhà em, ăn chung ở chung...
Chị không nghĩ Hạnh, vợ mới của Phúc, chồng cũ chị, lại tìm đến. Lúc nghe khách giới thiệu tên tuổi và thêm một câu "tôi là vợ anh Phúc", chị còn ngớ người, chưa định thần để hiểu anh Phúc là ai. Khách cũng im lặng chờ chị định thần, vẻ bình lặng của khách làm chị có chút bối rối và hốt hoảng không biết mình đã làm sai gì.
Đến khi chị định thần lại, hiểu "anh Phúc" là chồng cũ của chị, là bố của con gái chị, chị lại lần nữa bối rối. Từ ngày ly hôn, chị không liên lạc gì với bố con bé Ti. Anh cũng không ghé thăm con, món tiền chu cấp anh gửi được một vài tháng rồi im bặt. Chị không buồn, nỗi buồn chị đã dùng hết trước khi ký vào đơn ly hôn. Thế thì vì lý do gì vợ mới của Phúc lại tìm đến chị, có phải đến đánh ghen không? Nhìn vẻ bình thản của khách, chị chắc chắn không phải. Thế thì vì lý do gì?
- Em cũng không biết vì sao lại tìm đến chị - Hạnh cười buồn - Nếu không thích, chị cứ việc đuổi em về, vì em với chị có quen biết gì đâu.
Chị cũng cười:
- Đã đến đây rồi mà.
- Nói là không quen biết là chị không biết em chứ em biết về chị khá nhiều. Thời gian đầu chỉ một vài thông tin bâng quơ, sau này thì dày đặc và thời gian gần đây, gần như chị ở trong nhà em, ăn chung ở chung...
Khách nén tiếng thở dài, nhìn ra khoảnh sân nhỏ đầy lá rụng. Sáng nay, chị dậy muộn, thấy nhưng kệ, lâu lâu học lười một chút.
- Em về chung nhà với anh Phúc được 7 năm - Khách chậm rãi. Chị nhẩm tính, là sau khi chị dời đi gần 2 năm. Anh có vợ mới khi con gái chị hơn 2 tuổi - Ba năm đầu tiên, cuộc sống cứ bình thường vậy, em có bầu rồi sinh con bé. Bà nội con bé dường như không thích cháu gái. Ở chung nhà nhưng bà không thò tay giúp đỡ hỗ trợ gì. Em nhờ anh Phúc thay tã, pha bột cho con thì bà nói, ngày trước chị toàn tự làm, không nhờ chồng. Em đã nghĩ chị là người phụ nữ đảm đang, khéo léo, sau mới biết là có nhờ anh Phúc cũng không làm.
Khách nhấp ngụm nước nhỏ:
"Anh Phúc, em không tìm được điểm nào để chê. Không rượu, bia, thuốc lá, không la cà hay gì, lại có hiếu. Nhưng chính vì có hiếu quá mà anh cứ như một đứa trẻ không chịu lớn. Lương lấy về, anh đưa cho mẹ và em sẽ nhận tiền chợ hàng ngày từ mẹ chồng, tối nào bà cũng bỏ sẵn số tiền quy định vào cái hộp sắt, sáng ra em cứ thế lấy.
Nếu em an phận thì chắc ngày tháng trôi qua chẳng có gì để nói. Có thể em sống bình yên quá lâu nên tự dưng muốn nổi loạn. Em nổi loạn khi muốn đổi sữa cho con vì con bé uống sữa đó bị táo bón. Bà nội con bé nói sữa này cháu nhà hàng xóm uống suốt có sao. Ừ, cháu hàng xóm uống được thì con em cũng phải uống được nhưng em lại nổi loạn nói gì mà mỗi người mỗi khác, cơ địa từng người không giống nhau. Mẹ chồng nói bà dành dụm tiền cũng vì con cháu, mai này còn sinh thêm thằng con trai nữa... Giá em ngoan ngoãn cố sinh thằng cháu trai cho bà thì mọi chuyện đã êm xuôi. Đằng này em lại lén đi đặt vòng. Em không muốn sinh nữa. Sinh con không phải cứ sinh ra là nó tự lớn, con gái em 2 tuổi mà bé tí yếu nhớt kia, nếu nó có em trai, có phải nó sẽ hoàn toàn bị bỏ rơi không?
Hồi đầu năm, vợ chồng em có ý định bán căn nhà cũ để mua căn nhà khác rộng hơn chút. Em thấy ý kiến anh Phúc cũng đúng nên đồng ý. Nhưng em không biết mẹ chồng em lại không chịu. Bà nói căn nhà ấy do chị và anh Phúc cùng tạo dựng. Nay căn nhà là của một mình anh Phúc. Giờ mà bán đi, mua căn nhà khác thì nghiễm nhiên em được một nửa ngôi nhà. Nên có mua thì một là anh Phúc đứng tên, em phải xác nhận đây là tài sản riêng của anh, hoặc bà đứng tên, bà có một mình anh Phúc là con, sau này cũng là của anh Phúc.
Em không nghĩ mình bỗng thành người dưng, người thừa trong nhà. Anh Phúc nói nếu em có tiền thì cùng góp vào, ngôi nhà sẽ là của chung. Em làm gì có tiền, mấy năm nay mẹ chồng bị khớp, huyết áp cao, đau lưng nên em ở nhà chăm con và mẹ chồng, tiền ở đâu em có?".
Khách dừng lại, lại nhìn ra khoảnh sân đầy lá rụng, gió lùa đám lá dồn về góc sân rồi lại tãi ra, lại dồn lại. Chị không biết trò chơi của gió và lá có gì vui khiến khách cứ mãi nhìn. Khách nhìn làm chị có chút ngượng nghịu, có khi nào khách nghĩ chị lười không, khoảnh sân bé tí, có mấy cái lá cũng không quét được?
Khách kể chuyện, kể như cần phải kể. Chị im lặng, tính cách Phúc chị cũng nhận ra trước ngày sinh con bé và đến khi con bé gần 1 tuổi, chị quyết định rời đi. Phúc hiền có hiền, nhưng hiền đến mức nhu nhược, anh như có một thế giới khác và vui với chúng, không bận tâm đến xung quanh.
Gần chục năm nay, chị lôi tha con hết nhà trọ này đến xóm trọ khác. Có những ngày chị chỉ ngủ được gần 2 tiếng, ai có việc gì chị cũng nhận, từ làm sổ sách đến giúp việc theo giờ. Ban ngày mẹ ở cơ quan, con ở nhà trẻ. Tối mẹ đi giúp việc, bán quán lề đường thì con lũn cũn theo, ngồi ngoan trong cái thau nhựa nhìn mẹ làm việc, buồn ngủ thì khoanh tròn ngủ trong thau, có hôm trời nóng, khách đến quán còn ngồi quạt cho con bé ngủ. Hôm nào chị ở nhà làm sổ sách, con bé mới được chơi trên giường. Những mệt mỏi đôi khi làm chị khuỵu ngã, rồi lại mím môi tự đứng dậy. Cũng có vài bàn tay chìa ra với mẹ con chị nhưng chị không nhận lời ai, chị sợ con mình khổ, cũng do chị chưa nhìn thấy sự thật lòng hay chân tình từ ai, có người còn nói thẳng toẹt là chị phải mang con trả cho bố nó khi "đi bước nữa".
Ngày bế con đi, chị nghĩ mình sẽ nuôi được con nhưng không nghĩ để nuôi một đứa trẻ lại khó khăn, vất vả thế. Ngày nào cũng quay cuồng chỉ ước có thêm 24 tiếng, thế mà cũng qua được cơn khó. Con bé cũng chậm rãi lớn.
Chị nhìn vị khách. Cảm giác khách đang bước vào dấu chân chị để lại. Chị buột miệng:
- Cần tôi giúp gì không?
Khách quay nhìn chị, bật cười:
- Không ạ. Sao lại thế được.
Chị cũng cười, khách nhìn ra sân:
- Chị có thấy những cái lá kia vui vẻ không, chúng xô đuổi nhau dù biết chút nữa mình sẽ bị nằm trong thùng rác hoặc bị đốt cháy. Nhưng có hề gì, lúc này còn vui được thì cứ vui.
Hóa ra khách đang ngưỡng mộ đám lá, không phải thầm chê chị lười biếng. Chị cười.
- Sáng nay, hai mẹ con dậy muộn nên chưa quét. Nãy tính quét lại lười.
- Em cũng thích cuộc sống thi thoảng được lười như chị. Nhưng dũng khí như chị thì em chưa có. Em cứ nghĩ, cứ sợ con em phải khổ, sợ em không làm được, sợ nhất là phải quay về.
Chị im lặng, không ai biết giới hạn của mình nằm đâu và dù biết chăng nữa cũng phải nới dần giới hạn ấy ra mỗi ngày một chút. Ngày hôm nay mình phải là tốt nhất, nhưng ngày mai phải tốt hơn. Chị cũng muốn có bờ vai nương tựa, muốn chi tiêu không phải tính toán quá mức, muốn sáng chủ nhật được ngủ nướng đến khi tự tỉnh giấc nhưng giữa muốn và có là một khoảng cách thật dài.
- Phụ nữ ấy mà, đừng nghĩ xa xôi cao siêu quá, cứ sống tốt là được rồi. Và tốt nhất là tự mình làm, tự mình lo. Giống như cái sân đầy lá kia, có thể ai đó thấy rối mắt, nghĩ chủ nhân là kẻ lười biếng, nhưng thế thì sao, ai nghĩ sao có ảnh hưởng gì đâu.
Khách ngồi lặng một lúc rồi ra về, chị nhìn đồng hồ, đã đến giờ đón con gái ở lớp học đàn rồi. Chị không biết khách đến tìm mình để làm gì, liệu có thêm quyết tâm để làm gì không. Lúc ra tới sân, chị vơ cái chổi quét dồn đám lá vào góc sân, hốt bỏ vào góc vườn có sẵn cái hố nhỏ. Có thể ai đó thấy đám lá lãng mạn, có thể ai đó nghĩ khoảnh sân đó quét cũng được mà không cũng không sao, nhưng chị thấy nên quét. Ít nhất để mình khỏi lấn cấn nghĩ về nó.
Chị cho xe chạy ra đường, con gái hẳn đang chờ chị. Chị mỉm cười, thấy hôm nay mình hạnh phúc hơn hôm qua, vậy là đủ rồi.