Nên chườm nóng hay chườm lạnh để trẻ mau hạ sốt?

Chườm 2 kiểu là chườm ấm và chườm lạnh. Nếu lựa chọn không đúng sẽ gây hại cho cơ thể trẻ nhỏ, đặc biệt là khi bé đang sốt.

 Mỗi kiểu chườm mang đến một lợi ích sức khỏe khác nhau. Ảnh: Freepik.

Mỗi kiểu chườm mang đến một lợi ích sức khỏe khác nhau. Ảnh: Freepik.

Sốt là tình trạng thân nhiệt của trẻ cao vượt mức bình thường, đây là phản ứng của cơ thể để chống lại các tác nhân có hại xâm nhập vào. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc kháng sinh, nhiều cha mẹ vẫn có thói quen chườm như một giải pháp để trẻ hạ sốt.

Khi trẻ bị sốt nên chườm ấm hay chườm lạnh?

Theo điều dưỡng Lê Trung Hiếu, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản nhi Lào Cai, nhiều bậc cha mẹ khi con ốm, sốt thì tiến hành chườm lạnh cho con nhưng đây là việc làm sai lầm.

Để biết khi trẻ sốt nên chườm ấm hay chườm lạnh, phụ huynh cần hiểu bản chất, sự khác nhau giữa hai phương pháp này.

Chườm lạnh: Chườm lạnh có tác dụng giảm lưu thông máu, se các lỗ chân lông, từ đó ngăn chặn tình trạng thoát nhiệt khỏi cơ thể.
Chườm ấm: Có tác dụng làm ấm cơ thể, tăng sự lưu thông tuần hoàn máu.

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị sốt là do cơ thể lạnh đột ngột, các mạch máu co lại khiến lưu lượng máu lưu thông giảm. Lúc này, chườm ấm sẽ khiến lỗ chân lông trên cơ thể giãn nở, giãn các mạch máu ngoại vi, tăng khả năng tản nhiệt, từ đó hạ sốt.

Trong trường hợp trẻ bị sốt, nếu cha mẹ chườm lạnh sẽ chỉ khiến con khó chịu hơn. Một số phụ huynh còn lấy nước đá cho vào khăn khô chườm lên người trẻ, việc này có thể gây bỏng lạnh, suy hô hấp, rất nguy hiểm cho trẻ.

Cách chườm ấm cho trẻ khi bị sốt

Chườm nước ấm có thể làm trẻ hạ sốt nhanh, giảm nhiệt độ cơ thể 1-2 độ C. Dưới đây là cách chườm ấm cho trẻ đúng chuẩn:

Chuẩn bị

Nhiệt kế
5 khăn nhỏ có khả năng thấm hút nước tốt
Pha chậu nước ấm, có thể kiểm tra độ ấm của nước bằng cách nhúng khuỷu tay vào thau nước và cảm giác ấm như khi tắm em bé là được
Nới bớt quần áo cho trẻ
Đặt trẻ ở phòng thông thoáng, tránh gió lùa

Tiến hành

Bước 1: Vệ sinh tay sạch sẽ
Bước 2: Dùng khăn nhúng vào chậu nước, vắt ráo nước và lau toàn thân cho trẻ. Lau chủ yếu ở nách, bẹn, lưng, lòng bàn tay, lòng bàn thân. Có thể, đặt khăn lên hõm nách, bẹn và trán của trẻ.
Bước 3: Khi khăn bớt ấm, nhúng lại khăn vào chậu nước và lặp lại hành động trên cho đến khi thấy bé mát hơn.

Một số lưu ý khi chườm ấm cho trẻ

Khi chườm ấm để giảm sốt cho trẻ, cha mẹ không nên bỏ qua những lưu ý sau:

Tuyệt đối không chườm lạnh khi trẻ sốt
Khi nước nguội, phải pha thêm nước nóng hoặc thay bằng chậu nước ấm khác, kiểm tra nhiệt độ rồi lại lau người cho trẻ
Sau 15-30 phút, đo lại thân nhiệt của trẻ, dừng chườm khi nhiệt độ của trẻ <37,5 độ C
Khi chườm, cần chú ý lau nhẹ nhàng, tránh chà xát khiến trẻ đau rát, mẩn đỏ
Nếu trẻ vẫn không hạ sốt, có thể dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ
Cho trẻ uống nhiều nước vì sốt cao thường mất nước

Chườm ấm là cách hạ sốt nhanh và an toàn cho bé nhưng cần thực hiện đúng cách. Sau khi chườm mà nhiệt độ cơ thể bé vẫn cao, cha mẹ nên cho bé đi khám để được bác sĩ tư vấn và đưa ra hướng điều trị.

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nen-chuom-nong-hay-chuom-lanh-de-tre-mau-ha-sot-post1510409.html
Zalo