Nước EU nhận thêm xe tăng Mỹ trở thành trụ cột phòng thủ phía Đông của NATO
Ba Lan đã nhận thêm 19 xe tăng M1A2 SEPv3 của Mỹ để tăng cường sườn phía Đông NATO, đối phó với mọi mối đe dọa quân sự, khẳng định vai trò chủ lực trong việc bảo vệ châu Âu.

Quân đội Ba Lan tiếp nhận thêm 19 xe tăng M1A2 SEPv3 Abrams do Mỹ sản xuất trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa lực lượng thiết giáp quy mô lớn. Ảnh: Paweł Bejda/X
Theo thông tin được ông Paweł Bejda, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan, chia sẻ ngày 9/5/2025, Ba Lan đã tiếp nhận thêm 19 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 SEPv3 Abrams từ Mỹ. Những xe tăng này sẽ sớm được biên chế vào các đơn vị tác chiến của quân đội Ba Lan, qua đó tiếp tục tăng cường năng lực thiết giáp của nước này.
Chuyên trang quân sự armyrecognition.com ngày 11/5 cho biết đợt chuyển giao này nằm trong khuôn khổ thỏa thuận Bán hàng quân sự nước ngoài (FMS) trị giá 4,75 tỷ USD được ký kết vào tháng 4/2022 mà theo đó Ba Lan sẽ nhận tổng cộng 250 xe tăng M1A2 SEPv3 Abrams. Thỏa thuận này còn bao gồm 26 xe cứu kéo bọc thép M88A2 HERCULES, 17 cầu tấn công liên hợp M1110, cùng các gói hậu cần, phụ tùng thay thế và huấn luyện toàn diện.
Trước khi được đưa vào sử dụng, các xe tăng mới được chuyển giao sẽ trải qua quy trình kiểm tra và hiệu chỉnh tại nhà máy Wojskowe Zakłady Motoryzacyjne (WZM S.A.) ở Poznań, nơi đặt Trung tâm Năng lực Khu vực Abrams. Cơ sở này bảo đảm mỗi xe tăng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của quân đội Ba Lan và sẵn sàng chiến đấu trước khi được biên chế cho các đơn vị tiền phương.
Lô đầu tiên gồm 28 xe tăng M1A2 SEPv3 đã cập cảng Gdynia vào tháng 1/2025 và nhanh chóng được phân bổ đến các đơn vị thiết giáp khác nhau.
Biến thể M1A2 SEPv3 là phiên bản tiên tiến nhất trong dòng xe tăng Abrams, được nâng cấp toàn diện về hỏa lực, khả năng bảo vệ và nhận thức tình huống chiến trường. Những cải tiến nổi bật gồm: Giáp bảo vệ nâng cấp để chống lại cả đạn động năng và vũ khí hóa học; hệ thống phát điện cải tiến; liên kết dữ liệu đạn dược mới hỗ trợ đạn nổ trên không (airburst); hệ thống thông tin liên lạc và quản lý chiến trường thế hệ mới.
Các nâng cấp này giúp tăng cường khả năng phối hợp tác chiến với lực lượng NATO và mang lại cho quân đội Ba Lan năng lực tác chiến vượt trội trong môi trường chiến tranh hiện đại.
Việc tiếp nhận các xe tăng mới là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của Ba Lan nhằm hiện đại hóa và mở rộng lực lượng thiết giáp, hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia vận hành xe tăng mạnh nhất châu Âu.
Bên cạnh 250 xe M1A2 SEPv3, vào tháng 1/2023, Ba Lan còn ký thỏa thuận trị giá 1,4 tỷ USD để mua 116 xe tăng M1A1 FEP Abrams đã được tân trang lại. Những xe này đã được bàn giao vào giữa năm 2024 và hiện đang được sử dụng bởi Lục quân Ba Lan.
Tổng cộng, Ba Lan sẽ sở hữu 366 xe tăng Abrams, bao gồm cả phiên bản M1A2 SEPv3 và M1A1.
Ngoài ra, Ba Lan đang tiếp nhận 180 xe tăng K2 Black Panther do Hàn Quốc sản xuất. Việc bàn giao bắt đầu từ tháng 12/2022, và đến cuối năm 2024, 84 chiếc đã được nhận. Đây mới chỉ là giai đoạn đầu, vì Ba Lan dự kiến sẽ mua tới 1.000 xe tăng K2, bao gồm cả các biến thể sản xuất trong nước theo chương trình K2PL.
Lực lượng thiết giáp của Ba Lan cũng bao gồm số lượng lớn xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất, với 105 xe Leopard 2A5 và 126 xe Leopard 2A4. Nhiều chiếc trong số Leopard 2A4 đang được nâng cấp lên tiêu chuẩn Leopard 2PL, với cải tiến về giáp bảo vệ, hệ thống điều khiển hỏa lực và khả năng sống sót của kíp lái.
Tổng cộng, lực lượng xe tăng hiện đại của Ba Lan bao gồm: 366 xe tăng Abrams (M1A2 SEPv3 và M1A1), 180 xe tăng K2 Black Panther và 231 xe tăng Leopard 2 (A4 và A5), tạo nên tổng số 777 xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại, đưa Ba Lan trở thành quốc gia sở hữu lực lượng thiết giáp mạnh nhất châu Âu, vượt qua các thành viên NATO khác trên lục địa cả về số lượng lẫn năng lực chiến đấu.
Cuộc cải tổ lực lượng thiết giáp của Ba Lan là phản ứng trực tiếp trước môi trường an ninh đang thay đổi tại Đông Âu, và thể hiện cam kết mạnh mẽ của Vacsava (Warsaw) đối với NATO cũng như nỗ lực răn đe khu vực.
Với sự kết hợp vững chắc giữa các nền tảng thiết giáp từ Mỹ, Hàn Quốc và Đức, Ba Lan không chỉ hiện đại hóa hạ tầng quân sự mà còn trở thành trụ cột phòng thủ phía Đông của NATO. Những khoản đầu tư này đảm bảo rằng quân đội Ba Lan sẽ luôn sẵn sàng đối phó với mọi mối đe dọa quân sự, khẳng định vai trò chủ lực trong việc bảo vệ châu Âu.