Nước…
Mỗi gia đình cử một người lo việc nước.
Lo việc nước không phải lo chuyện… nước non mà là lo chuyện nước uống, nước sinh hoạt, nước tắm giặt hàng ngày. Lo việc nước ở đây là lo đầy mái, lu nước bằng cách xếp hàng mua nước từ mấy ông chủ xe bò chở nước ngọt từ xa về làng vào ngày nắng; hay hứng nước trời vào ngày mưa. Trao nước nhận tiền đúng ra là… bán nước! Nhưng… bán nước là trọng tội nên người ta gọi tránh là… đổi nước. Bởi nơi đây là vùng khô hạn, quanh năm nắng cháy khét tóc, trời rũ lòng thương chỉ ban phát vài cơn mưa lất phất không đủ làm mềm đất. Có năm suối cạn phơi lòng đá cuội, giếng thơi trơ đáy; dân làng phải đào giếng trong lòng suối để chắt mót từng ca nước cho người và gia súc uống nhấp giọng cầm hơi để nheo mắt nhìn những đám mây mang hơi nước bay ngang bầu trời rồi bay tuốt luốt không dừng lại ban phát những giọt mưa.
Nguồn nước sông Đá Lạnh của cả chục con sông con suối từ miệt núi rừng chắt mót gom nước chảy qua làng là nguồn nước duy nhất cứu nguy cho dân làng sau ngày dứt mấy trận mưa hiếm hoi. Anh và cô hàng xóm duyên dáng là hai người được hai gia đình cử lo việc nước nên có điều kiện và thời gian gần gũi.
Anh học tiếng chó sủa y… như chó.
- Gâu!.. Gâu!... Gâu!
Ám hiệu là ba tiếng “gâu” vào lúc ba giờ sáng để cô dậy, cùng anh đi đợi xe bò nước. Hai đứa quẩy cặp thùng đi non cây số, đến gốc cây sung ngã Ba chợ làng, đặt thùng xếp hàng. Sớm thế mà đã có vài chục cái thùng giành chỗ của mấy người có nhà quanh chợ hay của người đến sớm, có lẽ họ thức dậy từ lúc mới nửa đêm.
Có tiếng lọc cọc bánh gỗ chiếc xe bò một của lão Chột từ xa vẳng lại. Có thể Chột không phải là tên lão nhưng vì lão bị hư một mắt nên dân làng gọi thế chăng? Không chỉ có lão Chột làm nghề đổi nước, còn vài người nữa nhưng họ cùng chọn ngã Ba chợ làng làm địa điểm đổi nước. Cứ khoảng ba giờ sáng là các xe bò chở nước lần lượt đến, bao giờ chiếc xe bò đầu tiên cũng là xe lão Chột vì giếng nước ngọt của lão gần làng hơn các giếng khác. Nói là gần chớ cũng cách làng cả chục cây số, chắc là lão phải lấy nước đầy thùng xe từ sau bữa cơm chiều. Mỗi giếng nước ngọt là một mỏ vàng. Trong đất rẫy khô cằn của lão Chột có một mạch nước ngầm mà một trưa ngồi bó gối trong chòi lá, tay phe phẩy cái quạt mo cau, con mắt còn lại của lão nổ đom đóm vì nắng chói chang; lão chợt thấy một lùm cây bụi xanh mướt ở một góc ranh rẫy mà lâu nay lão không ghé mắt trong khi cả khu đất cây cối xác xơ vàng bệch. Lão dụi mắt lia lịa vì nghi ngờ bị chột nên trông gà hóa công chăng? Hay lão bị ảo giác như người đi trong sa mạc nhìn thấy ốc đảo xanh mướt cỏ cây và tràn đầy nước ngọt?
Chờ mặt trời núp bên kia sườn núi Ông Gũ cho nắng dịu gay gắt, lão Chột vác cuốc đào xới lùm bụi xanh mướt góc ranh rẫy. Đất ẩm. Lão bốc một vốc đất trong lòng bàn tay, rồi vò nát từng viên cát kết dính, hai ngón tay mân mê từng hạt cát, gí con mắt chột vào lòng bàn tay, hai cánh mũi phập phồng hít mùi hơi mát của nước. Lão suy đoán có mạch nước ngầm bên dưới nên lùm bụi chỗ này mới có sức sống mãnh liệt như thế trong khi chung quanh đất bị nung nóng không mọc nổi một loài cỏ dại nào.
Lão Chột giở cuốn lịch Tam Tông Miếu chọn ngày tốt, làm lễ cúng Thổ Địa, thành tâm khấn vái trước con gà trống chéo cánh nghiêng đầu chễm chệ rồi mới bổ nhát cuốc đầu tiên đào giếng giữa lùm bụi xanh mướt góc ranh rẫy. Lão Chột cùng con trai và một thanh niên làm thuê hì hục khoét sâu vào lòng đất cả mười mét thì gặp mạch nước phun trào. Nguồn nước có màu hơi đục nhưng ngọt mà dân gian gọi là nước hến đã làm thay đổi cuộc đời lão Chột cũng như vợ, con lão. Từ nay, lão được dân làng khai sinh tên mới, lão Chột Đổi Nước. Dân gian quả thật thâm thúy, cùng hành vi bán món hàng để lấy tiền nhưng bán nhà thì gọi là bán nhà, còn bán nước thì gọi là đổi nước chớ không ai gọi là bán nước, vì kẻ bán nước sẽ bị đời đời nguyền rủa.
Cả buổi sáng, anh và cô mỗi người chỉ đổi được hai gánh nước khoảng tám mươi lít, đủ cho cả nhà dùng dè sẻn trong một ngày, không phải dùng đến nước dự trữ trong cái mái vú cất trong chái bếp. Con người có thể nhịn ăn nhưng không thể không uống nước.
Tháng Chạp, sông Đá Lạnh cạn kiệt. Cả làng đón mừng mùa xuân mới bằng cách đổ xô ra sông để làm mới chăn, mùng, chiếu, gối, quần áo và bao thứ linh tinh khác dùng trong gia đình.
Anh và cô gồng gánh các thứ cần giặt giũ mày mò đi trong ánh sáng chập choạng quãng một cây số đường làng mấp mô mới ra đến bờ sông. Tiếng chó sủa râm ran cáu gắt khác hẳn tiếng anh sủa khi gọi cô.
- Mấy con chó này sủa nghe không chút cảm tình tí nào.
Cô thì thào bên tai anh. Rồi tiếp:
- Anh… sủa nghe dịu dàng hơn.
Cô chấm điểm tiếng sủa của anh và cười khúc khích. Tiếng cười ấm áp của cô làm một ngày mới trong anh dâng tràn tình cảm dạt dào. Bờ sông đã có vài người đến sớm, hai người đi dần lên phía thượng nguồn đón dòng nước sạch. Khi ánh mặt trời vừa thả những tia nắng sơ sinh trên mặt nước, cả khúc sông đã rộn ràng với tiếng cười đùa, tiếng giũ đập mùng mền vào nước, tiếng cọ rửa vật dụng…
Anh và cô ngồi nghỉ trên mỏm đá ven bờ. Cô thòng chân khỏa nước, bắp chân cô trắng muốt. Cô thẹn thùng thả ống quần chặn ánh mắt của anh. Ánh mắt si mê nhiều lần cô bắt gặp…
* * *
Ngày xưa, anh và cô…
Mấy mươi năm sau thành… ông và bà.
Hai ông bà ngồi trên bộ ván kê bên hiên nhà, cùng nhìn ra vòi nước đầu ngõ. Mấy đứa cháu chơi đá banh về, vừa cãi cọ vừa giành nhau kê đầu vào vòi nước. Nước mát dội trên đầu, trên lưng trần của chúng văng tung tóe. Ông bắc vòi nước ngay đầu ngõ vào nhà để mọi người rửa chân tay cho tiện mỗi lần từ ruộng rẫy về. Rửa xong, mọi người theo con đường lót gạch vào thẳng trong nhà, không mang theo đất cát hay bụi bặm. Còn đám trẻ, chúng sà ngay vào vòi nước để tắm táp sau mỗi trận giành giật trái banh da.
Bà tặc lưỡi.
- Mấy đứa nhỏ xài phí nước quá!
Ông ậm ừ, tỏ vẻ không hài lòng. Phía thượng nguồn sông Đá Lạnh nhà nước đã xây dựng một hồ thủy lợi lớn chứa cả mấy chục ngàn khối nước, cung cấp dư dả nước sinh hoạt cũng như phục vụ sản xuất cho toàn bộ diện tích cây lúa và cây ăn quả của người dân vùng hạ du. Mấy đứa nhỏ xài mấy giọt nước rò rỉ thì nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Hay là bà còn bị ám ảnh bởi những mùa khô hạn chắt mót từng ca nước trong lòng con suối khô dòng thời con gái?
- Sáng mai mình mang mùng, mền, chăn, chiếu… ra bờ sông Đá Lạnh giặt giũ đón tết nhen?
Ông ghẹo bà.
Gió bấc đã thổi tràn. Tháng Chạp hanh khô. Nhựa cây đang dồn nén đợi gió xuân về sẽ trào lên đâm ngọn trổ cành ra búp lá non. Không như cây, hai ông bà cảm nhận sức lực của mình dần cạn, không còn khỏe khoắn như mấy năm trước. Có phải vì tuổi già mà họ thường nhắc chuyện ngày xưa, chuyện đêm trăng quẩy thùng đi đợi xe bò đổi nước của lão Chột; hay gồng gánh bao thứ vật dụng ra bờ sông Đá Lạnh để tẩy uế cho sạch sẽ nhà cửa đón mừng năm mới?
-Mới đó mà lão Chột mất ăn tết cả chục cái rồi hả ông?
Bà hỏi mà không cần câu trả lời của ông. Câu hỏi thả bâng quơ bởi bà đang chìm đắm suy tư vào thời quá vãng.
Lão Chột mất sau con bò già mấy năm. Con bò lúc đó không còn kéo nổi xe nước lên cái dốc cao trước khi đổ vào làng. Một sáng, nó ráng hết sức, khuỵu hai chân trước, đẩy hai chân sau, rướn cả thân hình nhưng thùng xe đầy nước nặng quá. Và nó gục xuống, miệng đầy bọt trắng.
Lão Chột ân hận lắm. Con bò già yếu lắm rồi, lý ra lão phải cho nó nghỉ ngơi nhưng lão tham công tiếc việc nên mới xảy ra cớ sự. Lão quyết định mang xác con bò đã mang lại cho lão bao nhiêu lợi nhuận về chôn ở một góc ranh vườn. Lão không thể làm nó đau đớn hơn nữa bằng cách xẻ thịt xương nó. Hàng năm vào ngày giẫy mả trong gia tộc lão, lão vun thêm đất đắp nấm mộ cho con bò kéo xe nước của mình, như của một người thân yêu.
Con bò già không còn. Lão Chột không còn. Cái thùng xe bò chở nước chỏng chơ hai càng xe bỏ hoang bên gốc cây xoài mục nát theo thời gian.
Ngày nọ, có một cán bộ bảo tàng về làng tìm hiểu nghề đổi nước xa xôi được hướng dẫn đến miếng đất rẫy của lão Chột. Người cán bộ trẻ đứng bên bờ đập hồ thủy lợi nhìn mặt hồ phẳng lặng đầy nước in bóng mây trời, không hình dung được mái chòi trong đất rẫy lão Chột vì cả vùng này đã nằm sâu trong lòng hồ thủy lợi. Họ đến gặp ông và bà. Cả một thời quá vãng được ông và bà chắp vá từng mảnh cho người cán bộ bảo tàng vẽ lại bằng những nét rời rạc.
Anh ta tiếc rẻ:
- Phải chi còn bộ khung chiếc xe bò một chở nước thì hay quá! Con sẽ đề xuất với cấp trên đóng một chiếc xe bò với cái thùng bằng gỗ chứa nước như hai bác miêu tả để trưng bày cho những người trẻ hình dung đôi nét về nghề đổi nước năm xưa! Bây giờ, hệ thống ống cái ống con dẫn nước sinh hoạt vào tận bếp của từng nhà, mở vòi ra là có nước dùng nên ít ai còn nhớ đến những người đổi nước như lão Chột…