Mang yêu thương đến Trường Sa

Trường Sa - khi nhắc đến chắc hẳn mỗi người dân Việt Nam đều cảm thấy xúc động, tự hào về một phần 'máu thịt' thiêng liêng của Tổ quốc. Lần đầu đến với Trường Sa, chạm tay vào cột mốc chủ quyền, gặp gỡ những người lính Hải quân đang ngày đêm vượt qua khó khăn, gian khổ để bảo vệ biển, đảo quê hương, tôi càng thêm khâm phục ý chí kiên cường, thấu hiểu sự hy sinh thầm lặng của các anh.

Hậu phương vững chắc

Hằng năm, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức chuyến thăm, chúc Tết tại quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Năm nay, tôi vinh dự lần đầu tiên được cùng hơn 100 phóng viên trong cả nước tham gia đoàn công tác đến với Trường Sa nhân dịp Tết Ất Tỵ 2025.

 Tàu HQ 571 đưa đoàn công tác đến đảo Trường Sa.

Tàu HQ 571 đưa đoàn công tác đến đảo Trường Sa.

Đại tá Nguyễn Hữu Minh, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân nhấn mạnh, Tết Nguyên đán là dịp để mỗi người con đất Việt quây quần bên gia đình nhưng nhiều cán bộ, chiến sĩ vẫn đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. Các chuyến tàu mang theo hơi ấm của Tết cổ truyền với những món quà đầy nghĩa tình thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, nhân dân cả nước đối với Trường Sa. Qua đó góp phần động viên, khích lệ, giúp các cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa có thêm sức mạnh tinh thần, vượt qua mọi thử thách.

Trước khi tàu xuất phát, tỉnh Khánh Hòa, Vùng 4 Hải quân tổ chức trang trọng Lễ gặp mặt, động viên cán bộ, chiến sĩ, đại biểu lên đường làm nhiệm vụ. Những ánh mắt quyến luyến, cái bắt tay nồng ấm, bịn rịn chia tay người ra đảo khiến ai nấy đều xúc động. Tiễn chồng đi công tác tại đảo Sinh Tồn, chị Nguyễn Như Ngọc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) chia sẻ: “Lấy nhau 7 năm thì đã 3 năm chồng tôi ăn Tết ngoài đảo. Tôi tự hào có chồng là bộ đội Hải quân, luôn sẵn sàng sẻ chia, cảm thông với nhiệm vụ của chồng. Ở nhà tôi chu toàn mọi việc để anh yên tâm bám đảo”.

Đồng chí Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu khi tiễn đoàn đã khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa luôn tự hào là hậu phương vững chắc, là điểm tựa của các chiến sĩ Hải quân.

 Mang quất đến đảo Cô Lin.

Mang quất đến đảo Cô Lin.

Chuyến công tác diễn ra từ ngày 26/12/2024 đến ngày 10/1/2025, đúng thời điểm Biển Đông có bão và áp thấp nhiệt đới nên khó khăn nhân lên bội phần. Lời chúc “đi đủ, về đủ” khiến chúng tôi hiểu hành trình vượt trùng khơi phía trước không mấy dễ dàng. Sau ba tiếng còi tàu ngân vang chào đất liền, từng con tàu rẽ sóng rời cảng. Tôi được bố trí đi trên tàu HQ 571. Tàu có trọng tải hàng nghìn tấn mang theo nhu yếu phẩm và sản phẩm đặc trưng ngày Tết như: Đào, quất, mai, lá dong, gạo nếp, thịt lợn… đến với các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở các đảo thuộc phía Bắc quần đảo Trường Sa.

Dù được cảnh báo trước sẽ có sóng to, gió lớn nhưng tôi vẫn bất ngờ trước nhiều đợt sóng dữ, gió rít liên hồi như muốn nuốt lấy con tàu. Có lúc biển động mạnh, những con sóng bạc đầu chồm lên làm tàu rung lắc, nghiêng ngả. Bên ngoài, những chú chim hải âu chao đảo, lúc lúc đậu vào thành tàu để tìm nơi trú. Một số phóng viên say sóng, mệt lả nhưng vất vả hơn cả là những “anh nuôi” trên tàu hằng ngày nấu ăn trong điều kiện sóng xô dập dềnh. Ở các anh, chúng tôi cảm nhận được sự ân cần, chu đáo. Ngoài bảo đảm dinh dưỡng, bữa ăn an toàn cho đoàn công tác, các chiến sĩ quan tâm bổ sung trái cây, nấu cháo cho những người say sóng. Nhờ đó mà chúng tôi dần thích ứng với điều kiện sinh hoạt trên tàu biển.

Mang mùa xuân đến với đảo tiền tiêu

Sau gần 3 ngày chống chọi với sóng gió biển khơi, vượt qua hàng trăm hải lý, tàu HQ 571 tiến dần đến đảo Song Tử Tây - điểm đến đầu tiên trong hải trình của đoàn. Chúng tôi chăm chú lắng nghe tiếng loa phát thanh trên tàu giới thiệu về đảo. Đảo Song Tử Tây cách cảng Cam Ranh khoảng 300 hải lý. Đảo có nhiều giếng nước lợ có thể dùng để tắm giặt và tưới cây. Môi trường sinh thái ở đây thuận lợi cho việc chăn nuôi lợn, gà, vịt, trồng được nhiều loại rau tươi tốt. Dường như biển cả đã bao dung, ưu ái tặng cho nơi đây vị ngọt ngào của đất liền.

 Chiến sĩ đảo Song Tử Tây đọc Báo Bắc Giang.

Chiến sĩ đảo Song Tử Tây đọc Báo Bắc Giang.

Đang mệt lả vì say sóng nhưng nghe văng vẳng bên tai lời giới thiệu về hòn đảo xinh đẹp trước mắt, mọi người trong đoàn phấn chấn hẳn lên, sẵn sàng chuẩn bị vật dụng cá nhân để lên đảo. Tuy nhiên, do sóng vẫn lớn, tàu phải neo đậu tại chỗ giữa đại dương mênh mông, chờ biển lặng, bảo đảm tuyệt đối an toàn mới vào đảo. Theo kinh nghiệm của thủy thủ tàu, Song Tử Tây là một trong những đảo khó tiếp cận nhất bởi địa hình phức tạp, thường xuất hiện cơn sóng nguy hiểm, nếu không chọn đúng thời điểm di chuyển thì nguy cơ cao mất an toàn.

Sau khi nghe dự báo thời tiết, đánh giá kỹ tình hình, đoàn chúng tôi được đặt chân lên đảo đúng ngày đầu tiên của năm mới 2025. Lá cờ Tổ quốc tại cột mốc tung bay phấp phới, kiêu hãnh khẳng định chủ quyền quốc gia. Dãy bàng vuông, phong ba, phi lao rợp bóng mát. Ngọn hải đăng sừng sững vươn cao, đêm đêm thắp sáng dẫn đường cho những con tàu vượt qua vùng biển đầy đá ngầm, bãi cạn và sóng gió. Trạm khí tượng hải văn Song Tử Tây được coi là “con mắt” báo bão sớm nhất cả nước, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển, phục vụ cho nhu cầu dân sinh, đóng góp vào sự phát triển KT-XH trên quần đảo Trường Sa.

Từng chuyến xuồng hối hả chở hàng từ tàu nối đuôi nhau vào đảo mang theo tình cảm, hơi ấm của đất liền đến với quân và dân nơi đây. Tại hội trường của đảo, lần lượt những chậu quất, đào, mai, trái cây được đưa vào, trang trí đón Tết. Điểm đặc biệt ở đảo là cây bàng vuông được trưng trong ngày Tết. Đây là loài cây đặc trưng ở các đảo, có sức chống chịu cao với gió bão, biểu tượng cho ý chí quật cường, bền bỉ, kiên trì của chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió.

 Phút thư giãn của cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông.

Phút thư giãn của cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông.

Tết ở Trường Sa luôn sớm hơn đất liền. Có khách từ đất liền ra, quân và dân trên đảo đều phấn khởi, chuẩn bị chu đáo đón mùa xuân mới thật tươm tất; cùng thi gói bánh chưng rồi quây quần bên nồi bánh sôi lục bục, tiếng củi lửa nổ tí tách. Những lời hỏi han, câu chuyện chia sẻ của chiến sĩ về công việc, gia đình càng thêm gắn kết tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân.

Các trò chơi dân gian như: Kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, ném vòng hay hái hoa dân chủ, thi diễn văn nghệ, đá bóng được tổ chức với sự tham gia, cổ vũ nhiệt tình của quân và dân trên đảo tạo không khí vui tươi. Chiến sĩ Phan Văn Hậu, quê ở tỉnh Bình Thuận tâm sự: “Ngày Tết, ai cũng mong được sum họp bên người thân, gia đình. Tôi đã chọn là người lính hải quân, nghĩa là mọi khó khăn, gian khổ đều vượt qua. Năm đầu tiên đón Tết trên đảo, được cán bộ, đồng đội động viên, tôi vơi đi nỗi nhớ nhà và tự hứa sẽ quyết tâm rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người lính”.

Ngày đêm gìn giữ chủ quyền quốc gia

Theo Trung tá Vũ Mạnh Hải, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ, ủng hộ của đồng bào, chiến sĩ cả nước, nhiều công trình đã được xây dựng trên đảo như: Nhà văn hóa, Khu tưởng niệm Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, chùa Song Tử Tây, trụ sở UBND xã, trường tiểu học, nhà ở của nhân dân; hệ thống năng lượng gió và năng lượng mặt trời... Những năm qua, quân và dân xã đảo Song Tử Tây đã góp hàng chục nghìn ngày công để tu sửa, san lấp mặt bằng, trồng cây, xây dựng cảnh quan môi trường. Cuộc sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên đảo từng ngày được cải thiện.

 Chính trị viên, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn kiểm tra công tác tuần tra trên đảo.

Chính trị viên, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn kiểm tra công tác tuần tra trên đảo.

Trong hành trình đi trên tàu HQ 571, chúng tôi cũng được đến thăm các đảo khác như: Đá Thị, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Cô Lin, Len Đao... Ở mỗi đảo, chúng tôi thấy được sự kiên cường, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Hải quân, những người vững vàng giữa phong ba, không gì có thể khuất phục; luôn có niềm tin sắt son với Đảng, Nhà nước, nhân dân. Được đến và tìm hiểu, trò chuyện với quân và dân nơi này, chúng tôi thêm yêu Tổ quốc mình, biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và càng cảm phục tinh thần "thép" của người chiến sĩ nơi tiền tiêu.

Hải trình 16 ngày trên biển đến với quần đảo Trường Sa thân yêu đã khép lại, thành công tốt đẹp, tàu HQ 571 đưa chúng tôi cập cảng Cam Ranh, trở lại đất liền trong sự chào đón ấm áp, thân tình của cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân. Trong tôi in đậm hình ảnh người chiến sĩ Hải quân luôn chắc tay súng, hiên ngang giữa biển trời bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đâu đó tiếng sóng Trường Sa âm vang như lời nhắn nhủ của người lính đảo gửi tới đất liền: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm/ Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương/ Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa/ Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ/ Ta vẫn vượt qua…”.

Bài, ảnh: Trịnh Lan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/mang-yeu-thuong-den-truong-sa-postid411388.bbg
Zalo