Nữ sinh bị lan can rơi trúng đầu hồi phục kỳ diệu: Báo động về an toàn trường học
Chiều đầu hè 2025, nữ bệnh nhân 15 tuổi được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, Glasgow chỉ còn 8 điểm, tiên lượng sống dè dặt. Nhưng rồi, điều kỳ diệu đã xảy ra...
Tai nạn bất ngờ giữa sân trường
Chia sẻ với VietTimes chiều nay (10/5), PGS.TS Lưu Quang Thùy - Giám đốc Trung tâm Gây mê Hồi sức tích cực Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (BV Việt Đức) cho biết nạn nhân là nữ sinh lớp 9 chuyên Văn của một trường trung học danh tiếng ở miền Trung.
Hôm đó, khi em cùng các bạn đang vui chơi dưới sân, bất ngờ một đoạn lan can sắt rơi từ tầng bốn trúng đầu, bị thương nặng. Tai nạn diễn ra quá nhanh, không ai kịp phản ứng.
Tại BV tuyến tỉnh, các bác sĩ đã xử lý vết thương sọ não hở và theo dõi sát. Tuy nhiên, sau ba ngày điều trị tích cực, tri giác em vẫn không cải thiện, gia đình quyết định đưa bệnh nhân về BV Việt Đức.

PGS.TS Lưu Quang Thùy (phải) và cháu bé đã hồi phục kỳ diệu sau 20 ngày bị lan can rơi vào người
Tại Khoa Hồi sức Tích cực 2 – Trung tâm Gây mê và Hồi sức Ngoại khoa, bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực: Thở máy, kiểm soát huyết động, duy trì an thần và chống phù não.
Sau 5 ngày, những tia hy vọng đầu tiên xuất hiện khi em dần hồi tỉnh, được rút nội khí quản. Tuy nhiên, em vẫn còn yếu nửa người trái và phản xạ chậm, phải tiếp tục phục hồi chức năng tại giường, kết hợp dinh dưỡng và trị liệu tâm lý.
Tưởng chừng đã qua cơn nguy kịch, thì đến ngày thứ 11, bệnh nhân lại chuyển biến xấu. Kết quả chụp CT cho thấy thoát vị não và tụ dịch dưới màng cứng – một biến chứng muộn sau chấn thương sọ não hở, buộc phải phẫu thuật lại cho bệnh nhân, tiếp tục cuộc chiến giành sự sống lần thứ hai
“Quá trình điều trị cho cháu gặp rất nhiều khó khăn: Bệnh nhân là trẻ em, thở máy khó hơn, cháu lại bị viêm màng não do mổ 2 lần và còn bị viêm phổi vi khuẩn đa kháng. Ngay khi tỉnh, tâm lý cháu bất ổn nên phải dùng liệu pháp tâm lý. Để điều trị liệt cho cháu, các bác sĩ phải tiến hành phục hồi chức năng sau phẫu thuật, đồng thời, điều trị dinh dưỡng lâm sàng” - PGS.TS Lưu Quang Thùy cho biết.
Nhưng với sự nỗ lực hết mình của các bác sĩ và sự kiên cường của chính bệnh nhân, sau 20 ngày hồi sức tích cực, điều kỳ diệu đã xảy ra: Cô bé tỉnh táo hoàn toàn, tiếp xúc tốt, không bị liệt, ăn uống bình thường.
Hôm nay, 10/5, cháu được chuyển sang Khoa Phẫu thuật Thần kinh để kiểm tra trước khi ra viện.
Sự hồi phục ngoạn mục của nữ sinh 15 tuổi là kết quả của sự phối hợp chuyên môn chặt chẽ giữa các bác sĩ tuyến tỉnh và BV Việt Đức.
Câu hỏi đặt ra, còn những trường học tiềm ẩn nguy cơ tương tự, liệu nạn nhân khác có may mắn như cháu gái này?
Đừng để xảy ra những tai nạn có thể phòng ngừa được
PGS.TS Lưu Quang Thùy trăn trở: Tai nạn này không hề “bất khả kháng” mà hoàn toàn có thể tránh được. Bởi đoạn lan can sắt nặng hàng chục kg không thể tự rơi xuống nếu công trình được lắp đặt, kiểm tra và duy tu đúng quy chuẩn. Vụ tai nạn là lời cảnh tỉnh đắt giá về sự chủ quan trong quản lý cơ sở vật chất tại trường học – nơi lẽ ra phải là chốn an toàn nhất cho trẻ em.
Nhắc về vụ tai nạn thương tâm mà cháu bé đã may mắn vượt qua được, PGS.TS Lưu Quang Thùy cho rằng đó thực sự là hồi chuông cảnh báo về công tác an toàn trường học. Nhà trường để xảy ra vụ tai nạn cần phải xem xét nghiêm túc về trách nhiệm trong vụ việc, để tránh những bi kịch tương tự. Có 4 bài học không thể bỏ qua cho nhà trường:
Kiểm định công trình định kỳ – không chỉ là trách nhiệm, mà là nghĩa vụ sinh tồn đối với học sinh.
Giám sát và nghiệm thu công trình minh bạch, tránh hình thức, tránh "làm cho có".
Thiết lập kênh phản ánh an toàn để học sinh, phụ huynh và giáo viên lên tiếng khi thấy nguy cơ.
Tăng cường giáo dục kỹ năng sống và sơ cấp cứu trong nhà trường.