Nông dân Thạch Vane Hiền vượt khó phát triển nghề trồng lúa

Xuất thân từ gia đình nông dân ở ấp Long Hanh, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, kinh tế chủ yếu dựa vào nghề làm ruộng. Do điều kiện gia đình còn khó khăn, nên Thạch Vane Hiền nghỉ học sớm ở nhà phụ giúp cha mẹ làm ruộng. Khi đến tuổi trưởng thành, Thạch Vane Hiền xây dựng gia đình và ra ở riêng lập nghiệp với nghề trồng lúa 03/vụ/năm, thu nhập khá ổn định.

Ruộng lúa của nông dân Thạch Vane Hiền (bên trái).

Ruộng lúa của nông dân Thạch Vane Hiền (bên trái).

Nông dân Thạch Vane Hiền cho biết: ban đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất đạt thấp, mỗi vụ cố gắng lấy công làm lời cũng dư vài bao lúa dự trữ trang trải cuộc sống cho đến mùa vụ lúa tiếp theo.

Từ khi được tham gia vào Hội Nông dân, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác cũng như chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhất là sử dụng lúa giống chất lượng cao, áp dụng biện pháp kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” trong nông nghiệp như giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật,… góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Nhờ áp dụng các kỹ thuật cũng như các biện pháp canh tác trong nông nghiệp, mỗi vụ sản xuất giảm chi phí đầu tư, nhất là thời điểm vật tư nông nghiệp tăng cao, nên tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Theo ông Hiền, so với các vùng trồng lúa khác, điều kiện đất canh tác lúa của gia đình chịu ảnh hưởng thời tiết, thổ nhưỡng, nên năng suất không cao so với các vùng lúa khác. Với 1,1ha đất canh tác lúa hàng năm, thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/năm. Vụ lúa đông - xuân 2024 - 2025, ông tập trung sản xuất 02 loại giống lúa chất lượng cao OM5451 và đài thơm 8. Trong quá trình sản xuất, do ảnh hưởng thời tiết khô hạn, độ phèn tăng cao ảnh hưởng một số loại sâu bệnh.

Cùng với đó, vào thời điểm lúa đang giai đoạn đồng trổ chịu ảnh hưởng của gió mạnh nên lúa bị ngã đổ làm thiệt hại khoảng 30% nhưng ông đã khắc phục kịp thời, mức độ thiệt hại không đáng kể. Năng suất lúa giảm so với vụ trước do ảnh hưởng của gió mạnh chỉ đạt khoảng 06 tấn/ha, giá bán 6.000 - 6.500 đồng/kg, lợi nhuận từ 12 - 15 triệu đồng/ha. Hướng tới, được các ngành chuyên môn và địa phương hỗ trợ, ông tham gia thực hiện quy trình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lúa; đồng thời giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.

Ngoài tập trung chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông thường xuyên hỗ trợ hội viên nông dân và người dân chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác cùng nhau phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, ông được người dân tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp Long Hanh.

Ông Hiền cho biết thêm: toàn ấp có 54 hội viên nông dân, trong đó có 05 - 06 hội viên nông dân nghèo. Với vai trò Chi hội trưởng Hội Nông dân ông phối hợp với Ban Nhân dân ấp khảo sát, tạo điều kiện cho hội viên nông dân được tiếp cận vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi trồng trọt, thúc đẩy kinh tế gia đình, đến nay tổng dư nợ khoảng 2,2 tỷ đồng.

Bài, ảnh: MỸ NHÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/nong-dan-thach-vane-hien-vuot-kho-phat-trien-nghe-trong-lua-45318.html
Zalo