Cần thiết xây dựng dữ liệu quốc gia về cấp, thoát nước

Ngành nước Việt Nam đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, việc áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vừa là yêu cầu, vừa là nhu cầu thiết yếu của ngành nước.

Doanh nghiệp mong sớm ban hành Luật Cấp, thoát nước

Hiện nay, Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp cấp nước với khoảng 1.000 nhà máy, tổng công suất khoảng 13,2 triệu m3/ngày đêm, tỷ lệ cấp nước cho đô thị đạt khoảng 95%. Trong khi đó, khu vực nông thôn có khoảng 18.000 công trình cấp nước tập trung, 10 triệu công trình cấp nước hộ gia đình.

Việt Nam đang có khoảng 1.000 nhà máy nước, tổng công suất khoảng 13,2 triệu m3/ngày đêm (Ảnh: Hội Cấp thoát nước Việt Nam).

Việt Nam đang có khoảng 1.000 nhà máy nước, tổng công suất khoảng 13,2 triệu m3/ngày đêm (Ảnh: Hội Cấp thoát nước Việt Nam).

Về thoát nước, Việt Nam có hơn 80 nhà máy xử lý nước thải đô thị, công suất khoảng 1,5 triệu m3/ngày đêm, xử lý khoảng 15-16% lượng nước thải đô thị. Nhưng nước thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn gần như chưa được xử lý.

Ngoài ra, khu vực đô thị cũng thường xuyên bị ngập, ngay cả những đô thị ở miền núi hay ven biển cũng ngập. Như vậy, hạ tầng thoát nước ở đô thị hiện nay còn hạn chế.

Theo đánh giá của TS Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), ngành nước đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Về mặt tự nhiên, 80% lượng nước mặt ở Việt Nam từ các nước khác chảy qua, khiến chúng ta bị phụ thuộc các nguồn ngoại sinh.

Mặt khác, những diễn biến khó lường của quá trình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước… đang khiến nguồn nước mặt bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, việc xử lý và quản lý nước thải tại Việt Nam cũng chưa đạt yêu cầu. Ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường chưa cao, vẫn còn tình trạng xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước.

Việc liên kết giữa các địa phương để hình thành những mô hình cấp nước liên tỉnh cũng chưa hoàn chỉnh.

Khó khăn lớn nhất của ngành nước là vấn đề cơ chế chính sách. Các doanh nghiệp rất mong muốn Luật Cấp, thoát nước sớm được ban hành để tạo điều kiện thuận lợi cho toàn bộ quy trình hoạt động, từ quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành cho đến khai thác, sử dụng hệ thống cấp, thoát nước một cách bài bản.

Đến hiện tại, các quy định về cấp, thoát nước tại Việt Nam vẫn dựa theo 3 nghị định chuyên ngành được ban hành trong giai đoạn 2007-2014. Những quy định này không còn phù hợp tình hình thực tế nên ngành nước đang gặp khó khăn về cơ chế, chính sách.

Để giải quyết những vấn đề trên, Bộ Xây dựng đang phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu soạn thảo Luật Cấp, thoát nước, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến trong năm nay.

Theo TS Trần Anh Tuấn, việc tính giá nước sạch nên xem xét những yếu tố đặc thù vì nước sạch là hàng hóa đặc thù, thiết yếu cho người dân. Các địa phương nên xây dựng lộ trình xem xét tăng, giảm giá nước khi chỉ số thay đổi, định kỳ khoảng 5 năm/lần.

Bộ Tài chính cũng đang soạn thảo Thông tư về khung giá nước, trong đó xem xét tất cả điều kiện đặc thù về cấp nước sạch nhằm điều chỉnh giá nước phù hợp thực tế.

TS Trần Anh Tuấn đánh giá, việc tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mà Nhà nước có thể quản lý ngành nước theo bộ luật thống nhất.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nam đánh giá: "Với nhiều điểm mới, việc ban hành Luật Cấp, thoát nước sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững hệ thống cấp, thoát nước, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và bảo vệ môi trường".

Trong khi đó, ông Phạm Quang Quỳnh, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hải Phòng đề xuất, phải có những văn bản dưới luật, quy định cụ thể điều khoản, hướng dẫn các đơn vị thực hiện đồng bộ.

Chuyển đổi số vừa là yêu cầu, vừa là nhu cầu

Bên cạnh công tác hoàn thiện cơ chế chính sách, việc áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng là giải pháp quan trọng giúp ngành nước Việt Nam phát triển bền vững.

TS Trần Anh Tuấn đánh giá, chuyển đổi số vừa là yêu cầu, trách nhiệm, vừa là nhu cầu của ngành nước.

Để quản lý tài nguyên nước hoàn chỉnh theo hệ thống, chỉ có thể ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Việc này sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm nhân công, tăng cường hiệu quả quản lý, vận hành.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi số quốc gia, các hội viên của Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã chủ động áp dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số vào quản lý, vận hành đơn vị cấp nước, xử lý nước thải. Hiện nay, thanh toán hóa đơn tiền nước đều thực hiện bằng phương thức chuyển khoản, thanh toán số.

Một số đơn vị cấp, thoát nước tại Việt Nam đã chủ động áp dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số vào quản lý, vận hành dịch vụ cấp, thoát nước (Ảnh: Hội Cấp thoát nước Việt Nam).

Một số đơn vị cấp, thoát nước tại Việt Nam đã chủ động áp dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số vào quản lý, vận hành dịch vụ cấp, thoát nước (Ảnh: Hội Cấp thoát nước Việt Nam).

Nhiều đơn vị trong nước đã học tập, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại của nước ngoài. Một số địa phương như: TP.HCM, Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương… thậm chí còn áp dụng khoa học công nghệ tốt hơn các đơn vị nước ngoài, chỉ cần 1-2 người để quản lý, vận hành một nhà máy. Tuy nhiên, điều này chỉ diễn ra ở mức độ cục bộ, chứ không phổ biến.

Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị để các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ và học tập lẫn nhau.

Hàng năm, Hội đều tổ chức sự kiện Tuần lễ Nước Việt Nam, trong đó có hội thảo chia sẻ về hoàn thiện cơ chế chính sách; kinh nghiệm quản lý số hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào ngành Nước; áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý cấp, thoát nước… Năm nay, Tuần lễ Nước Việt Nam 2025 dự kiến được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 8.

Mặc dù vậy, TS Trần Anh Tuấn cho biết, Việt Nam chưa có hệ thống dữ liệu quốc gia về cấp, thoát nước. Các đơn vị vẫn tự làm, tự quản lý. Vì vậy, Hội Cấp thoát nước Việt Nam rất mong muốn xây dựng một hệ thống dữ liệu chung để chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên, từ đó hình thành hệ thống chuyển đổi số của ngành nước.

Cũng theo TS Trần Anh Tuấn, nội dung cần được xem xét đưa vào Luật Cấp, thoát nước, từ đó tạo ra cơ chế chính sách để khuyến khích các đơn vị làm tốt hơn, xây dựng thành hệ thống chung của quốc gia, chứ không còn là chuyện riêng của từng đơn vị. Điều này sẽ đáp ứng chủ trương của Chính phủ về số hóa quốc gia.

Tuần lễ Nước Việt Nam 2025 (Vietnam Water Week 2025) sẽ diễn ra từ ngày 20 - 22/8 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, 91 Trần Hưng Đạo, thành phố Hà Nội.

Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 400 đơn vị hội viên Hội Cấp Thoát nước Việt Nam và hơn 200 gian hàng trưng bày vật tư thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, giải pháp thông minh đến từ các nước có ngành Nước phát triển.

Dịch Phong

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/can-thiet-xay-dung-du-lieu-quoc-gia-ve-cap-thoat-nuoc-192250427144053138.htm
Zalo