Thuế quan của Mỹ đang làm rối loạn chuỗi cung ứng như thế nào?

Căng thẳng thuế quan Mỹ-Trung chưa hạ nhiệt đang đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu vào vòng xoáy hỗn loạn, với lưu lượng cảng Los Angeles giảm 1% và hơn 12 chuyến tàu hủy chỉ trong tháng Năm.

Mặc dù đã xuất hiện một số dấu hiệu hòa hoãn trong những ngày đầu tuần, cuộc đối đầu về thuế quan giữa Washington và Bắc Kinh vẫn chưa có hồi kết. Áp lực từ tình hình này đang khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào tình trạng căng thẳng rõ rệt.

Hình minh họa cảng hàng tại Mỹ. Ảnh: Getty

Hình minh họa cảng hàng tại Mỹ. Ảnh: Getty

Sự gián đoạn do thuế quan gây ra đang ảnh hưởng đến nhiều khâu trong chuỗi cung ứng thương mại. Từ các nhà máy sản xuất tại Đông Á, qua ngành vận tải và logistics, đến các cảng nhập khẩu tại Mỹ, tất cả đều chịu tác động mạnh mẽ.

Thậm chí, các nhà bán lẻ Mỹ còn cảnh báo về nguy cơ kệ hàng trống rỗng nếu tình trạng này kéo dài.

Các nhà nhập khẩu Mỹ kỳ vọng một giải pháp nhanh chóng với Bắc Kinh có thể được đưa ra. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định rằng điều này lại tiềm ẩn nguy cơ gây thêm rối loạn. Nhu cầu tăng đột biến trong thời gian ngắn có thể tạo ra hiệu ứng "roi da" (bullwhip effect), khiến chuỗi cung ứng thương mại càng thêm bất ổn.

Dưới đây là những gì mà các chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải đối mặt khi Mỹ và Trung Quốc kiên quyết giữ vững lập trường của mình.

Trên sàn nhà máy Trung Quốc

Các chuyên gia về chuỗi cung ứng cho biết thuế quan đang làm rối loạn hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Trong khi một số doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động do thiếu đơn hàng, những doanh nghiệp khác lại nhận được thêm nhiều hợp đồng để bù đắp khoảng trống.

Ông Sébastien Breteau, Giám đốc điều hành của QIMA, một công ty chuyên kiểm soát chất lượng và kiểm tra nhà máy tại Trung Quốc, chia sẻ với The Hill: "Lưu lượng hàng hóa đang trở nên khó dự đoán hơn bao giờ hết. Một số nhà cung cấp rơi vào tình trạng dư thừa công suất, trong khi những nhà cung cấp khác lại đối mặt với tình trạng tắc nghẽn vì nhu cầu thay đổi liên tục."

Ông Breteau cũng tiết lộ rằng một số khách hàng của công ty đang điều chỉnh chiến lược kinh doanh để thích nghi.

"Nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn của Trung Quốc mà chúng tôi hợp tác đang chủ động định vị lại hoạt động. Trong một số trường hợp, họ thậm chí giảm ưu tiên cho thị trường Mỹ để chuyển sang các chiến lược toàn cầu ổn định hơn. Sự bất định về thuế quan và các quy định đang ảnh hưởng sâu sắc đến các quyết định về nguồn cung ở cấp cao nhất", ông nói.

Những lo ngại này cũng được Đảng Cộng sản Trung Quốc phản ánh. Trong bản tóm tắt cuộc họp của Bộ Chính trị vào thứ Sáu, được chuyên gia Bill Bishop dịch, Bắc Kinh nhấn mạnh rằng "tác động từ các cú sốc bên ngoài đang ngày càng gia tăng".

Bản tóm tắt còn nêu rõ: "Cần phải tăng cường tư duy về giới hạn dưới và chuẩn bị kỹ lưỡng các kế hoạch dự phòng để đối phó".

Các hãng vận tải toàn cầu tìm kiếm lối đi mới

Các chuyên gia trong lĩnh vực vận tải và logistics cho biết họ đang chứng kiến sự thay đổi của chuỗi cung ứng ngay trong thời gian thực do ảnh hưởng của thuế quan.

Ông Ryan Petersen, Giám đốc điều hành của Flexport, một công ty nền tảng logistics, chia sẻ hôm thứ Tư:

"Các hãng vận tải biển, những người điều hành tàu chở hàng, đã bắt đầu định vị lại các tàu của mình. Thay vì tập trung phục vụ Trung Quốc, họ chuyển hướng xuống Việt Nam và thiết lập các tuyến thương mại mới từ Đông Nam Á đến châu Âu hoặc Mỹ".

Không chỉ vậy, các công ty bảo hiểm hàng hóa cũng đã tăng phí bảo hiểm để đối phó với tình hình, kéo theo chi phí vận chuyển toàn cầu tăng cao. Ông David Osler viết trên Lloyd’s List hồi tháng Ba: "Phí bảo hiểm hàng hóa hiện đang ở mức rất cao và khó duy trì lâu dài. Thuế quan được dự báo sẽ kéo theo sự gia tăng tương ứng trong chi phí bảo hiểm".

Trong khi phí bảo hiểm tăng lên, giá cước container từ Thượng Hải đến các cảng lớn như Rotterdam (Hà Lan), Los Angeles (Mỹ), Genoa (Ý) và New York lại giảm. Theo báo cáo của Drewry hôm thứ Năm, giá cước đến Los Angeles đã giảm 2%, xuống còn 3.611 USD cho mỗi container 40 feet.

Lưu lượng cảng gợi nhớ đến thời kỳ đại dịch

Các nhà điều hành cảng đang ghi nhận số lượng chuyến tàu bị hủy từ các công ty vận tải khách hàng tăng đáng kể. Ông Gene Seroka, Giám đốc Cảng Los Angeles, cho biết đầu tháng này: "Hiện tại, chúng tôi ghi nhận khoảng 12 chuyến tàu bị hủy hoặc không hoạt động trong tháng Năm. Con số này tương đương với tổng số chuyến bị hủy trong cùng kỳ năm ngoái".

Công ty Drewry dự báo lượng hàng qua các cảng trên thế giới sẽ giảm 1% trong năm nay. Đây sẽ là lần thứ ba trong lịch sử công ty ghi nhận khối lượng hàng hóa giảm so với năm trước.

Các nhà phân tích của Lloyd’s nhận định hôm thứ Sáu: "Mức giảm dự kiến 1% gần tương đương với mức giảm trong năm đại dịch 2020, thời điểm các hãng vận tải đạt lợi nhuận kỷ lục. Điều này cho thấy sự trở lại của xu hướng bảo hộ mạnh mẽ".

Để quản lý hàng tồn kho, nhiều công ty đang tận dụng các kho ngoại quan. Tại đây, hàng nhập khẩu có thể được lưu trữ mà không phải chịu thuế ngay lập tức, cho đến khi được chuyển đến các nhà bán lẻ hoặc tái xuất khẩu.

Các chuyên gia logistics cho biết các kho ngoại quan đang được sử dụng với hy vọng Washington và Bắc Kinh sẽ đạt được thỏa thuận, qua đó giảm mức thuế 145% mà Mỹ đang áp lên hàng hóa Trung Quốc.

Ông Petersen của Flexport nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp đang gấp rút chuyển hàng vào kho ngoại quan. Nhiều người hiện cảm thấy bế tắc. Nếu biết chắc thuế quan sẽ giảm, lựa chọn hợp lý nhất là chờ đợi và tạm hoãn vận chuyển hàng hóa mới".

Các nhà bán lẻ gây áp lực lên Tổng thống Donald Trump

Ở khâu cuối của chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà bán lẻ Mỹ đang vô cùng lo lắng. Tuần trước, lãnh đạo của các "ông lớn" bán lẻ như Walmart, Home Depot và Target đã có cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump. Tại đây, họ bày tỏ mối quan ngại về tình trạng kệ hàng trống rỗng.

Một nguồn tin tiết lộ với The Hill rằng trong cuộc họp, các nhà bán lẻ đã chia sẻ nỗi lo về giá cả tăng cao ảnh hưởng đến người tiêu dùng, đặc biệt trong mùa lễ hội cuối năm. Đại diện của Target, Walmart và Home Depot đều xác nhận cuộc gặp với tổng thống diễn ra hiệu quả.

Ông Jim Joice, người phát ngôn của Target, nói: "Chúng tôi đã có một cuộc họp tích cực với Tổng thống Donald Trump và các đồng nghiệp trong ngành bán lẻ để thảo luận về hướng đi sắp tới trong lĩnh vực thương mại".

Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, một nhóm vận động hành lang lớn của ngành, cũng lên tiếng phản đối thuế quan. Trang web của tổ chức này kêu gọi: "Hãy phản đối thuế quan. Chính quyền cần tránh áp thuế lên các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày".

Dù tuần trước đã có sự thay đổi trong giọng điệu của Mỹ về chính sách thương mại với Trung Quốc, cùng thông tin rằng Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent nhận định cuộc chiến thương mại đang ở mức "khó bền vững", phía Trung Quốc lại tỏ ra thận trọng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Guo Jiakun hôm thứ Sáu khẳng định: "Trung Quốc và Mỹ hiện không có bất kỳ cuộc tham vấn hay đàm phán nào về thuế quan. Mỹ nên ngừng tạo ra sự nhầm lẫn".

Việt Hà (Theo The Hill)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thue-quan-cua-my-dang-lam-roi-loan-chuoi-cung-ung-nhu-the-nao-10288652.html
Zalo