Cẩn trọng trước sóng ngầm thương mại
Thị trường chứng khoán châu Á mở đầu tuần mới với diễn biến khá thận trọng khi nhà đầu tư đang ngóng chờ tiến triển từ các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ với các đối tác cũng như các tín hiệu kích thích kinh tế từ Trung Quốc. Sự dè dặt bao trùm lên các thị trường lớn, phản ánh tâm lý lo ngại rủi ro vẫn hiện hữu trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và kinh tế toàn cầu.
Chỉ số khu vực tăng nhẹ 0,4%, trong khi hợp đồng tương lai S&P 500 giảm 0,5%, cho thấy đà hồi phục của chứng khoán Mỹ sau bốn phiên tăng liên tiếp có thể sắp chấm dứt. Giá vàng giảm mạnh tới 1,6% khi nhà đầu tư chốt lời sau chuỗi tăng nóng. Đồng USD và trái phiếu Kho bạc Mỹ duy trì sự ổn định, còn các loại tiền ảo tiếp tục xu hướng giảm.
Trong tuần này, giới đầu tư sẽ tập trung vào loạt dữ liệu kinh tế then chốt, như quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, số liệu việc làm và GDP của Mỹ.., để đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu và định hướng chính sách tiền tệ. Ngoài ra, diễn biến của mùa báo cáo lợi nhuận tại châu Á cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt tâm lý thị trường.

Chứng khoán châu Á có một khởi đầu khiêm tốn trong tuần khi các nhà đầu tư chờ đợi tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại
Ông Xin-Yao Ng, Giám đốc quỹ tại Aberdeen Investments, nhận định: “Mặc dù tâm lý thị trường đã lạc quan hơn trong vài tuần gần đây, tôi vẫn thiên về chiến lược phòng thủ, ưu tiên các cơ hội trong nước ở các thị trường lớn. Căng thẳng thương mại và bất ổn địa chính trị sẽ còn tiếp diễn, khiến thị trường biến động mạnh suốt cả năm”.
Một yếu tố lớn đang đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư là bất định xoay quanh các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ. Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ không trì hoãn các đợt áp thuế tiếp theo, khiến nhiều nền kinh tế châu Á đối mặt với nguy cơ chịu thêm các mức thuế đối ứng cao. Theo Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Scott Bessent, chính quyền Trump đang xúc tiến đàm phán song phương với 17 đối tác thương mại, trong đó không bao gồm Trung Quốc. Ông Bessent cũng nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ buộc phải nhượng bộ do không thể chịu đựng mức thuế suất cao mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc
Chuyên gia Salman Ahmed từ Fidelity International cảnh báo: “Thế giới cần chuẩn bị cho kịch bản thuế quan cao hơn từ Mỹ. Điều này không chỉ tác động tới Trung Quốc mà còn tới cả châu Âu, gây khó khăn cho kế hoạch kinh doanh toàn cầu.”
Trên thực tế, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông đã mở cửa đầu tuần với diễn biến trái chiều. Chỉ số Shanghai Composite giảm 0,09% xuống 3.292,06 điểm, trong khi Hang Seng tăng 0,42% lên 22.072,35 điểm. Các chỉ số tại Nhật Bản và Hàn Quốc ghi nhận sự khởi sắc: Nikkei 225 tăng 0,74%, Kospi nhích nhẹ 0,23%.
Dù vậy, giới đầu tư vẫn cảnh giác khi Tổng thống Trump tuyên bố đạt tiến triển trong đàm phán với Trung Quốc nhưng chưa đưa ra bằng chứng cụ thể. Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng không xác nhận việc đàm phán đang diễn ra, càng làm dấy lên hoài nghi.
Ông Christian Keller, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Barclays, nhận định: “Ngay cả khi chưa có thuế suất mới, sự bất định liên tục này đã gây thiệt hại đáng kể cho kinh tế Mỹ và toàn cầu. Các doanh nghiệp có thể sẽ trở nên phòng thủ hơn cho tới khi tình hình rõ ràng.”
Tại Trung Quốc, giới chức nước này nhấn mạnh sẽ đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ kinh tế. Bộ trưởng Tài chính Lan Fo’an cam kết thực hiện các chính sách “chủ động và hiệu quả hơn”, còn Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết sẽ duy trì thanh khoản dồi dào, đồng thời cắt giảm yêu cầu dự trữ và lãi suất “kịp thời” nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Ngoài ra, theo hãng Reuters, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6/2025, khi lạm phát tại Eurozone tiếp tục giảm. Động thái này có thể hỗ trợ phần nào tâm lý thị trường toàn cầu.

Trong nước, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ghi nhận VN-Index hiện đang vận động gần vùng kháng cự 1.235 điểm với thanh khoản ở mức thấp. Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ rõ rệt, chỉ cần một cú sốc tiêu cực từ bên ngoài cũng có thể phá vỡ thế cân bằng hiện tại. Tuy nhiên, nếu lực cầu bắt đáy xuất hiện mạnh mẽ, chỉ số hoàn toàn có khả năng bật tăng trở lại, hướng tới mục tiêu 1.300 điểm.
Nhìn chung, bất ổn thương mại quốc tế tiếp tục là nhân tố chính chi phối tâm lý thị trường tuần này. Nhà đầu tư cần theo dõi sát các diễn biến mới để kịp thời điều chỉnh chiến lược giao dịch, trong bối cảnh cơ hội và rủi ro đan xen trên bản đồ tài chính toàn cầu.