Thấy gì sau Thông tư 29: Góc nhìn thực tế từ Iris School
Iris School luôn hướng đến việc phát triển toàn diện cho mỗi học sinh và chú trọng xây dựng môi trường học tập hạnh phúc.

Tại Iris school các em học sinh luôn được phát huy hết những phẩm chất kỹ năng của bản thân.
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Đây là một bước điều chỉnh quan trọng nhằm quản lý chặt chẽ hơn việc tổ chức dạy thêm, học thêm, hướng đến việc giảm áp lực học tập và nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững.
Dạy thêm, học thêm từ góc nhìn thực tế
Hiện nay, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng trên định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, khác biệt rõ rệt so với chương trình 2006 vốn chú trọng truyền thụ kiến thức và đánh giá thành tích chủ yếu qua điểm số.
Chương trình mới xác định 5 phẩm chất cốt lõi gồm: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; đồng thời nhấn mạnh phát triển năng lực chung (tự chủ, giao tiếp, giải quyết vấn đề…) và năng lực đặc thù của từng môn học.
Bên cạnh đó, chương trình 2018 cũng đa dạng hóa hình thức đánh giá thay vì chỉ tập trung vào các bài kiểm tra mà còn thông qua các dự án học tập, bài thực hành, thuyết trình giúp học sinh được ghi nhận tiến bộ cá nhân thay vì chạy theo áp lực thành tích. Sự thay đổi này tạo điều kiện để các em học tập chủ động hơn, phát triển toàn diện về tư duy, kỹ năng và phẩm chất, phù hợp với yêu cầu của xã hội hiện đại.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh
Chính vì vậy, thông tư 29 đặt ra những quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn việc tổ chức dạy thêm, học thêm, giúp giảm bớt tình trạng học thêm tràn lan, đảm bảo quyền lợi học tập phù hợp cho từng đối tượng học sinh. Theo đó, việc tổ chức dạy thêm trong trường học phải tuân thủ những tiêu chí rõ ràng về thời gian, đối tượng và nội dung giảng dạy, đảm bảo không gây áp lực quá mức cho học sinh.
Việc quản lý chặt chẽ dạy thêm, học thêm không có nghĩa là xem nhẹ thành tích học tập, mà là chuyển đổi cách nhìn nhận về thành công trong giáo dục. Thay vì chỉ tập trung vào điểm số, học sinh được khuyến khích phát triển năng lực cá nhân, rèn luyện tư duy phản biện, sáng tạo và kỹ năng sống. Đây chính là nền tảng giúp các con vững vàng hơn trong tương lai. Một hệ thống giáo dục cân bằng giữa kiến thức và kỹ năng thực tiễn sẽ giúp học sinh không chỉ đạt kết quả tốt trong học tập mà còn có thể ứng dụng kiến thức vào đời sống thực tế.
Giáo dục vì sự phát triển của mỗi cá nhân
Tại Iris School, phương châm giáo dục luôn hướng đến việc phát triển toàn diện cho mỗi học sinh. Nhà trường không đặt nặng áp lực thành tích mà chú trọng xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, nơi học sinh được khám phá bản thân, phát triển tư duy độc lập và làm chủ tri thức. Các phương pháp giảng dạy hiện đại, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách chủ động và hiệu quả.
Cùng với đó, các con được đánh giá kết quả học tập thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Dự án liên môn, thuyết trình, thực hiện sản phẩm học tập, làm bài tập nhóm…

Một dự án học tập liên môn của học sinh cấp THCS Iris School.
Thay vì tổ chức học thêm, dạy thêm, tại Iris School, học sinh sẽ có tiết học phân hóa vào cuối ngày. Trong khoảng thời gian này, các em có thể ôn tập, củng cố kiến thức hoặc học nâng cao phù hợp với năng lực và nhu cầu cá nhân. Mô hình này giúp học sinh tiếp thu bài giảng một cách chủ động, giảm áp lực phải học thêm ngoài giờ, đồng thời tạo điều kiện để mỗi em phát triển theo đúng khả năng của mình.

Hoạt động CLB Ngoại khóa sau giờ học nuôi dưỡng đam mê học tập trong mỗi học sinh.
Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức các câu lạc bộ ngoại khóa ngoài giờ học với nhiều môn năng khiếu từ học thuật, nghệ thuật đến thể thao như: Toán tư duy, Tranh biện tiếng Anh, Robotics, thiết kế thời trang, nhảy hiện đại, Piano, Bơi, Vovinam, Bóng rổ, Bóng đá...
Các hoạt động này không chỉ giúp học sinh giải tỏa căng thẳng sau giờ học mà còn tạo điều kiện nuôi dưỡng đam mê học tập và định hướng phát triển toàn diện trong tương lai. Cùng với đó giúp học sinh có cơ hội trải nghiệm thực tế, phát triển các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, lãnh đạo, tư duy phản biện và sáng tạo, những yếu tố quan trọng để thành công trong thế kỷ 21.
Thông tư 29 mở ra một hướng đi mới trong giáo dục Việt Nam, giúp giảm bớt áp lực thi cử và thúc đẩy sự phát triển cá nhân của học sinh. Tuy nhiên, để thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự thay đổi trong nhận thức của cả giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Iris School tin rằng, khi nhà trường và phụ huynh chung tay xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, tôn trọng sự phát triển cá nhân, học sinh sẽ có điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện.
Bởi giáo dục không chỉ là hành trình chinh phục điểm số, mà quan trọng hơn, đó là quá trình rèn luyện kỹ năng sống, tư duy sáng tạo và đạo đức. Chỉ khi nào chúng ta coi trọng sự phát triển toàn diện thay vì chỉ chạy theo điểm số, khi đó giáo dục mới thực sự trở thành hành trình khai phóng tri thức và nuôi dưỡng những thế hệ công dân tự tin, bản lĩnh.