Nỗi hối hận của người phụ nữ trắng tay sau cơn đột quỵ tuổi 36

Từ một người phụ nữ hoạt bát, tràn đầy nhiệt huyết, chị Sang mất gần như toàn bộ tiền bạc, sức khỏe sau cơn đột quỵ.

"Tôi làm việc triền miền, nghỉ muộn nên ăn uống thất thường, hay thức khuya, tắm đêm. Khi tôi nằm trên giường bệnh, bác sĩ không thể đo được huyết áp cho tôi vì quá cao. Khi đó, tôi nhớ mình từng bị huyết áp cao thai kỳ nhưng không điều trị và thường xuyên ăn mặn. Những thói quen xấu đó đã âm thầm thúc đẩy cơn đột quỵ. Sau biến cố, mọi cố gắng của tôi trong suốt những năm qua đều bị cuốn đi. Tiền bạc, sức khỏe không còn gì. Nếu có thể quay lại, tôi sẽ chú ý chăm sóc bản thân hơn, có lẽ đột quỵ đã không xảy ra ở tuổi 36" - đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Kim Sang (37 tuổi, trú tại quận 6, TPHCM) - người bị đột quỵ cách đây hơn 1 năm.

Đột quỵ ở tuổi 36

Chị Sang làm trong ngành spa, công việc khiến chị ăn uống thất thường và hay tắm khuya, ít quan tâm tới sức khỏe.

Một buổi trưa tháng 9/2023, chị Sang thấy người nôn nao, chân tay bủn rủn, không thể làm việc được nên đã đi về nhà. Người thân giục tới bệnh viện kiểm tra nhưng chị vào phòng đi ngủ.

Khi tỉnh dậy, chị Sang thấy cơ thể yếu liệt nên vội vàng vào viện. Khi đó, các triệu chứng của đột quỵ đã rõ ràng. Bác sĩ không thể đo được huyết áp vì quá cao trên 200mmHg. Chị được chuyển thẳng vào Khoa Bệnh lý mạch máu, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM). Tại đây, bác sĩ chẩn đoán nữ bệnh nhân đột quỵ và nhanh chóng đưa vào phòng can thiệp cấp cứu. Khi tỉnh lại, chị Sang được người nhà thông báo bệnh tình.

Chị Kim Sang ngày chưa bị đột quỵ. Ảnh: NVCC.

Chị Kim Sang ngày chưa bị đột quỵ. Ảnh: NVCC.

“Khi đó, tôi hoang mang tột độ. Tôi bật khóc khi cảm nhận rõ mình liệt nửa người bên phải”, chị Sang nhớ lại.

Nghe bác sĩ tư vấn về nguyên nhân dẫn tới đột quỵ là huyết áp cao không được điều trị, chị Sang hối hận đã bỏ qua lời cảnh báo bị tăng huyết áp. "Năm 2020, tôi mang thai nhưng bị huyết áp cao nên phải đình chỉ thai kỳ nhưng sau đó tôi không khám lại và uống thuốc. Hằng ngày, tôi ăn rất mặn, tắm khuya", chị Sang nhớ lại.

Ngày ra viện, chị Sang phải nhờ người thân cõng. Những ngày sau đó, cha đẩy xe lăn cho chị.

“Tôi luôn suy nghĩ sao mình không chết và ước có thể ra đi nhẹ nhàng. Những ngày sau ra viện, trong lòng tôi trào dâng cảm xúc u uất. Tôi muốn khóc cũng khó vì di chứng sau đột quỵ, khóc - cười không rõ ràng”, người phụ nữ trẻ trải lòng.

Sau 5 tháng ngồi xe lăn, chị Sang nhận ra mình phải cố gắng thay đổi. Nếu không tập đi và nói, chị mãi mãi tàn phế.

Chị Sang đến bệnh viện y học cổ truyền để phục hồi chức năng theo hướng dẫn của các kỹ thuật viên. Mỗi ngày, chị đều kiên trì, dù chân lê lết trên mặt đất cũng tự nhủ cố gắng để vượt qua. Hằng ngày, chị đứng trước gương tập nói, mua từng cuốn sách tập đọc về luyện phát âm. Để phục hồi tay, chị luyện viết từng chữ như học sinh lớp 1.

Chị Sang đang tập luyện để tay trở nên bình thường. Ảnh: NVCC.

Chị Sang đang tập luyện để tay trở nên bình thường. Ảnh: NVCC.

Cảm nhận rõ cơ thể có sự thay đổi, chị Sang hăng say làm theo hướng dẫn của bác sĩ phục hồi chức năng. Nhờ chăm chỉ, chị Sang dần dần có thể tự đi được. Dù chân phải vẫn phải lết nhưng chị có niềm tin 2-3 năm nữa sẽ phục hồi như người bình thường.

Trắng tay sau cơn đột quỵ

Trước khi biến cố ập tới, chị Sang đầy nhiệt huyết đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống và tiết kiệm. Khi đột quỵ xảy ra, toàn bộ số tiền đó đội nón ra đi. Bảo hiểm y tế đã thanh toán rất nhiều nhưng chi phí điều trị, phục hồi, chăm sóc dinh dưỡng vẫn rất tốn kém.

“Việc đi đứng không chắc, tay yếu nên tôi không làm được công việc cũ. Tôi cũng không thể làm tư vấn do liên quan tới con số, não chịu áp lực có thể tái phát đột quỵ. Vì vậy, tôi vẫn ở nhà tập luyện và thi thoảng gặp bạn bè cho bớt stress”, chị Sang nói.

Chị Sang đang cố gắng luyện tập để bình phục. Ảnh: NVCC.

Chị Sang đang cố gắng luyện tập để bình phục. Ảnh: NVCC.

Người phụ nữ này cũng tích cực tham gia các hội nhóm người bị đột quỵ để chia sẻ thông tin tích cực về bệnh, cách luyện tập. Đối với chị, tâm lý thoải mái, năng lượng tích cực sẽ giúp người bệnh khỏe hơn, không trầm cảm. Chị Sang đặt ra mục tiêu sẽ cố gắng bình phục để có thể đi làm, chăm sóc bản thân mình.

Theo Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, đột quỵ dẫn tới các di chứng tàn phế nặng nề, thậm chí tử vong. Khoảng 71% người đột quỵ sẽ mất khả năng lao động, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, xã hội.

Đột quỵ ở người trẻ không ngừng gia tăng. Bệnh có nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau, 90% do tăng huyết áp, đái tháo đường, dị dạng, phình mạch máu não. Khoảng 10% còn lại đến từ lối sống kém lành mạnh của người trẻ.

Hầu hết những người bị đột quỵ lần đầu được ghi nhận có bệnh huyết áp cao và đa phần người bệnh không biết mình có bệnh lý này.

Huyết áp cao làm tổn thương các động mạch bao gồm cả động mạch dẫn đến não. Tình trạng tăng huyết áp, đặc biệt là tăng huyết áp đột ngột có thể làm cho động mạch dễ bị vỡ hoặc tắc nghẽn. Các động mạch bị suy yếu hoặc tắc nghẽn trong não sẽ gây nguy cơ đột quỵ cao hơn.

Bác sĩ Thắng khuyến cáo thêm, người trẻ hãy bắt đầu thay đổi lối sống khoa học như ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá, tránh thức khuya, căng thẳng kéo dài. Những người bị tăng huyết áp bắt buộc phải điều trị theo chỉ định của bác sĩ và uống thuốc suốt đời.

Vị chuyên gia này khuyến cáo, người trưởng thành trên 25 tuổi nên đo huyết áp thường xuyên và ghi nhớ chỉ số huyết áp như tuổi để ngăn ngừa các bệnh nguy hiểm trong đó có đột quỵ.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/trang-tay-sau-con-dot-quy-tuoi-36-2360639.html
Zalo