Lưu ý khi nhổ răng khôn mọc lệch

Răng khôn mọc lệch có thể gây nhiều biến chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, cần nhổ càng sớm càng tốt.

Tôi có răng khôn mọc lệch ở hàm dưới, muốn nhổ chiếc răng này vì nó khiến đồ ăn hay bị mắc lại, nhưng tôi lại sợ đau và biến chứng sau nhổ. Xin bác sĩ tư vấn! (Hoài, Phú Thọ)

Trả lời

Răng khôn còn gọi là răng số 8, là răng mọc cuối cùng của hàm. Thông thường, răng khôn mọc ở người trong độ tuổi từ 17 đến 25.

Tình trạng răng khôn mọc lệch xảy ra khi không còn đủ chỗ trên hàm để mọc theo hướng bình thường, nên phải tự tìm đường khác để mọc. Răng khôn mọc lệch có thể gây nhiều biến chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, như: sâu răng, viêm lợi, hủy hoại xương và hàm răng.

Khi răng khôn gây biến chứng viêm nhiễm, có thể dẫn đến sốt, sưng đau/sưng tấy vùng má hoặc góc hàm, há miệng hạn chế, răng mọc lệch xuất hiện một phần trên cung hàm, vùng lợi tương ứng gây sưng nề, tấy đỏ, khi ấn có chảy dịch mủ.

Nếu những bất thường của răng khôn không được chữa trị kịp thời sẽ gây nhiễm trùng, lan sang các khu vực mang tai, má, mắt, cổ… gây nguy hiểm đến tính mạng.

 Răng khôn mọc lệch có thể gây nhiều biến chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. (Ảnh minh họa)

Răng khôn mọc lệch có thể gây nhiều biến chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. (Ảnh minh họa)

Có 2 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng răng khôn mọc lệch, gồm: nguyên nhân tại chỗ và nguyên nhân toàn thân.

Nhóm nguyên nhân tại chỗ có thể do thiếu chỗ mọc răng; vùng lợi phía trên quá dày, sừng hóa làm cản trở quá trình mọc răng bình thường; thân răng không vượt qua được cản trở của xương ổ răng; ảnh hưởng bởi sự phát triển sinh lý của mầm răng…

Nhóm nguyên nhân toàn thân có thể là do còi xương, suy dinh dưỡng, rối loạn nội tiết, thiếu máu, dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt hoặc các bệnh lý khác gây rối loạn hoặc kém phát triển vùng sọ mặt.

Răng khôn mọc lệch cần được nhổ càng sớm càng tốt. Đặc biệt, khi người bệnh có biểu hiện mắc thức ăn nhiều ở răng khôn mọc lệch thì có nguy cơ cao gây biến chứng viêm nhiễm hoặc ảnh hưởng đến răng kế cận.

Hiện nay có 2 phương pháp nhổ răng khôn, gồm: gây tê và gây mê.

Phương pháp gây tê thường áp dụng trong trường hợp bệnh nhân nhổ từ 1-2 răng khôn. Trước khi nhổ răng ít nhất 12 tiếng, người bệnh không hút thuốc lá, không uống rượu bia, dùng đơn thuốc của bác sĩ (nếu có) và có thể ăn uống hoàn toàn bình thường.

Phương pháp gây mê thì giúp giảm đau tốt nhất cho người bệnh trong quá trình nhổ răng và có thể áp dụng cho những bệnh nhân có nhu cầu nhổ nhiều răng khôn cùng lúc. Phương pháp này cũng giúp điều trị kết hợp với các bệnh lý răng miệng khác như điều trị tủy, hàn cổ răng, hàn răng sâu… trong cùng một lần điều trị.

Đối với bệnh nhân có bệnh lý nền cần dùng thuốc chống đông, trước khi nhổ răng khôn phải điều chỉnh tình trạng đông máu và có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Sau nhổ răng, người bệnh cần cắn chặt gạc trong vòng 30 phút - 1 tiếng, có thể chườm lạnh vào má để làm giảm sưng nề; không hút thuốc lá; nên ăn đồ mềm, nguội; tránh ăn đồ cứng, nóng; hạn chế tối đa việc súc miệng, không nhổ nước bọt.

Bệnh nhân có thể vệ sinh răng miệng bình thường, tuy nhiên tại vị trí mới nhổ răng thì nên thao tác nhẹ nhàng để tránh sang chấn.

Bác sĩ NGUYỄN THỊ LỆ

Khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/luu-y-khi-nho-rang-khon-moc-lech-post830319.html
Zalo