Người có bệnh nền mắc bệnh cúm nguy hiểm đến đâu?

Nhiều người mắc bệnh cúm nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng với các biến chứng nặng, tiên lượng xấu.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc bệnh cúm. Trong đó, có người chuyển nặng phải sử dụng phương pháp ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể).

 Nhiều người có bệnh nền mắc bệnh cúm tiên lượng xấu. Ảnh: BVCC

Nhiều người có bệnh nền mắc bệnh cúm tiên lượng xấu. Ảnh: BVCC

Bệnh chuyển nặng nhanh

Bệnh nhân thứ nhất là ông LVT, 58 tuổi, ngụ Tuyên Quang, có tiền sử tăng huyết áp nhẹ nhưng không duy trì việc dùng thuốc đều đặn. Ông T từng hút thuốc lá và thuốc lào trong suốt 30 năm, tuy nhiên đã bỏ thuốc cách đây 10 năm.

Khoảng ba tuần trước khi nhập viện, ông T xuất hiện các triệu chứng ho, sốt và khó thở. Ông tự điều trị tại nhà trong một tuần nhưng tình trạng không cải thiện.

Ông T nhập viện tại cơ sở y tế gần nhà và được xét nghiệm cúm A với kết quả dương tính. Sau đó, dù đã được điều trị tích cực nhưng tình trạng khó thở của ông T ngày càng nghiêm trọng, dẫn đến suy hô hấp nặng, phải đặt ống nội khí quản.

Sau bốn ngày điều trị, ông T hết sốt.

Tuy nhiên, ba ngày gần đây, tình trạng sốt cao của ông T tái phát, lên tới 39 độ C. Xét nghiệm dịch phế quản phát hiện vi khuẩn, bệnh diễn tiến nhanh chóng và tiến tới sốc nhiễm trùng.

Ông T được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, phải thở máy. Phổi bệnh nhân tổn thương lan tỏa gần như toàn bộ hai bên, dẫn đến tình trạng suy hô hấp nặng và ứ đọng CO2 nghiêm trọng, chỉ số CO2 trong máu tăng rất cao.

Kết quả chụp phim phổi cho thấy tổn thương lan rộng khoảng 80-90%, gần như mất hoàn toàn chức năng thông khí.

Tình trạng suy hô hấp không cải thiện, bệnh nhân được chỉ định đặt ECMO.

Sau đó, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân tạm thời ổn định, song tình trạng sốc và nhiễm trùng nặng vẫn cần theo dõi chặt chẽ.

 Bệnh nhân T vẫn đang được theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân T vẫn đang được theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân thứ 2 là ông VVU , 62 tuổi, ngụ Quảng Ninh, có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 7 năm.

Tuy nhiên, việc kiểm soát bệnh lý này của ông U không được tốt. Một năm qua ông đã phải nhập viện 5 lần.

Trước khi nhập viện khoảng 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở tăng dần. Bệnh nhân được đưa vào điều trị tại cơ sở y tế địa phương 2 ngày, nhưng suy hô hấp tiến triển nặng hơn, buộc phải đặt ống nội khí quản.

Sau khi có kết quả xét nghiệm cúm A dương tính, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương.

Sau 2 tuần điều trị, tiên lượng của bệnh nhân vẫn rất nặng. Hiện bệnh nhân phải duy trì đặt ống nội khí quản và ăn qua sonde dạ dày.

Theo bác sĩ Võ Đức Linh, Trung tâm Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cúm A ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những bệnh nhân có bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính. Do virus cúm tác động trực tiếp lên phổi, những bệnh nhân đã có tổn thương phổi từ trước sẽ dễ tiến triển nặng hơn so với người khỏe mạnh.

Bác sĩ Linh nhấn mạnh: "Người bệnh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần đi khám định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa để điều chỉnh thuốc phù hợp. Bên cạnh đó, người mắc các bệnh lý nền cần tiêm vaccine phòng cúm hàng năm, đồng thời tuân thủ các biện pháp bảo vệ cá nhân, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao".

Những người có bệnh nền, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi mắc bệnh cúm. Bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng, thậm chí tử vong.

Hiện nhiều người vẫn có tâm lý chủ quan khi mắc bệnh cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ và không đi khám sớm. Tuy nhiên, đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm, cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, làm tổn thương cơ thể ở mức độ nghiêm trọng.

Khi diễn tiến nặng bệnh nhân mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị rất khó khăn. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị cúm sớm là vô cùng quan trọng.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc

Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Tỉ lệ tiêm vaccine cúm tăng hơn 50%

Theo thông tin từ Trung tâm tiêm chủng VNVC, ngay từ ngày mùng 4 Tết khi hệ thống tiêm chủng này hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tỉ lệ trẻ em và người lớn đến tiêm vaccine cúm tăng hơn 50% so với những ngày cận Tết, cao điểm nhất là ngay sau khi có thông tin về việc diễn viên Từ Hy Viên qua đời do mắc bệnh cúm mùa.

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền rất cao, khiến cộng đồng ghi nhận chùm ca bệnh hoặc đợt dịch với hàng chục ca mắc.

Bệnh do virus cúm (Influenza virus) thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra, với hai nhóm phổ biến gồm A (chiếm khoảng 75% ca bệnh) và B (chiếm khoảng 25%).

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê mỗi năm có khoảng một tỉ ca mắc cúm mùa, trong đó 3-5 triệu ca nặng, 290.000 đến 650.000 trường hợp tử vong.

Tại một số quốc gia, bệnh cúm thường xuất hiện vào mùa lạnh, như Nhật Bản đã ghi nhận số người nhiễm cúm tăng vào quý IV hàng năm, trong đó cuối năm 2024 và đầu năm 2025 ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục.

 Số người đến tiêm vaccine cúm trong những ngày gần đây tăng cao. Ảnh: PHONG LAN

Số người đến tiêm vaccine cúm trong những ngày gần đây tăng cao. Ảnh: PHONG LAN

Cũng theo bác sĩ Chính, mầm bệnh cúm có thể tồn tại hàng giờ ở ngoài môi trường, đặc biệt ở nhiệt độ lạnh, môi trường ẩm thấp. Từ 0-4 độ C, virus cúm có thể sống trong vài tuần; ở âm 20 độ C và đông khô, virus sống đến vài năm.

Thông thường, cúm thường diễn biến với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho và phục hồi trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể trở nặng và gây tử vong khi virus xâm lấn các cơ quan gây viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết.

"Các nhóm như người từ 65 tuổi trở lên, thai phụ, trẻ nhỏ, người có bệnh nền như tim mạch, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận, đái tháo đường… có nguy cơ cao trở nặng hơn", bác sĩ Chính nói.

Khi trở nặng, người bệnh cúm xuất hiện cơn khó thở, thở nhanh, mệt lả, tím tái môi, lơ mơ. Nhóm nguy cơ cao đối diện nguy cơ tăng nặng bệnh nền, tổn thương đa cơ quan, suy cơ tim, suy hô hấp, dẫn tới tử vong.

Theo bác sĩ Chính, cách phòng bệnh cúm hiệu quả là tiêm chủng vaccine hàng năm, đặc biệt ở nhóm có bệnh mạn tính, người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai. Việc tiêm vaccine giúp giảm tỉ lệ nhập viện, nguy cơ trở nặng và tử vong.

Ngoài ra, bác sĩ Chính cũng lưu ý ngoài bệnh cúm, hiện các bệnh như sởi, thủy đậu, sốt xuất huyết, ho gà, não mô cầu, viêm não Nhật Bản… cũng có xu hướng gia tăng vào mùa xuân, do đó người dân nên chủ động phòng ngừa.

Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi cần tiêm hai mũi vaccine cúm cách nhau tối thiểu một tháng (nếu chưa từng tiêm chủng ngừa cúm).

Phụ nữ nên tiêm phòng cúm trước và trong thai kỳ, tốt nhất từ tháng thứ 3 trở đi để bảo vệ sức khỏe, truyền kháng thể thụ động cho con.

Bên cạnh đó, kháng nguyên của virus cúm thay đổi mỗi năm và kháng thể bảo vệ từ vaccine giảm dần theo thời gian. Do đó, mỗi người cần tiêm phòng vaccine cập nhật hàng năm.

Bác sĩ Bạch Thị Chính

Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-co-benh-nen-mac-benh-cum-nguy-hiem-den-dau-post832891.html
Zalo