Nơi chứa đựng tuổi thơ
Về quê, tôi như tìm lại chính mình. Lần nào cũng vậy, tôi không thể cưỡng lại việc lang thang ra đầu cầu chợ, nơi lưu giữ những năm tháng tuổi thơ nghèo khó nhưng đầy ắp tiếng cười. Ở đó, tôi chuyện trò với những người bạn làng quê, những người cùng lớn lên từ bùn đất và những ngày gian khó. Chúng tôi cười nói đến quên cả thời gian, quên cả tuổi tác đã chạm ngưỡng U60.
Chỉ cần một câu chuyện cũ, tuổi thơ ập về, sống động như vừa mới hôm qua. Ngày ấy quê tôi nghèo lắm. Chợ Cầu, với chiếc cầu gỗ cũ kỹ, là nơi lũ trẻ chúng tôi bươn chải. Sáng đi học, chiều về lại kéo nhau ra chợ vơ rơm. Gọi là vơ, nhưng thật ra là “móc trộm” rơm từ những bó của người bán. Chẳng đứa nào cảm thấy tội lỗi, vì nhà nào cũng thiếu, cũng cần chút rơm cho mẹ đun nấu. Thế là cứ móc của nhau, đứa nào khéo thì mang về được một bó kha khá, còn đứa vụng về lại bị cả lũ cười trêu.
Cái chổi tre quê tôi, hay quê tôi gọi là “chổi rễ” cứ mòn vẹt dần theo những lần lũ trẻ quét rơm. Thậm chí, có đứa còn tranh thủ lúc rảnh đi bán nước chè xanh. Những ấm chè, được nấu từ lá chè xanh và lá tre, bốc khói nghi ngút. Chiều nào bán được vài ấm là xem như có tiền tiêu vặt, đủ để mua kẹo hay mấy món đồ nhỏ nhặt mà lũ trẻ mơ ước. Dân trẻ con ở chợ Cầu vì thế mà khôn lanh hơn trẻ trong xóm. Chúng tôi vừa học cách sống, vừa học cách yêu thương từ những gì nhỏ bé nhất!
Rồi những đêm đông lạnh cắt da cắt thịt, lũ trẻ chúng tôi lại tụ tập ở lò rèn. Chúng tôi quay bễ giúp thợ, đổi lại được chút hơi ấm từ lò than. Tiếng búa gõ chan chát, tiếng lửa than rừng rực cháy, tất cả như bản nhạc của tuổi thơ nghèo nhưng đầy tình người. Lũ trẻ ngày ấy giờ đây đều đã thành ông, thành bà. Nhưng mỗi lần gặp lại, câu chuyện cũ vẫn nguyên vẹn, kéo chúng tôi về những ngày xưa, những ngày hồn nhiên nhất của đời người.
Cái cầu chợ cũ giờ đã không còn, nhưng trong ký ức tôi, nó vẫn mãi đứng đó. Một cây cầu nhỏ bé, chở nặng tuổi thơ và những câu chuyện không bao giờ cũ. Tôi luôn tin rằng, những ký ức đẹp như vậy chính là điều níu giữ tâm hồn tôi mỗi lần về quê, mỗi lần ra đầu cầu chợ mà thấy mình trẻ lại.