Kể chuyện gia đình cho con nghe: Những bài học quý giá từ quá khứ

Kể về những gì cuộc đời, về gia đình, về dòng họ của mình đã trải qua là một kho tàng những câu chuyện thiết thực, gần gũi, vô cùng quý giá với các con nhỏ cả về mặt giáo dục cũng như biết nguồn gốc gia đình.

 Gia đình quây quần, cùng nhau làm việc là khoảng thời gian vàng để bố mẹ có thể kể những câu chuyện ngày xưa về người thân với con cái (Ảnh: Quốc Việt)

Gia đình quây quần, cùng nhau làm việc là khoảng thời gian vàng để bố mẹ có thể kể những câu chuyện ngày xưa về người thân với con cái (Ảnh: Quốc Việt)

Phương pháp giáo dục thú vị

TS Đặng Minh Chưởng, chuyên gia giáo dục mầm non chia sẻ một phương pháp giáo dục thú vị và hiệu quả.

Sự lớn lên của con trẻ là chuỗi ngày khám phá thế giới xung quanh của các con, bắt đầu ngạc nhiên bằng ánh mắt lạ lẫm trước ánh đèn và màu sắc sặc sỡ, nghe tiếng nhạc hay bất cứ âm thanh nào,… bé hiểu dần và ngày càng muốn biết mọi thứ khi đã dần biết nói, loạt câu hỏi sẽ bật ra: Cái này như thế nào nhỉ? Tại sao lại có nước? Tại sao mẹ biết lấy gạo để nấu cháo?

Tại sao bố mẹ lại chọn sinh chị trước con nhỉ? Bố mẹ làm sao mà gặp nhau được nhỉ? Bố mẹ gặp nhau lần đầu ở đâu? Ông bà nội sao không ở gần ông bà ngoại nhỉ?… Bé rất tò mò muốn biết về những điều đã và đang xảy ra trong gia đình. Và đó chính là thời gian vàng để chúng ta gợi mở, đưa đến những thông tin quý giá của gia đình mà các bé cần được biết, phải biết,... dần dần hình thành cho các con biết quan tâm về người thân, định hình được hoàn cảnh gia đình mình.

 Một cuốn sách cũ, một bức tranh kỷ niệm cũng là gợi ý để cha mẹ bắt đầu kể câu chuyện gắn liền với sự vật đó cho con (Ảnh: Quốc Việt)

Một cuốn sách cũ, một bức tranh kỷ niệm cũng là gợi ý để cha mẹ bắt đầu kể câu chuyện gắn liền với sự vật đó cho con (Ảnh: Quốc Việt)

Khi kể về những câu chuyện đã qua của gia đình, bố mẹ nên gắn tính khôi hài, dí dỏm, có những tình tiết bất ngờ, hồi hộp, thậm chí tạo cả chút sợ hãi,… thì lôi cuốn hấp dẫn các con.

Hay là thể hiện sự thương cảm những người thân trong chuyện, các con phải thốt lên như “Ôi con thương bà quá, con thương ông chú quá, sao mà thương thế hả ba, sao lại nghèo thế hả ba, sao khi đó chưa có điện hả ba, khi đó chưa có tủ lạnh hả ba, bà nội phải quạt (quạt mo cau) cả đêm vậy chắc mỏi tay lắm ba nhỉ, hồi xưa không có sữa thì các em bé ăn gì nhỉ….” Các con có những cảm xúc thật sự, bắt đầu định hình và hình thành dần vùng suy nghĩ đồng cảm, quan tâm tới quá khứ của những người thân, làng quê của mình.

Rõ ràng, mỗi bố mẹ được xuất thân trong từng hoàn cảnh gia đình khác nhau sẽ có lối kể chuyện, khiếu hài hước khác nhau,... sẽ tạo ra những khoảnh khắc mà sau này các con lớn lên sẽ không bao giờ quên được.

 Sẽ tuyệt vời khi trẻ con thích nghe kể chuyện và cứ muốn về quê để kiểm chứng câu chuyện và nhân vật,.. hơn xem tivi, chơi trên điện thoại (Ảnh: Quốc Việt)

Sẽ tuyệt vời khi trẻ con thích nghe kể chuyện và cứ muốn về quê để kiểm chứng câu chuyện và nhân vật,.. hơn xem tivi, chơi trên điện thoại (Ảnh: Quốc Việt)

Có thể xem đó như học về lịch sử của gia đình mình ngay từ thủa ấu thơ, vừa tạo dấu ấn các con, nhưng sâu xa đó cũng là điều các con phải có trách nhiệm, phải biết những người thân đã trải qua những gì trong quá khứ để có được cuộc sống hiện tại hay rộng xa hơn là hình thành cho các con học về lịch sử của dân tộc, của đất nước mình.

Thuyết phục nhất, đó chính là những người thân trực tiếp kể cho các con bằng những gì họ đã trải qua và còn mãi trong kí ức. Sẽ tuyệt vời khi bọn trẻ thích nghe kể chuyện và cứ muốn về quê để kiểm chứng câu chuyện và nhân vật,.. hơn xem tivi, chơi trên điện thoại.

Tôi kể con nghe chuyện quá khứ gia đình

Vài câu chuyện vui và cường điệu hóa chút tôi đã kể cho các con tôi hàng chục lần mà các cháu vẫn cứ thích kể lại, mỗi lần kể chúng có những cảm xúc và các câu hỏi hay đưa ra sự tranh luận khác nhau:

Câu chuyện thứ nhất:

*Ba kể: Ba ngủ trên chuồng trâu chứa rơm, hồi xưa trời rét ông nội làm một cái ổ rơm trên đó. Thế là mấy cha con lên ngủ đó, rất thích vì ấm lắm (trước đây chưa có nệm giường chỉ trải manh chiếu thôi, rét vô cùng), có một hôm đang ngủ con chuột mẹ tha các chuột con mới đẻ đi do người lên ngủ làm ồn ào nó phải dời ổ. Bị rơi một con ngay miệng ba. Ôi ba hét lên và khiếp luôn không bao giờ dám lên ổ rơm ngủ nữa.

 Tạo sự thuyết phục cho trẻ nhất, đó chính là những người thân trực tiếp kể cho các con bằng những gì họ đã trải qua và còn mãi trong kí ức (Ảnh: Quốc Việt)

Tạo sự thuyết phục cho trẻ nhất, đó chính là những người thân trực tiếp kể cho các con bằng những gì họ đã trải qua và còn mãi trong kí ức (Ảnh: Quốc Việt)

Các con: “Vừa sợ vừa cười không nín được luôn, kể tiếp đi ba, kể nữa đi, sau thế nào nữa, sau có ai dám ngủ nữa không ba. Có đứa nói: “Sao hồi xưa sướng thế, thích thế, hôm sau con về ngủ trên chuồng trâu nhé”. Đứa thì nói: “Hồi xưa khổ quá, không có nệm thì rét lắm, ngủ trên chuồng trâu thì chuột và hôi nhỉ. Hôm sau con về xem thôi con không dám ngủ đâu', ...”

Câu chuyện thứ hai:

Câu chuyện thứ hai:

* Ba kể: Lợn ủi nồi cơm: Hôm đó là ngày mùa, trời nắng lắm, ba ở nhà trông 3 chú, bà nội dặn “Chiều có bóng mát cây nhạn thì kê gạch ngoài góc đó để nấu cơm nhé”, “ Dạ, con biết rồi”. Chiều nấu cơm bằng rơm và lá tre khô trộn lại, lửa đỏ rất nhanh, có gạo mới nên nấu nồi cơm to, cơm bắt đầu sôi thì mùi tỏa ra thơm lừng. Chú lợn lúc đói bụng nghe mùi thơm nên cạy phá chuồng chạy ra, Ôi, sợ quá luôn, mấy chú nhà mình thì sợ lợn cắn, chạy khóc tán loạn.

Ba thấy lợn chạy ra ba khóc, vì nó ra thì phá hết mọi thứ, ngay lập tức nó chạy vòng cái chỗ nồi cơm, nó hít hít, ngắc ngắc đầu, cái mồm nó táp táp táp. Nó thèm ăn nên hung hăng. Đến giờ nghĩ lại mà ba vẫn còn sợ. Các chú thì khóc trốn mỗi đứa một góc, ba vào gom các em lại tìm chỗ trốn. Khi đó cửa nhà không chắc nên rất sợ nó phá cửa như mấy lần trước. Một lúc sau, ba nhìn ra khe cửa thấy nó đã ủi cái nồi cơm đổ rồi, lửa đã tắt, ....

 Kể lại những trải nghiệm cuộc đời, về dòng họ với người lớn là trách nhiệm giáo dục về cội nguồn của gia đình (Ảnh: Quốc Việt)

Kể lại những trải nghiệm cuộc đời, về dòng họ với người lớn là trách nhiệm giáo dục về cội nguồn của gia đình (Ảnh: Quốc Việt)

Các con: "Các con lo cho ba, thương ba quá, có bị sao không ba,... kể tiếp, kể tiếp đi ba. Con lợn có ăn hết cơm không, nó có bỏng mồm không? Ông bà về có mắng ba ko, có đánh con lợn không? Câu chuyện này các con tôi rất thích, vẫn cứ bắt tôi kể lại ko biết bao nhiêu lần, gặp các chú lại hỏi về câu chuyện này có thật không. Mỗi lần về quê các con lại rất thích đi xem lợn.

Kể về những gì cuộc đời, về gia đình, về dòng họ của mình đã trải qua là một kho tàng những câu chuyện thiết thực, gần gũi, vô cùng quý giá với các con nhỏ cả về mặt giáo dục cũng như biết nguồn gốc gia đình. Với người lớn đó vừa là trách nhiệm giáo dục về cội nguồn của gia đình, nhưng cũng là dịp ta nhớ lại quá khứ. Và tác dụng xa hơn là từ việc biết về lịch sử gia đình, sẽ là nền tảng tạo đà để các con tìm hiểu học hỏi về lịch sử của đất nước, của dân tộc và nhân loại một cách nghiêm túc.

TS Đặng Minh Chưởng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ke-chuyen-gia-dinh-cho-con-nghe-nhung-bai-hoc-quy-gia-tu-qua-khu-post403108.html
Zalo