Nở rộ trào lưu 'phủ xanh' dự án

Trong xu hướng chuyển đổi xanh ngày một rõ nét, văn phòng cho thuê và khu công nghiệp nổi lên như là những phân khúc 'xanh hóa' mạnh nhất.

Ngày càng nhiều khu công nghiệp chọn “chuyển đổi xanh”.

Ngày càng nhiều khu công nghiệp chọn “chuyển đổi xanh”.

“Xanh” để tăng cạnh tranh

Văn phòng đang là phân khúc được nhiều chủ đầu tư đẩy mạnh chuyển đổi xanh. Theo Savills, các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế đang thể hiện sự quan tâm lớn tới các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), coi đây như là yếu tố then chốt trong hoạch định chiến lược phát triển và đưa ra quyết định kinh doanh.

Đặc biệt, các công ty niêm yết tại Việt Nam và trên thế giới đều đang nỗ lực hướng tới mục tiêu “Net Zero”, áp dụng cả trong kinh doanh và quản trị. Do đó, lựa chọn văn phòng xanh trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững của các doanh nghiệp này.

Trước đòi hỏi mang tính thời cuộc đó, các chủ đầu tư dự án văn phòng cũng tham gia ngày một hào hứng hơn. Trên bình diện khu vực, hiện nay, trung bình khoảng 40% nguồn cung văn phòng hạng A tại các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương là văn phòng xanh.

Còn tại Việt Nam, dù có phần chậm hơn trong quá trình chuyển đổi, song nhiều chủ đầu tư đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để bắt kịp xu hướng toàn cầu.

Theo Savills, năm 2020, Hà Nội có tòa nhà đầu tiên đạt chứng chỉ xanh. Sau 4 năm, số lượng tòa nhà xanh đã tăng lên đáng kể. Trong năm 2024, ít nhất 2 tòa nhà là Grand Terra 36 Cát Linh và Taisei Square Hà Nội sẽ được cấp chứng chỉ xanh. Dự kiến đến năm 2025, Hà Nội sẽ có 10% nguồn cung văn phòng đạt chứng chỉ xanh.

Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield tại Việt Nam cho biết, chưa bao giờ việc các doanh nghiệp đầu tư vào một văn phòng bền vững, lành mạnh và hiệu quả lại trở nên quan trọng như bây giờ.

“Tin vui là việc này cũng đã trở nên dễ dàng hơn khi các chủ tòa nhà ngày càng nỗ lực để tòa nhà của họ đạt được các mục tiêu ESG. Cả hai bên chủ nhà và khách thuê có thể cân nhắc việc cộng tác với nhau ngay từ lúc bắt tay phát triển dự án, điều này sẽ cùng tạo ra lợi ích cho tất cả các bên tham gia và cộng đồng”, bà Trang Bùi nói.

Theo Cushman & Wakefield, Việt Nam đang có khoảng 150 dự án nhận được chứng chỉ LEED, trong đó 67% thuộc lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, chủ yếu là loại hình nhà xưởng, nhà kho xây sẵn và nhà máy sản xuất.

Còn theo kiến trúc sư Lê Trương - CEO & Founder Công ty TTA Partners, việc có thêm nhiều hơn các tòa văn phòng là công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn xanh - LEED của Hoa Kỳ đang mang đến nhiều lựa chọn cao cấp hơn cho các khách thuê.

Lấy ví dụ với dự án Grand Terra 36 Cát Linh (do TTA Partners tư vấn thiết kế), ông Trương cho hay, đây là dự án đạt tới những giá trị bền vững về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường sinh thái và chất lượng môi trường sống và làm việc của con người ở trong đó, góp phần vào hành trình tiến tới “Net Zero” vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Chiều lòng khách thuê

Tương tự văn phòng, bất động sản khu công nghiệp đang là lĩnh vực đón nhận làn sóng chuyển đổi xanh mạnh mẽ. Cuộc đua chuyển đổi xanh đang diễn ra vô cùng sôi động và dường như trong cuộc chơi này, không chủ đầu tư, nhà phát triển dự án nào muốn bị bỏ lại phía sau.

Ông Bùi Lê Anh Hiếu - Giám đốc Tiếp thị kinh doanh, Công ty cổ phần Long Hậu cho hay, chuyển đổi xanh không chỉ là đòi hỏi tự thân, là con đường mà Long Hậu đã chọn, mà còn đến từ sự “thôi thúc” rất khách quan từ phía khách thuê khi ngày càng quan tâm đến yếu tố xanh trong quản trị, vận hành doanh nghiệp. Do đó, nhu cầu xanh hóa nhận được sự ủng hộ lớn, là sự đồng điệu giữa chủ đầu tư khu công nghiệp và các nhà đầu tư thứ cấp.

“Bên cạnh đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý môi trường và phát thải, yếu tố quyết định thành công cho công cuộc ‘xanh hóa’ phụ thuộc vào sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp. Sau thời gian dài kiên trì thực hiện từng mục tiêu phát triển bền vững, Khu công nghiệp Long Hậu là một trong số ít khu công nghiệp tại Việt Nam đạt chứng chỉ ISO 14001:2015 về quản lý môi trường.

Chúng tôi tin rằng, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất - kinh doanh không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế lâu dài cho các doanh nghiệp, mà còn tạo dựng môi trường sống lành mạnh cho cư dân trong khu vực”, ông Hiếu nói và cho biết thêm, cùng với Long Hậu, nhiều khách thuê đang từng bước triển khai các hoạt động thực hành phát triển bền vững một cách nghiêm túc và có hệ thống.

Còn theo ông Trương Khắc Nguyên Minh - Phó tổng giám đốc KCN Việt Nam, khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái là xu hướng phát triển tất yếu đối với các nền kinh tế đang phát triển.

Tại các quốc gia, các mô hình truyền thống hướng đến sản xuất, xuất khẩu và dựa chủ yếu vào ưu đãi về tài chính đang được chuyển đổi, thay thế sang các hình thức khác dựa trên mô hình quản lý tiên tiến; hợp tác, cộng sinh công nghiệp để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên, chia sẻ dịch vụ dùng chung nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư.

Cuộc đua chuyển đổi xanh đang diễn ra vô cùng sôi động và dường như trong cuộc đua này, không chủ đầu tư, nhà phát triển dự án nào muốn bị bỏ lại phía sau.

TS. Vương Thị Minh Hiếu - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, quá trình chuyển đổi xanh trong các khu công nghiệp đang thuận lợi khi hành lang pháp lý dần hoàn thiện và cổ vũ cho điều này.

Cụ thể, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế mang một tinh thần hoàn toàn mới, theo hướng hoàn thiện quy trình đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đặc biệt, nhiều quy trình, thủ tục còn rườm rà trước đó đã được lược bớt.

Cùng với đó, Nghị định 35/2022 được xem là bước tiến dài và tạo tiền đề, nền tảng cho việc phát triển các khu công nghiệp theo mô hình sinh thái. Thậm chí, trong khu vực, Việt Nam là nước đi trước khi thể chế hóa điều này, trong khi nhiều quốc gia mới chỉ là các hướng dẫn, định hướng.

Cũng theo bà Hiếu, quá trình phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam đã qua 2 giai đoạn: Thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp cũ sang mô hình sinh thái (Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ…) và hiện đang ở giai đoạn nâng cấp khu công nghiệp sinh thái ở các địa phương có thế mạnh phát triển khu công nghiệp (Hải Phòng, Đồng Nai, TP.HCM...).

Việt Nam đang dần hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo ra khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ, bao gồm cả những điểm rất mới và theo xu hướng chung toàn cầu, ví dụ như ESG.

Đồng quan điểm, bà Vân Nguyễn - Giám đốc cấp cao Khối Thị trường giao dịch phía Bắc, JLL Việt Nam cho rằng, Nghị định 35/2022 là bước tiến quan trọng trong quản lý, vận hành khu công nghiệp, mở ra các cơ hội tốt hơn cho việc chuyển đổi mô hình, từ khu công nghiệp truyền thống sang mô hình sinh thái.

“Nghị định 35/2022 mang tính bao trùm khá cao. Không chỉ đề cập, hướng dẫn chi tiết về phát triển, quản lý và vận hành khu công nghiệp ra sao, mà lần đầu tiên khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh được đề cập một cách chi tiết”, bà Vân nói và chia sẻ thêm, phát triển công nghiệp theo hướng xanh, sinh thái là xu hướng buộc phải trải qua và điều may mắn là Việt Nam đã nhận ra và có những bước đi cụ thể.

Thành Nguyễn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/no-ro-trao-luu-phu-xanh-du-an-post351335.html
Zalo