Khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng xanh

Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn. Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay việc huy động nguồn lực tăng trưởng xanh còn hạn hẹp, cần có giải pháp khơi thông nguồn lực này.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Hải Anh

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Hải Anh

Cần nguồn lực lớn cho tăng trưởng xanh

Tại Diễn đàn: “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh" diễn ra ngày 10/9, các chuyên gia tài chính - ngân hàng và doanh nghiệp đều đồng thuận quan điểm, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Điều này phù hợp với chủ trương của Chính phủ về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 với mục tiêu tăng trưởng hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Đa dạng nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh

Nguồn lực tài chính xanh để doanh nghiệp tiếp cận rất đa dạng. Đó là nguồn lực từ ngân sách nhà nước (như ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, chính sách ưu đãi về thuế); nguồn lực từ khu vực tư nhân (như tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh; thu từ trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon…)...

TS. Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính

Theo ông Lê Hoàng Lân – đại diện Vụ Tài chính, tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu rất cao, đó là đến năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0; quy mô nền kinh tế xanh từ 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần nhiều bước đi đột phá. Xanh hóa nền kinh tế là chặng đường chuyển đổi tư duy và chính sách toàn diện, cần có lộ trình cụ thể và huy động đủ các nguồn lực.

Theo ước tính của WB, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần khối lượng vốn đầu tư khoảng 370 tỷ USD để đáp ứng với yêu cầu tăng trưởng xanh, trong đó vai trò đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân là hết sức quan trọng. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu tài chính cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực theo cam kết môi trường của Việt Nam đến năm 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD. Trong đó, nguồn quốc gia tự thực hiện dự báo khoảng 24,722 tỷ USD, chiếm 36% và nhu cầu đối với nguồn lực hỗ trợ của quốc tế dự kiến khoảng 44,028 tỷ USD, chiếm 64%.

Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay việc huy động nguồn lực tăng trưởng xanh còn hạn hẹp, cần có giải pháp khơi thông nguồn lực này.

Hoàn thiện chính sách tài chính cho tăng trưởng xanh

Tại diễn đàn, TS. Nguyễn Thanh Nga - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho hay, tại Việt Nam, chính sách tài chính xanh đã và đang được hoàn thiện để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 về phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (TTX) giai đoạn 2021 - 2030, ngày 15/8/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1934/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030.

Bên cạnh đó, huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho TTX cũng là một định hướng được chú trọng trong Chiến lược tài chính đến năm 2030 (Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022). Trong đó, Chiến lược nêu rõ quan điểm, mục tiêu về cân đối nguồn lực phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Để khơi thông dòng vốn xanh, TS. Nguyễn Thanh Nga cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong quá trình tiếp cận ưu đãi từ cơ chế chính sách đã và đang được Chính phủ khuyến khích được nêu khá rõ tại Quyết định số 882/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động TTX giai đoạn 2021-2030./.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khoi-thong-nguon-luc-cho-tang-truong-xanh-159125-159125.html
Zalo