Ninh Bình: 21 doanh nghiệp cắt giảm nhân công, hơn 20.000 người lao động bị ảnh hưởng

Theo thông tin từ Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình, nửa đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh có 21 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, tăng 5 doanh nghiệp so với quý 1/2023.

 21 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động thống kê theo ngành nghề, gồm: Dệt may 8, da giầy 4, điện tử 3, ngành nghề khác 6. Tổng số công nhân lao động bị ảnh hưởng là 20.457 người.

21 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động thống kê theo ngành nghề, gồm: Dệt may 8, da giầy 4, điện tử 3, ngành nghề khác 6. Tổng số công nhân lao động bị ảnh hưởng là 20.457 người.

Hiện toàn tỉnh Ninh Bình có trên 42.000 nghìn lao động đang làm việc tại 73 doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, hiện tại có 21 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động (tăng 5 doanh nghiệp so với quý I/2023), trong đó, có 12 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI).

Số doanh nghiệp phải cắt giảm lao động thống kê theo ngành nghề, gồm: Dệt may 8, da giầy 4, điện tử 3, ngành nghề khác 6. Tổng số công nhân lao động bị ảnh hưởng là 20.457 người; trong đó số lao động bị giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động là 19.788 người, số lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động là 669 người.

Nhiều doanh nghiệp tại Ninh Bình hiện phải cắt giảm lao động khiến hàng nghìn lao động rơi vào cảnh thất nghiệp dẫn đến tình trạng trong 6 tháng đầu năm 2023. Toàn tỉnh có trên 3.000 lượt người làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp; 2.894 trường hợp đã có quyết định hưởng với tổng số tiền chi trả trên 40,5 tỉ đồng. Trung bình mỗi ngày Trung tâm Dịch vụ giới thiệu việc làm (Sở LĐTBXH tỉnh Ninh Bình) tiếp gần 200 lượt người tới làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Nguyên nhân được xác định chủ yếu là do trong bối cảnh chung của thế giới và Việt Nam, tình hình đại dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, suy thoái kinh tế thế giới, xung đột kinh tế - chính trị giữa các quốc gia đã tác động trực tiếp và gián tiếp tới đời sống, kinh tế- xã hội của tỉnh Ninh Bình khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tiếp tục gặp khó khăn về đơn hàng mới nên phải cắt giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng với người lao động. Bên cạnh những doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng với NLĐ thì cũng có những doanh nghiệp vẫn duy trì được việc làm thường xuyên, đảm bảo mức thu nhập cho NLĐ, tuy nhiên việc duy trì cũng chỉ kéo dài được đến hết tháng 7.2023 nếu như doanh nghiệp không kí được đơn hàng mới.

Có thể thấy nếu như thu nhập bình quân trước đây của CNLĐ làm trog các công ty là 7 triệu đồng/tháng thì nay giảm xuống chỉ còn 4,5 - 5 triệu đồng/tháng, mức lương này không thể đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt, chi tiêu cho gia đình nên vài tháng trở lại đây xu hướng người lao động ồ ạt xin nghỉ việc và làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp tăng cao là điều dễ hiểu.

Hiện nay, các doanh nghiệp đang phải “gồng mình” khắc phục khó khăn, gắng sức hơn, chủ động hơn trong việc tìm kiếm các đơn hàng; bên cạnh đó cần chú trọng phát huy các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất đầu vào.

Cùng với đó không thể thiếu sự quan tâm của các cấp, các ngành chức năng của nhà nước, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến tìm kiếm thị trường mới và tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, bởi vì “doanh nghiệp khó cũng là nhà nước khó”. Hi vọng nửa cuối năm 2023 tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình sẽ khởi sắc.

Lan Anh

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/ninh-binh-21-doanh-nghiep-cat-giam-nhan-cong-hon-20000-nguoi-lao-dong-bi-anh-huong-d40564.html
Zalo