Niềm tin toàn cầu sụt giảm khi bất ổn thương mại bao trùm
Theo nghiên cứu của Financial Times trước các cuộc họp quan trọng của các nhà hoạch định chính sách kinh tế tại Washington vào tuần này, các mối đe dọa đối với tăng trưởng toàn cầu đang gia tăng khi cú sốc thương mại do Mỹ thúc đẩy làm suy yếu lòng tin và có nguy cơ dẫn tới sự sụp đổ thị trường tài chính.

Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)
Theo Chỉ số Theo dõi Phục hồi Kinh tế Toàn cầu (Tiger) của Brookings-FT, các chỉ số về lòng tin đã giảm mạnh trong khi các điều kiện của thị trường tài chính xấu đi. Sự suy giảm trong triển vọng toàn cầu là sự tương phản rõ rệt với khởi đầu tương đối vững chắc của năm.
Eswar Prasad, thành viên cấp cao tại Viện Brookings cho biết hiện là quá sớm để dự báo về một cuộc suy thoái trên toàn thế giới, nhưng cảnh báo rằng sự sụp đổ của thương mại toàn cầu và sự bất ổn chính sách gia tăng sẽ kìm hãm đáng kể sự tăng trưởng.
"Chúng ta đã chứng kiến cú sốc lớn này… Mọi nền kinh tế mở dựa vào thương mại đều sẽ bị siết chặt, và trên hết là sẽ có những tác động tiêu cực đến lòng tin", ông cho biết.
Những nhận định này được đưa ra khi các nhà hoạch định chính sách kinh tế và Bộ trưởng tài chính từ khắp nơi trên thế giới sẽ tụ họp tại Washington cho cuộc họp mùa xuân đầu tiên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế/Ngân hàng Thế giới kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo trong tuần qua rằng, IMF đang chuẩn bị cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vì "biến động của thị trường tài chính đang gia tăng" và "sự bất ổn về chính sách thương mại thực sự vượt ngoài tầm kiểm soát".
Quyết định của Tổng thống Trump về các mức thuế quan toàn diện đối với hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ vào ngày 2/4 đã gây ra sự sụt giảm mạnh trên thị trường tài chính và một loạt các dự đoán về việc hạ dự báo tăng trưởng.
Trong cuộc họp chính sách tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 2,25%, đồng thời cảnh báo triển vọng tăng trưởng đã xấu đi do "căng thẳng thương mại gia tăng".
Chỉ số Brookings-FT Tiger Index được công bố định kỳ hai lần một năm, chỉ ra sự so sánh về hoạt động thực tế, thị trường tài chính và sự tự tin với mức trung bình lịch sử của chúng, đối với cả các nền kinh tế tiên tiến và các nền kinh tế mới nổi.

Chỉ số Theo dõi Phục hồi Kinh tế Toàn cầu (Tiger) của Brookings-FT
Chỉ số về sự tự tin của Mỹ đặc biệt đáng chú ý khi chúng cho thấy độ tự tin đang ở mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này được xây dựng, cùng với sự suy giảm mạnh về điều kiện thị trường tài chính. Mức độ tự tin ở Trung Quốc và Đức cũng dao động ở mức thấp.
Theo báo cáo, các chỉ số về hoạt động thực tế tại Mỹ vẫn tương đối mạnh, nhưng những chỉ số này dựa trên dữ liệu tính đến tháng 1/2025 và do đó có trước khi Tổng thống Trump đưa ra các chính sách thương mại.
Chỉ số thị trường tài chính dựa trên dữ liệu gần đây bao gồm giá cổ phiếu cho đến giữa tháng 4. Các số liệu về niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng kéo dài đến cuối tháng 3.
Ông Prasad cho biết: "Sự không chắc chắn đã làm giảm nghiêm trọng niềm tin của người tiêu dùng và có khả năng ảnh hưởng đến đầu tư kinh doanh và tăng trưởng việc làm…Khả năng hỗ trợ nền kinh tế và ngăn chặn tình trạng hỗn loạn tài chính của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ bị hạn chế bởi sự chuyển dịch thuế quan sang lạm phát trong nước".
Dự báo tăng trưởng cập nhật của IMF cũng sẽ được công bố vào thứ Ba (22/4). Các nhà kinh tế khu vực tư nhân đã cắt giảm dự báo tăng trưởng do bất ổn chính sách cao, tâm lý suy yếu và tác động đến tài sản từ thị trường giảm.
Các nhà phân tích của Citigroup hiện dự báo tăng trưởng toàn cầu là 2,1% trong năm nay và 2,3% vào năm 2026, và cảnh báo rằng tăng trưởng có xu hướng giảm mạnh.