Ông Trump nói 'không còn lạm phát', Fed thì chưa chắc
Trong một bài đăng hôm thứ Hai trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang (Fed), cho rằng lạm phát hiện tại 'gần như không còn' và Fed nên cắt giảm lãi suất khi chi phí sinh hoạt 'đang giảm rất ổn định'. Tuy nhiên, quan điểm này đi ngược lại với đánh giá thận trọng của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ.

Ông Trump nói "không còn lạm phát", Fed thì chưa chắc
Diễn biến lạm phát hiện tại
Theo báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất, lạm phát toàn phần tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 3, vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed. Ông Trump lập luận rằng giá thực phẩm đã “giảm đáng kể”, chi phí năng lượng “giảm mạnh”.
Thực tế, giá năng lượng trong tháng 3 giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ giá xăng giảm mạnh, dù giá điện và khí đốt tự nhiên tăng. Trong khi đó, giá thực phẩm tăng 3,0% so với cùng kỳ.
Vì giá thực phẩm và năng lượng thường biến động mạnh và khó dự đoán, Fed và các chuyên gia kinh tế thường tập trung vào lạm phát lõi - loại trừ hai nhóm hàng hóa này. Chỉ số lạm phát lõi tăng 2,8% so với cùng kỳ trong tháng qua, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Fed sử dụng lãi suất điều hành (federal funds rate) như công cụ chính để kiểm soát lạm phát – tức là mức tăng giá chung của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian.
Khi lãi suất cao, chi phí vay tăng khiến tiêu dùng và đầu tư giảm, từ đó hạ nhiệt áp lực giá cả. Ngược lại, nếu lãi suất quá thấp, nguy cơ lạm phát bùng phát sẽ gia tăng.
Với nhiệm vụ kép do Quốc hội Mỹ giao là kiểm soát lạm phát và toàn dụng việc làm, Fed phải duy trì mức lãi suất cân bằng, vừa đủ để ghìm lạm phát mà không làm chậm lại quá trình tạo việc làm.
Sau giai đoạn lạm phát tăng vọt hậu đại dịch, Fed đã nâng lãi suất lên mức đỉnh 5,25–5,50%. Sau đó, khi áp lực giá hạ nhiệt, cơ quan này đã cắt giảm tổng cộng 1 điểm phần trăm vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Fed vẫn giữ nguyên lập trường, chưa điều chỉnh chính sách lãi suất, bất chấp áp lực từ ông Trump.
Triển vọng phía trước còn nhiều ẩn số
Một trong những lý do khiến Fed giữ nguyên lãi suất là triển vọng lạm phát còn nhiều bất định. Chính quyền Trump đã triển khai loạt chính sách thuế quan mới từ đầu năm - động thái mà các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ làm tăng chi phí nhiều loại hàng hóa.
Tính không nhất quán, lúc thực hiện, lúc trì hoãn của các chính sách thuế quan của ông Trump khiến thị trường tài chính chao đảo, đồng thời làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng vào triển vọng kinh tế.
Fed vì vậy đang áp dụng chiến lược “chờ và quan sát” để theo dõi tác động thực tế của các chính sách mới.
Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu sau cuộc họp tháng 3: “Chính quyền mới đang thực hiện những thay đổi trong bốn lĩnh vực: thương mại, nhập cư, tài khóa và quy định. Tác động tổng hợp từ các thay đổi này sẽ quyết định hướng đi của nền kinh tế và chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, mức độ bất định hiện vẫn rất cao”.
Theo một số ước tính, nếu toàn bộ đề xuất thuế quan của Trump được triển khai, lạm phát có thể lên tới 4,7% vào cuối năm. Trong kịch bản đó, Fed có thể sẽ buộc phải tăng lãi suất thay vì cắt giảm, trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng của ông Trump.