Quy định chủ thể ban hành văn bản trong Trung tâm tài chính quốc tế: Cần phản ứng linh hoạt, kịp thời khi thị trường tài chính thế giới thay đổi

Tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của QH về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam vừa qua, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề áp dụng pháp luật tại TTTCQT.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của QH Lê Thị Nga.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của QH Lê Thị Nga.

Đề xuất cho Chính phủ được ban hành nghị định để xử lý vấn đề phát sinh

Theo dự thảo Nghị quyết, để tạo cơ sở pháp lý xử lý các xung đột pháp luật trong trường hợp có sự khác nhau giữa Nghị quyết với các luật, nghị quyết hiện hành có liên quan và các luật, nghị quyết ban hành sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực, trên cơ sở thứ bậc về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và tính thống nhất với quy định tại Điều 58 Luật Ban hành VBQPPL, dự thảo Nghị quyết quy định về áp dụng pháp luật.

Cụ thể, xác định pháp luật áp dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh tại TTTCQT như sau: Nghị quyết và các văn bản hướng dẫn; VBQPPL do Cơ quan điều hành và Cơ quan giám sát TTTCQT ban hành theo quy định của Chính phủ (liên quan đến vấn đề này, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế đặc thù, khác với quy định của Luật Ban hành VBQPPL là cho phép Cơ quan điều hành và Cơ quan giám sát TTTCQT được ban hành VBQPPL để bảo đảm tính linh hoạt và phản ứng kịp thời, thích ứng nhanh với biến động của thị trường tài chính); Pháp luật hiện hành của Việt Nam trong trường hợp các văn bản quy định nêu trên không quy định.

Đối với giao dịch có ít nhất một bên tham gia giao dịch là Thành viên TTTCQT, các bên trong giao dịch được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng nước ngoài đối với giao dịch đó, trừ trường hợp giao dịch liên quan đến bất động sản tại Việt Nam.

Việc xử lý xung đột pháp luật được áp dụng theo các nguyên tắc sau: Trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết này và các văn bản hướng dẫn Nghị quyết này với các luật, nghị quyết khác của QH và các văn bản hướng dẫn thì thực hiện theo quy định tại Nghị quyết này và các văn bản hướng dẫn Nghị quyết này. Trường hợp Nghị quyết này và các văn bản hướng dẫn không quy định thì thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp luật, nghị quyết khác của QH ban hành sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn đối với Thành viên TTTCQT so với quy định tại Nghị quyết này thì Thành viên TTTCQT được áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn tại các luật, nghị quyết được ban hành sau. Đặc biệt, để tạo sự linh hoạt trong quá trình áp dụng, dự thảo Nghị quyết cho phép: “Trong quá trình thực hiện Nghị quyết này, Chính phủ được ban hành nghị định để xử lý các vấn đề phát sinh khác với luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh của UBTVQH và báo cáo QH tại phiên họp gần nhất”.

Đồng thời, nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia và ngăn chặn các yếu tố có thể đe dọa an ninh quốc gia, dự thảo Nghị quyết quy định các VBQPPL về TTTCQT có thể đưa ra các biện pháp hạn chế đối với Thành viên TTTCQT.

Liên quan đến áp dụng pháp luật có một nội dung rất mới tại dự thảo Nghị quyết là cho phép Cơ quan điều hành và Cơ quan giám sát của TTTCQT được ban hành VBQPPL. Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của QH Lê Thị Nga phân tích, khoản 1 Điều 3 của Luật Ban hành VBQPPL có nêu quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc trong đơn vị hành chính nhất định. Trong khi đó, phạm vi, lĩnh vực hoạt động của TTTCQT chỉ bao gồm các dịch vụ tài chính, ngân hàng, thị trường vốn, bảo hiểm, quản lý tài sản… và các dịch vụ hỗ trợ liên quan.

Do vậy, bà Nga đề nghị cân nhắc việc nghị quyết này giao cho Cơ quan điều hành và Cơ quan giám sát TTTCQT được quyền ban hành VBQPPL theo hướng không cho Cơ quan này ban hành VBQPPL mà cân nhắc giao cho Bộ quản lý chuyên ngành ban hành VBQPPL. Trên cơ sở đó, Cơ quan điều hành và Cơ quan giám sát có văn bản điều hành bảo đảm tính linh hoạt và thích ứng nhanh với biến động của thị trường tài chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của QH Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, trong Luật Ban hành VBQPPL hiện nay không có hình thức văn bản này bởi Cơ quan điều hành, Cơ quan giám sát không phải là chủ thể có thẩm quyền ban hành VBQPPL theo Luật Ban hành VBQPPL. Nhưng nếu nhìn dưới giác độ đây là một cơ chế, chính sách đặc thù và Nghị quyết có thể quy định khác với quy định của Luật thì lại có thể chấp nhận được, đây coi như một cơ chế, chính sách đặc thù, vấn đề là chúng ta đánh giá sự cần thiết, thực tiễn kinh nghiệm hoạt động của các TTTCQT trên thế giới xem họ có cơ chế như thế này hay không và những ưu điểm, hạn chế của cơ chế đặc thù này như thế nào để chúng ta xem xét. Tính thống nhất đúng là một vấn đề nhưng với cách đặt vấn đề coi đây là một cơ chế, chính sách đặc thù thì chúng ta có thể xem xét.

Trường hợp có một hình thức VBQPPL do Cơ quan điều hành và Cơ quan giám sát ban hành và trình tự, thủ tục xây dựng loại VBQPPL này do Chính phủ quy định theo ông Tùng, sẽ đặt ra một loạt vấn đề cần phải làm rõ. Cụ thể, khi ban hành thì hiệu lực pháp lý của văn bản là trong phạm vi của trung tâm, mà trung tâm có ranh giới địa lý, có khoảng không để xác định thì một văn bản ban hành ra chỉ có hiệu lực trong phạm vi địa lý của TTTCQT đó hay phải hiểu như thế nào về hiệu lực không gian này. Vì VBQPPL có hiệu lực về không gian, thời gian, đối tượng áp dụng, bây giờ chúng ta quy định như thế này thì liệu VBQPPL đó có chịu sự điều chỉnh về các vấn đề về hiệu lực của Luật Ban hành VBQPPL hay không; nếu không, sẽ không có cơ sở nào để ban hành ra và có thể áp dụng được nó.

“Chúng tôi thấy rằng khi quan hệ đầu tư kinh doanh của các Thành viên TTTCQT như chúng ta nói ở đây, mặc dù có thể hoạt động kinh tế diễn ra trong trung tâm, nhưng mà mối quan hệ của nó không phải chỉ gói gọn trong trung tâm mà có quan hệ với những chủ thể khác tham gia đầu tư kinh doanh ở bên ngoài, không chỉ ở trong nước Việt Nam mà có thể ở quốc tế. Hiểu thế nào về hiệu lực không gian, thời gian và đối tượng áp dụng”, ông Tùng lý giải.

Cũng theo ông Tùng, mối quan hệ của loại VBQPPL này với hệ thống pháp luật Việt Nam như thế nào, có được quy định khác luật, nghị quyết của QH hay không? cơ chế kiểm soát đối với loại VBQPPL này, có thẩm quyền ban hành theo đúng trình tự, thủ tục nhưng một nội dung có vấn đề thì cơ quan nào có thể kiểm soát và bãi bỏ đối với loại VBQPPL này? Từ đó, ông Tùng cho rằng, đây là vấn đề cần phải tiếp tục làm rõ và có quy định cụ thể hơn, nếu đây là một cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù thì mới có cơ sở để thực hiện được.

Liên quan đến áp dụng pháp luật nước ngoài, ông Tùng nhận thấy, dự thảo Nghị quyết quy định “giao dịch có ít nhất một bên tham gia giao dịch là thành viên, các bên tham gia giao dịch có thể thỏa thuận lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài đối với giao dịch đó”. Ông đề nghị phải làm rõ đây là việc lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài theo kinh nghiệm quốc tế liên quan đến những cơ chế rất đặc thù. Tuy cần thiết phải cho phép để khuyến khích và bảo đảm tính cạnh tranh, nhưng quy định như dự thảo hiện nay là rất rộng - đó là “có thể cho phép thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng nước ngoài đối với giao dịch”, tức là không có một nguyên tắc hay một quy định nào để kiểm soát việc lựa chọn này. Ông lo ngại, như thế có thể có những vấn đề rủi ro hoặc trục lợi chính sách nên đề nghị nghiên cứu quy định thêm, phải kèm theo một số những nguyên tắc để kiểm soát việc áp dụng này phòng ngừa sự lạm dụng khi giữa các bên có tranh chấp trong việc áp dụng pháp luật, trong việc thỏa thuận lựa chọn pháp luật nước ngoài.

Phạm vi ban hành văn bản sẽ rất gọn

Làm rõ nội dung liên quan đến cơ quan điều hành và giám sát có được ban hành VBQPPL hay không, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, kinh nghiệm các trung tâm trên thế giới đều cho phép cơ quan quản lý TTTCQT được ban hành VBQPPL. Hiện nay trong dự thảo Nghị quyết cũng cho ban hành VBQPPL nhưng có giới hạn là VBQPPL để triển khai Nghị quyết này và những nội dung Chính phủ sẽ có một quy định riêng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của QH Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh trong bài: Cổng TTĐTQH)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của QH Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh trong bài: Cổng TTĐTQH)

Cụ thể, trong dự thảo của Nghị quyết là Chính phủ sẽ hướng dẫn chi tiết quy trình ban hành và hiệu lực văn bản ban hành và theo đó chủ yếu xử lý những hoạt động, những vấn đề liên quan trực tiếp của TTTC. “Chúng ta cần phải phản ứng linh hoạt, kịp thời khi thị trường tài chính thế giới có sự thay đổi, phạm vi cũng rất gọn”, Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh.

Kết luận nội dung về nguyên tắc xây dựng và áp dụng pháp luật, Phó Chủ tịch QH Vũ Hồng Thanh đồng tình, Nghị quyết chỉ nên quy định những vấn đề khung, nguyên tắc chung và những nội dung đã rõ, những nội dung đã ổn định, còn lại giao do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định các nội dung cụ thể, chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời. Đồng thời cũng phân cấp trách nhiệm quyền hạn cho 2 TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng các nội dung thuộc thẩm quyền, quyền hạn của 2 địa phương này theo đúng quy định của pháp luật.

Về vấn đề quy định Chính phủ có được ban hành nghị định để xử lý các vấn đề phát sinh khác với luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh của QH, Phó Chủ tịch QH Vũ Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan trình Chính phủ sẽ báo cáo với Bộ Chính trị trong phiên họp sắp tới về nội dung này. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền cho phép đề nghị UBTVQH cho giữ lại như trong dự thảo Nghị quyết. Nhưng cũng cần phân định rõ trong trường hợp nghị định xử lý các vấn đề phát sinh sẽ khác những các nội dung đã có trong Nghị quyết hay các nội dung nằm ngoài Nghị quyết. Phó Chủ tịch QH cũng đề nghị làm rõ cơ chế áp dụng pháp luật nước ngoài còn khá rộng, nghiên cứu bổ sung nguyên tắc kiểm soát để bảo đảm hạn chế rủi ro.

T.Hoàng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/quy-dinh-chu-the-ban-hanh-van-ban-trong-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-can-phan-ung-linh-hoat-kip-thoi-khi-thi-truong-tai-chinh-the-gioi-thay-doi-post546158.html
Zalo