Niềm hy vọng lớn từ tấm thẻ bảo hiểm y tế

Có thể thấy, tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tuy nhỏ, nhưng là niềm hy vọng lớn đối với người già neo đơn khi phải chống chọi với bệnh tật; với người lao động nghèo đó là điểm tựa khi những rủi ro bất ngờ ập đến; còn với những em nhỏ không may mắc bệnh hiểm nghèo lại mở ra niềm hi vọng.

Hội thi Tuyên truyền viên BHXH, BHYT năm 2024, do BHXH tỉnh Sóc Trăng tổ chức, đã thu hút 24 tuyên truyền viên, cộng tác viên từ các phòng nghiệp vụ của BHXH tỉnh, BHXH các huyện, thị xã và tổ chức dịch vụ thu trong toàn tỉnh Sóc Trăng tham gia.

Hội thi Tuyên truyền viên BHXH, BHYT năm 2024, do BHXH tỉnh Sóc Trăng tổ chức, đã thu hút 24 tuyên truyền viên, cộng tác viên từ các phòng nghiệp vụ của BHXH tỉnh, BHXH các huyện, thị xã và tổ chức dịch vụ thu trong toàn tỉnh Sóc Trăng tham gia.

Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Lâm - một công nhân làm thuê ở xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng - đang chăm sóc con gái bị viêm não nặng tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Nhi của Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi Sóc Trăng là một ví dụ cho niềm hy vọng từ tấm thẻ BHYT.

Theo chị Lâm, tháng 2/2024, con gái chị phải cấp cứu vào Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi Sóc Trăng trong tình trạng sốt cao, suy hô hấp nặng. Sau khi được chẩn đoán bị viêm não - một căn bệnh nguy hiểm có thể để lại di chứng nặng nề, hai vợ chồng chị gần như suy sụp. Tuy nhiên nhờ có BHYT, được quỹ BHYT chi trả gần như toàn bộ viện phí, gia đình chị mới bớt lo lắng và thắp lên niềm hy vọng có thể cho con chữa trị đầy đủ.

Được biết, các y bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Nhi của Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi Sóc Trăng đã nỗ lực không ngừng cho bé thở máy, sử dụng thuốc kháng sinh mạnh, kết hợp dinh dưỡng hồi phục chuyên sâu. Chỉ hơn 15 tháng nằm viện, từ một em bé bất tỉnh, không phản ứng với ánh sáng, con gái chị Lâm dần có lại nhận thức, bắt đầu tập thở, báo hiệu hồi phục tuy nhỏ nhưng là cả một hành trình giành giật từ tay tử thần, với tổng chi phí điều trị đã hơn 400 triệu đồng.

“Giờ nhìn con mở mắt, biết gọi mẹ tôi mừng lắm. Nếu không có BHYT, tôi không biết lấy gì để cứu con. Có lúc tưởng chừng buông xuôi, không cách nào gồng gánh nổi số tiền hơn 400 triệu chi phí chữa trị, nếu không có BHYT con tôi không cơ hội sống”, chị Lâm cho biết.

Một trường hợp khác cũng tại Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi Sóc Trăng, nhiều ngày qua, một bệnh nhi nhỏ tuổi bị viêm não - vẫn đang kiên cường chiến đấu với bệnh tật. Hơn 5 tháng điều trị tích cực, liên tục với tổng chi phí hơn 250 triệu đồng, với một gia đình lao động nghèo thì khó có thể gồng gánh nổi.

Chia sẻ câu chuyện, người thân của bệnh nhi này cho biết, ba mẹ cháu đi làm công nhân ở Bình Dương, thu nhập bấp bênh, mỗi tháng chỉ đủ tiền gửi về mua tã sữa cho con. Nếu không có BHYT, không biết phải vay mượn và lấy đâu ra từng ấy tiền. Nhờ có BHYT, cháu đã có cơ hội sống tiếp, gia đình cháu mới không lâm vào cảnh khốn cùng…

Các y bác sĩ từng nhiều lần lo ngại có gia đình sẽ phải bỏ cuộc giữa chừng vì kiệt quệ tài chính, nhưng chính tấm thẻ BHYT đã trở thành chỗ dựa vững chắc, giúp bệnh nhân tiếp tục được điều trị đúng phác đồ, đúng thuốc, đầy đủ và kịp thời, mang đến hy vọng không chỉ cho bệnh nhân và cả gia đình họ.

Có thể thấy chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước qua tấm thẻ BHYT đã thắp lên ánh sáng hy vọng, giúp gia đình bệnh nhân vượt qua giai đoạn khốc liệt nhất của bệnh tật, níu giữ lại sự sống cho những ai đó từng mắc bệnh hiểm nghèo.

Sóc Trăng là một trong những tỉnh nghèo có nhiều hộ dân có thu nhập thấp, bấp bênh - chính sách BHYT thực sự là cứu cánh cho nhiều trường hợp bệnh nhân phải điều trị dài ngày, sử dụng kỹ thuật cao, chi phí lớn. Nhiều ca lên đến hàng trăm triệu đồng đã được Quỹ BHYT thanh toán, không chỉ giúp giảm tải gánh nặng chi phí cho gia đình người bệnh, mà còn tạo điều kiện để các cơ sở y tế phát huy tối đa năng lực chuyên môn, trang thiết bị hiện đại.

Chính sách BHYT không chỉ mang tính nhân đạo mà còn là chỗ dựa vững chắc cho hàng triệu người yếu thế, những người không có khả năng dự phòng cho rủi ro y tế. Trong năm 2024, Quỹ BHYT ở Sóc Trăng đã chi trả hàng trăm tỷ đồng viện phí cho người bệnh, trong đó phần lớn là người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người già neo đơn và trẻ em dưới 6 tuổi. Đây là minh chứng rõ nét vai trò an sinh, nhân văn và bền vững của BHYT trong hệ thống chính sách xã hội.

Có thể thấy, càng ở những vùng quê nghèo, càng thấm thía giá trị của tấm thẻ BHYT. Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, nhưng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân của tỉnh Sóc Trăng luôn duy trì ở mức cao, trên 100%. Những năm gần đây, BHXH tỉnh Sóc Trăng đã tích cực đẩy mạnh truyền thông chính sách BHYT, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế để đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế.

Theo Phó Giám đốc Quản lý, điều hành BHXH tỉnh Sóc Trăng - ông Lâm Thanh Thiên, việc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hàng năm, có hơn 3 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT được đảm bảo quyền lợi. Quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế, chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia. Việc người dân tham gia BHYT được xem là một hình thức tiết kiệm "đóng góp khi lành, để dành khi ốm", nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật, kể cả những bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn…

Theo thống kê của BHXH tỉnh Sóc Trăng, mỗi năm quỹ BHYT chi trả trên 1.000 tỷ đồng cho việc khám chữa bệnh BHYT, trong đó rất nhiều trường hợp người bệnh được chi trả lên tới 800 triệu đến 900 triệu đồng/năm. Ngoài việc chi trả chi phí khám chữa bệnh thông thường, Quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính như: Hemophilia (bệnh rối loạn đông máu di truyền), ung thư, tim mạch, suy thận...

Quỳnh Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/niem-hy-vong-lon-tu-tam-the-bao-hiem-y-te-post548199.html
Zalo