Chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ ứng phó với sạt lở đất, lũ quét
Sáng 13/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) tổ chức Hội thảo Đối thoại hợp tác quản lý thiên tai Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 13 với chủ đề chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ cho các biện pháp ứng phó với sạt lở đất, lũ quét.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và ông Shin ISHIKAWA, Thư ký Bộ trưởng - Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản chủ trì hội thảo. Ảnh: Ngọc Hà
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trường Sơn, Cục phó Cục quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, thiên tai đang ngày càng cực đoan hơn, với tần suất cao hơn và tác động khốc liệt hơn. Tại Việt Nam, với địa hình 70% là đồi, núi, cùng với tác động cực đoan của mưa, bão làm cho sạt lở đất, lũ quét ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản và sinh kế của người dân.
“Chắc hẳn chúng ta còn chưa thể quên thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ra vào tháng 9/2024 tại khu vực miền Bắc Việt Nam. Đây là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông và trong 70 năm qua đổ bộ vào đất liền Việt Nam. Hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng tại 26 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, kéo theo lũ lớn, sạt lở đất và lũ quét nghiêm trọng. Hậu quả là 345 người chết và mất tích, gần 2.000 người bị thương, gần 400.000 nhà bị hư hỏng, ngập nước, hàng trăm nghìn ha cây trồng và diện tích thủy sản bị hư hại, với tổng thiệt hại ước tính trên 81.800 tỷ đồng” - ông Nguyễn Trường Sơn điểm lại những con số nói lên sự khốc liệt của cơn bão Yagi.
Chính vì vậy, việc đầu tư nguồn lực cũng như nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng ngừa, ứng phó với loại hình thiên tai này đang là một trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn cho biết, năm nay là 13 năm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam (trước đây là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản ký kết thỏa thuận hợp tác tăng cường năng lực của hai quốc gia về quản lý rủi ro thiên tai, quản lý thủy lợi và các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu liên quan đến nước.
Hàng năm trong khuôn khổ hợp tác, 2 Bộ vẫn thường xuyên tổ chức các đoàn công tác, các Hội thảo kỹ thuật để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật để hỗ trợ công tác phòng chống thiên tai giữa hai quốc gia với nhiều nội dung liên quan đến ứng phó với bão, lũ, sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển...
Thời gian qua, Bộ MLIT và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai thí điểm đập SABO - công trình phòng, chống lũ bùn đá đầu tiên tại Việt Nam. Công trình đã được hoàn thành vào tháng 4/2025 tại lưu vực suối Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La - khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ quét và sạt lở đất. Đây là minh chứng cho sự hợp tác có hiệu quả, sự giúp đỡ chân tình của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản cho nhân dân Việt Nam, đặc biệt là người dân tại những khu vực dễ bị tổn thương do thiên tai.

Đập SABO - công trình phòng, chống lũ bùn đá đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng trên lưu vực suối Nậm Păm. Ảnh: Ngọc Hà
Theo ông Sơn, đây là đập thí điểm, được xây dựng đơn lẻ với quy mô nhỏ nên sẽ khó phát huy hết hiệu quả của nó, cần xây dựng đồng bộ hệ thống đập SABO trên lưu vực sông Nậm Păm thành mô hình mẫu cho Việt Nam để đánh giá hiệu quả.
Do đó, ông Sơn hi vọng Chính phủ Nhật Bản, Bộ MLIT và JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc hoàn thiện mô hình mẫu này để từ đó có đủ cơ sở để xem xét, huy động nguồn lực để đầu tư nhân rộng công trình đập SABO tại các khu vực khác có rủi ro tương tự.
Theo thông tin tại hội thảo, khu vực được xác định có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét là khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về hiệu quả của việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, lập bản đồ rủi ro và tăng cường nhận thức về thiên tai trầm tích ở Nhật Bản; giới thiệu các công trình bảo vệ tài sản trong trường hợp lũ bùn đá; các giải pháp tăng cường năng lực thực hiện biện pháp ứng phó với lũ bùn đá.