Hà Nội siết chặt phòng, chống dịch bệnh khi thời tiết giao mùa
UBND thành phố Hà Nội vừa có Công văn số 1897/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn giao mùa.

Giáo viên Trường Mẫu giáo số 3 (quận Ba Đình) vệ sinh lớp học, khử khuẩn dụng cụ, đồ chơi để phòng bệnh tay chân miệng. Ảnh: Đỗ Tâm
Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch, UBND thành phố đã yêu cầu các sở, ban, ngành thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.
Theo đó, Sở Y tế theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, như: Sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng, tiêu chảy cấp... để kịp thời có biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường công tác giám sát dịch tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, khoanh vùng xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh dịch, kiểm soát sự lây lan và hạn chế các trường hợp mắc bệnh nặng, tử vong do dịch bệnh.
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các loại thuốc, vật tư, thiết bị y tế, cơ sở bảo đảm công tác thu dung, điều trị người bệnh kịp thời, đặc biệt đối với người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao, như: Người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền...
Cùng với đó, Sở Y tế tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ ngành Y tế và các đơn vị liên quan trong giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh truyền nhiễm, tác nhân gây bệnh, các biện pháp xử lý ổ dịch, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực và chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm.
Sở Nông nghiệp và Môi trường cần tăng cường các hoạt động giám sát, chủ động để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh trên động vật; kịp thời chia sẻ thông tin với ngành Y tế về tình hình dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người; chỉ đạo các đơn vị liên quan thống kê, quản lý đàn chó, mèo và tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, vật nuôi bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn trong diện tiêm.
Sở Giáo dục và Đào tạo cần đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh và tiêm vắc xin phòng bệnh trong trường học bằng nhiều hình thức, như: Nhóm Zalo phụ huynh/giáo viên; tiết học ngoại khóa, truyền thông dưới cờ… Các trường học thường xuyên tổ chức vệ sinh khử khuẩn phòng học, nhà ăn, khu vực vui chơi, tổng vệ sinh môi trường.
Sở Tài chính bố trí cấp đủ kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch và tiêm chủng mở rộng, chuẩn bị sẵn sàng nguồn kinh phí dự phòng trong trường hợp cần thiết.
UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức điều tra, khoanh vùng xử lý triệt để khu vực có ca bệnh, ổ dịch khi phát sinh; bảo đảm đầy đủ kinh phí, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế cần thiết cho công tác phòng, chống dịch và tiêm chủng theo phương châm "4 tại chỗ"; đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động tiêm chủng các loại vắc xin trong chương trình mở rộng bảo đảm tiến độ và độ bao phủ.