Những trường hợp nào được ưu tiên cấp cứu tại bệnh viện?
Những ngày gần đây, dư luận rất phẫn nộ khi liên tiếp có nhiều nhân viên y tế bị người nhà bệnh nhân hành hung. Đáng lưu ý, vụ việc tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ), khi các nhân viên y tế đang tập trung cứu chữa cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông thì cha của bệnh nhân đã có hành vi hành hung nhân viên y tế. Mặc dù bị người nhà hành hung, la hét nhưng các y, bác sĩ vẫn không bỏ vị trí, tiếp tục khẩn trương cứu chữa cho bệnh nhân. Kết quả, bệnh nhân đã được cứu sống.

Nhân viên y tế Khoa Khám bệnh - cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đo thân nhiệt, cấp cứu cho bệnh nhi bị sốt cao. Ảnh: Hạnh Dung
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Nam Định, con trai của một bệnh nhân đã lao vào đánh liên tiếp vào vùng đầu, mặt của một nhân viên y tế tại Khoa Hồi sức tích cực.
Có thâm niên 16 năm làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Khoa Cấp cứu, bác sĩ chuyên khoa I Ngô Như Định, Trưởng khoa Khám bệnh - Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chia sẻ, nguyên nhân của việc người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế có thể do từ cả 2 phía.
Trước hết, có những thời điểm bệnh nhân đông, vào cấp cứu cùng lúc nên nhân viên y tế chưa thể tiếp cận bệnh nhân ngay hoặc đang phải tập trung cấp cứu cho bệnh nhân nặng trước, bệnh nhẹ sau. Trong khi đó, người nhà bệnh nhân thường có tâm lý sốt sắng, lo lắng, nhất là khi người được đưa vào cấp cứu là trẻ em, người già. Nhiều người nhà bệnh nhân cho rằng nhân viên y tế không quan tâm đến người thân của mình nên đôi khi xảy ra cự cãi, nói nặng lời, thậm chí hành hung nhân viên y tế.
Theo bác sĩ Định, áp lực công việc của nhân viên y tế ở Khoa Cấp cứu thường lớn hơn các khoa, phòng khác. Y, bác sĩ phải có chuyên môn vững, tác phong khẩn trương, nhanh nhẹn nhằm kịp thời tiếp nhận bệnh, tìm ra nguyên nhân để điều trị, cứu sống bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân vào cấp cứu có thời gian “vàng”, nếu nhân viên y tế không khẩn trương cấp cứu, bỏ lỡ “giờ vàng” thì sẽ để lại di chứng sau này cho bệnh nhân dù được cứu sống.
Bác sĩ Định cũng cho hay, để không xảy ra những sự cố đáng tiếc, trước hết nhân viên y tế phải thực hiện tốt trách nhiệm của mình, không ngừng học hỏi, nâng cao kỹ năng giao tiếp để trao đổi khéo léo, giải thích tận tình, giúp người nhà bệnh nhân thấy an tâm và tin tưởng vào y, bác sĩ. Song song đó phải khẩn trương phân tích tình huống, tìm ra nguyên nhân và cách điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai luôn dán bảng các quy định liên quan đến cấp cứu, thứ tự ưu tiên được cấp cứu để bệnh nhân, người nhà bệnh nhân được biết. Ngoài ra, khoa luôn có bác sĩ, điều dưỡng trực để sàng lọc, phân loại bệnh, xác định rõ bệnh nào cần cấp cứu ngay, bệnh nào cần khám ngay, bệnh nào không cần cấp cứu hoặc ưu tiên.
Theo đó, những bệnh cần cấp cứu ngay như: ngừng thở hoặc cơn ngừng thở; rối loạn nhịp tim có suy tim; sốt cao liên tục trên 40 độ C; dị vật đường thở, bít tắc đường thở; suy hô hấp nặng; sốc; tai nạn ngộ độc, chấn thương nặng…
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, theo bác sĩ chuyên khoa I Dương Hoài Vũ, Trưởng khoa Cấp cứu, những bệnh nhân bị bệnh nặng có khả năng đe dọa đến tính mạng được ưu tiên cấp cứu khẩn cấp. Tiếp đến là những bệnh nhân có triệu chứng nặng, trung bình và nhẹ hơn. Trường hợp bệnh nhân quá nặng, nếu vượt quá khả năng của bệnh viện, bệnh viện sẽ thực hiện cấp cứu ban đầu và chuyển viện an toàn lên tuyến trên.