Những thay đổi mang tính kiến tạo trong thương mại và giá khí đốt tự nhiên của Châu Âu

Giá khí đốt tự nhiên tại Châu Âu đã tăng xuyên suốt năm 2024, do nhu cầu khí đốt gia tăng, và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, đặc biệt sau khi nguồn cung khí đốt từ Nga qua Ukraine kết thúc.

Một trạm trung chuyển khí đốt ở Ukraine. Ảnh AFP

Một trạm trung chuyển khí đốt ở Ukraine. Ảnh AFP

Mức giá thấp nhất được ghi nhận vào tháng 2, gần €22/MWh tại trung tâm giao dịch khí đốt TTF của Hà Lan, nhưng đến cuối tháng 12, giá đã tăng hơn 200%, lên €50/MWh, với các cảnh báo rằng giá có thể đạt €70/MWh vào năm 2025, làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của ngành công nghiệp Châu Âu. Trong khi đó, giá khí đốt tại Mỹ vẫn ổn định ở mức khoảng €10/MWh, tương đương với mức trước khủng hoảng, mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể.

Hệ quả đối với Châu Âu là rất sâu rộng: giá năng lượng tăng cao, giá điện tăng vọt và nền công nghiệp châu Âu đang dần “xói mòn”.

Có rất nhiều yếu tố dẫn đến thực trạng này, ngoài việc nguồn cung khí đốt từ Nga qua Ukraine kết thúc, một mùa đông khắc nghiệt, các đợt thời tiết âm u kéo dài và lặng gió dẫn đến tốc độ gió thấp và ít ánh sáng mặt trời, buộc phải phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt. Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Gazprombank của Nga và các chính sách ngắn hạn của EU đối với khí đốt làm cản trở các công ty tiện ích châu Âu cam kết hợp đồng mua khí đốt và LNG dài hạn.

Châu Âu sắp đối mặt với mùa đông khắc nghiệt nhất kể từ khi Nga xung đột Ukraine, đẩy chi phí năng lượng tăng cao khi lục địa này phải sử dụng các kho dự trữ khí đốt, với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2016. Mức độ dự trữ khí đốt đang cạn kiệt với tốc độ đáng báo động, hiện thấp hơn khoảng 30% so với năm 2023. Hệ quả là khí đốt giao cho mùa hè hiện đang được định giá với mức phí kỷ lục, càng trở nên tồi tệ hơn do lo ngại về việc châu Âu sẽ làm thế nào để tái nạp kho dự trữ trong mùa hè.

Với việc chuyển đổi năng lượng dự báo sẽ là một quá trình kéo dài, nhiên liệu hóa thạch có thể tiếp tục là một thành phần quan trọng trong cơ cấu năng lượng của châu Âu và toàn cầu trong năm 2050.

Khí đốt Nga đến châu Âu

Vào năm 2019, Nga đã cung cấp 172 tỷ mét khối (bcm) khí đốt qua đường ống cho Liên minh Châu Âu (EU), đáp ứng khoảng 43% nhu cầu khí đốt của EU. Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, con số này giảm xuống chỉ còn khoảng 15 bcm, tương đương 5% nhu cầu khí đốt của EU. Trong khi đó, trong cùng khoảng thời gian, lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga cung cấp cho châu Âu đã tăng từ khoảng 13 bcm/năm lên khoảng 24 bcm/năm hiện nay. Mặc dù Ủy ban Châu Âu (EC) cam kết sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu khí đốt từ Nga, nhưng nguồn cung này vẫn tiếp tục được duy trì.

Việc chấm dứt dòng chảy khí đốt Nga qua Ukraine sẽ dẫn đến sự gia tăng nhu cầu LNG đắt đỏ tại châu Âu, với những tác động lớn đến chi phí năng lượng. Điều này sẽ khiến Nga mất khoảng 6,5 tỷ USD mỗi năm, nhưng cũng là một đòn giáng tài chính đối với Ukraine, quốc gia đã kiếm được khoảng 1 tỷ USD mỗi năm từ phí vận chuyển khí đốt.

Điều này xảy ra trong bối cảnh nhu cầu sưởi ấm tăng cao, với Slovakia và Moldova là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các quốc gia chịu ảnh hưởng ít hơn, bao gồm Hungary và Áo. Thủ tướng Slovakia đã cáo buộc Ukraine làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của một quốc gia thành viên EU. Áo đã có các biện pháp để nhập khẩu LNG, và Hungary đã chuyển sang sử dụng dòng khí TurkStream.

Các quan chức của Ủy ban Châu Âu (EC) nhận định rằng EU có thể sống mà không cần khí đốt từ đường ống Nga, ngay cả khi điều này có nghĩa là phải chấp nhận LNG đắt đỏ từ các nguồn khác. Tuy nhiên, kết quả này có thể khiến giá năng lượng ngày càng tăng cao, hiện đã gấp ba lần mức giá trước khủng hoảng. Bloomberg nhận định rằng các chính trị gia châu Âu đang từ chối thừa nhận những thách thức mà tình trạng này đang tạo ra.

Đại học Columbia cho biết: "Các nhà hoạch định chính sách châu Âu hoàn toàn nhận thức rằng nền công nghiệp châu lục này đã bị tàn phá, nhưng phản ứng dường như chỉ là thêm nhiều quy định".

Không chỉ làm tăng giá điện, điều này còn làm suy giảm tính cạnh tranh trong ngành công nghiệp châu Âu. Nền công nghiệp của châu Âu đang bị tàn phá, với Ngân hàng Trung ương Châu Âu cảnh báo rằng tăng trưởng thấp và nợ công cao có thể gây ra một cuộc khủng hoảng mới trong Khu vực đồng euro.

Các nhà sản xuất khu vực đồng Euro báo cáo rằng điều kiện kinh doanh đang trở nên tồi tệ hơn khi EU phải vật lộn với giá năng lượng cao và đầu tư kinh doanh kém. Sản lượng công nghiệp nặng của Đức đã giảm 20% trong ba năm qua, nhiều hoạt động sản xuất và xuất khẩu sử dụng nhiều năng lượng đang mất dần. Những diễn biến này đã thúc đẩy Ba Lan đặt an ninh năng lượng lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chủ tịch EU, bỏ qua vấn đề khí hậu.

Việc giải quyết vấn đề Ukraine cũng được mong đợi, dưới áp lực của Tổng thống Trump, hiện đang khiến nhiều người cho rằng khi tình hình ổn định, khí đốt giá rẻ qua đường ống của Nga sẽ quay trở lại châu Âu, với một số ý kiến cho rằng đó có lẽ là một câu hỏi về “khi nào và bao nhiêu” hơn là “nếu”. Đáng chú ý, một trong những đường ống Nord Stream II vẫn đang hoạt động. Nhiều người cho rằng bất chấp ý định của châu Âu về việc loại bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga, LNG của Nga vẫn tiếp tục được cung cấp cho thị trường này.

Nhưng điều này vẫn khó có thể cứu vãn được ngành công nghiệp Đức đang đạt đến điểm không thể quay trở lại. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang trên đà suy thoái và có thể kéo theo châu Âu. Đặc biệt vào thời điểm châu Âu đang nỗ lực bắt kịp Trung Quốc, đối phó với cuộc chiến Nga-Ukraine, hậu quả của nó cũng như phản ứng trước một nước Mỹ ngày càng có xu hướng biệt lập.

Nhu cầu khí đốt toàn cầu

Nguồn cung khí đốt toàn cầu vẫn đang thắt chặt, do sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhu cầu khí đốt ở châu Á, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng cho đến năm 2050. Nhu cầu LNG của châu Á dự báo sẽ gần như gấp đôi vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, nguồn cung LNG dự kiến sẽ có đợt tăng trưởng “chưa từng có”, có thể dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung LNG từ năm 2026 trở đi. Điều này sẽ giúp giá giảm và giải quyết các mối lo ngại về nguồn cung khí đốt.

Một lượng LNG khổng lồ mới sẽ được Qatar và Mỹ đưa ra thị trường từ cuối năm 2025, dẫn đến việc tăng trưởng gần 50% công suất xuất khẩu toàn cầu vào năm 2030.

Tuy nhiên, lợi ích từ giá LNG thấp hơn dự kiến sẽ không hiện hữu cho đến năm 2026, vì vậy năm 2025 sẽ là một năm đầy thách thức đối với châu Âu trong việc đối phó với giá năng lượng cao.

Tác động đến đảo Síp

Với việc không sử dụng khí đốt, kế hoạch phát triển khí đốt ở châu Âu sẽ không có tác động ngay lập tức đến Síp. Trái lại, nếu Síp có thể hoàn thành nhà ga nhập khẩu LNG tại Vasiliko vào cuối năm 2025, thời điểm này sẽ rất thuận lợi để hưởng lợi từ mức giá LNG thấp hơn dự kiến từ năm 2026.

Giá điện ở Síp vẫn duy trì ở mức cao, là mức cao thứ hai tại châu Âu tính theo sức mua, do việc sử dụng dầu diesel và mức thuế cao thứ hai ở châu Âu, chiếm khoảng 35% tổng giá điện. Việc chuyển sang sử dụng khí đốt có thể làm giảm giá điện tới 35% đến 40% và còn nhiều hơn nữa nếu thuế được giảm xuống mức trung bình của châu Âu là 23%. Vì vậy, việc hoàn thành nhà ga Vasiliko phải là ưu tiên hàng đầu vào năm 2025.

Anh Thư

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-thay-doi-mang-tinh-kien-tao-trong-thuong-mai-va-gia-khi-dot-tu-nhien-cua-chau-au-722882.html
Zalo