Năm bước ngoặt cho cuộc xung đột Nga-Ukraine

Năm 2025 có thể là bước ngoặt cho cuộc xung đột Nga-Ukraine. Khi Ukraine đối mặt áp lực quốc tế và nội bộ thì Nga cũng chật vật với tổn thất nhân lực và các vấn đề kinh tế.

Quân đội Nga pháo kích vào đường cao tốc dẫn từ Pokrovsk đến Konstantinovka ở Donetsk. Ảnh: TASS.

Quân đội Nga pháo kích vào đường cao tốc dẫn từ Pokrovsk đến Konstantinovka ở Donetsk. Ảnh: TASS.

Theo tờ Newsweek mới đây, năm 2024 đã chứng kiến nhiều biến động trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, với Moskva dường như đang nắm giữ lợi thế trong cuộc chiến kéo dài gần 3 năm. Tuy nhiên, cả hai bên đều đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, khiến năm 2025 được dự báo sẽ là năm quyết định cho cả hai quốc gia.

Về phía Ukraine, ngoại trừ cuộc tấn công vào khu vực Kursk của Nga vào mùa hè 2024 - buộc Điện Kremlin phải điều chỉnh lại kế hoạch phòng thủ, tình hình chiến sự đang diễn biến không có lợi. Quân đội Nga tiếp tục tấn công mạnh các vị trí phòng thủ của Ukraine ở Donetsk, trong đó trung tâm giao thông quan trọng Pokrovsk đang đứng trước nguy cơ bị bao vây.

Chiến dịch ở Kursk, dù được kỳ vọng sẽ buộc Nga phân tán lực lượng khỏi miền Đông Ukraine, lại biến thành một cuộc chiến tiêu hao khác, khiến nhiều binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến hoài nghi về tính hiệu quả của chiến dịch này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đang phải đối mặt với áp lực từ sự thay đổi trong dư luận quốc tế. Theo một cuộc thăm dò được công bố vào cuối tháng 12 vừa qua, sự ủng hộ cho việc đàm phán chấm dứt xung đột đã tăng lên đáng kể tại nhiều nước châu Âu như Thụy Điển, Đan Mạch, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Italy.

Cùng với việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1, những diễn biến này đã khiến ông Zelensky phải điều chỉnh lập trường. Ông Zelensky từng quyết tâm giành chiến thắng hoàn toàn trước Nga giờ đã bắt đầu đề cập đến khả năng chấp nhận một giải pháp tạm thời.

Tuy nhiên, những khó khăn của Ukraine không đồng nghĩa với việc Nga đang tiến gần đến chiến thắng. Mặc dù về mặt quân sự, Nga đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong năm 2024, nhưng đã phải trả giá đắt.

Theo đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ vào tháng 10 năm ngoái, Nga đã chịu ít nhất 600.000 thương vong kể từ khi xung đột nổ ra vào năm 2022. Con số này cho thấy một thực tế không thể phủ nhận: ngay cả một quốc gia lớn như Nga cũng không thể duy trì một cuộc chiến tiêu hao vô thời hạn. Nga hiện chưa lên tiếng về thông tin trên, nhưng vào tháng 6/2024, Tổng thống Vladimir Putin cho biết tổn thất về nhân lực của Nga trong cuộc xung đột chỉ bằng một phần nhỏ so với phía Ukraine.

Trong khi đó, Điện Kremlin đang cố gắng tránh việc huy động quân sự mới - vốn có thể gây ra phản ứng tiêu cực trong dư luận như đợt huy động 300.000 quân vào tháng 9/2022 đã khiến nhiều người Nga di tản ra nước ngoài. Thay vào đó, họ đang áp dụng các biện pháp thay thế như cung cấp khoản tiền hỗ trợ cao cho người nhập ngũ, hợp pháp hóa nghĩa vụ quân sự...

Về mặt kinh tế, mặc dù GDP của Nga tăng 3,6% trong năm qua - cao hơn Anh, Đức và Pháp, những dấu hiệu căng thẳng đang bắt đầu xuất hiện. Phần lớn nền kinh tế hiện đang phục vụ cho cuộc chiến, trong khi tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng trầm trọng do nhiều nam giới trong độ tuổi lao động đang phải chiến đấu ở tiền tuyến.

Cùng với đó, lạm phát ở mức gần 10% khiến giá cả hàng hóa thiết yếu tăng cao, trong khi lãi suất được duy trì ở mức 21% đang gây áp lực lên các doanh nghiệp. Nếu tình trạng này kéo dài, những phản ứng từ cộng đồng doanh nghiệp sẽ ngày càng gay gắt hơn.

Với những thách thức và áp lực ngày càng gia tăng đối với cả hai bên, năm 2025 được dự báo sẽ là một năm bản lề, có thể định hình lại cục diện cuộc xung đột cũng như tương lai của cả Ukraine và Nga.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Newsweek)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nam-buoc-ngoat-cho-cuoc-xung-dot-ngaukraine-20250108153008698.htm
Zalo