OMV sẽ cung cấp khí đốt của Romania cho Đức
Công ty OMV của Áo đã đạt được thỏa thuận cung cấp khí đốt từ dự án Biển Đen của công ty này cho công ty Uniper của Đức từ năm 2027, trong bối cảnh châu Âu đang tìm kiếm những cách thức mới để tăng cường an ninh năng lượng sau khi cắt đứt quan hệ với Nga, theo ba người hiểu biết về vấn đề này nói với Reuters.
Thỏa thuận kéo dài 5 năm với khối lượng 15 terawatt giờ khí đốt tự nhiên từ dự án Neptun Deep này, trước đây chưa được tiết lộ, nhưng đã được đưa ra sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt qua Ukraine vào tháng trước.
Tổng khối lượng hợp đồng chiếm khoảng 1,5% lượng khí đốt nhập khẩu của Đức vào năm 2024, và sẽ là thỏa thuận đầu tiên hỗ trợ cho dự án nước sâu được mong đợi từ lâu này. Đây là dự án tồn tại hơn một thập kỷ sau khi khí đốt lần đầu tiên được phát hiện ở khu vực Biển Đen của Romania.
Neptun Deep, dự kiến sẽ bắt đầu được khai thác vào năm 2027, ước tính nắm giữ 100 tỷ mét khối (bcm) khí đốt có thể khai thác, khiến nơi đây trở thành một trong những mỏ khí đốt tự nhiên quan trọng nhất của EU.
Khi đi vào hoạt động, Romania sẽ trở thành nước khai thác khí đốt lớn nhất EU, và lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu khí đốt ròng.
OMV Petrom, phần lớn thuộc sở hữu của OMV với Romania nắm giữ 20,7% cổ phần, lần đầu tiên công bố phát hiện 42-84 bcm khí đốt ở Biển Đen vào năm 2012.
Uniper từ chối bình luận. Cả OMV và OMV Petrom đều không trả lời yêu cầu bình luận.
OMV Petrom và công ty khai thác nhà nước Romgaz, công ty sở hữu dự án Neptun Deep theo tỷ lệ chia đôi 50:50, đã phê duyệt dự án vào năm 2023.
Sản lượng khai thác tại mỏ này sẽ đạt khoảng 8 bcm mỗi năm trong khoảng 10 năm, gần gấp đôi sản lượng khí đốt của Romania.
Mặc dù các nhà khai thác có kế hoạch bán khí đốt riêng, nhưng theo luật của Romania, Chính phủ sẽ có quyền ưu tiên mua khí đốt từ dự án này.
Các nhà khai thác khí đốt cho biết có tiềm năng rất lớn cho các khám phá tiếp theo ở Biển Đen của Romania, nơi quốc gia này ước tính có trữ lượng 200 bcm, hứa hẹn sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung trong khu vực.