3 điểm sáng của Greenland thu hút ông Trump
Ông Donald Trump để mắt tới Greenland - hòn đảo lớn nhất thế giới - được cho vì 3 lý do.
Từ lâu, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã để mắt tới Greenland, một hòn đảo nằm ở Bắc Cực, khi trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã giục các trợ lý của mình mua khu vực này.
Đáng chú ý là vào ngày 7-1, trong một cuộc họp báo, ông Donald Trump đã không loại trừ khả năng dùng “áp lực quân sự hoặc kinh tế" để giành lấy Greenland (và kênh đào Panama) và nói rằng Mỹ cần chúng vì an ninh kinh tế.
Trước đó trong ngày, ông Donald Trump đã viết trên mạng xã hội rằng việc Mỹ có thể mua lại hòn đảo này “là một thỏa thuận phải xảy ra” và đăng tải những bức ảnh của con trai cả của ông - ông Donald Trump Jr., đang đến thăm Greenland.
Vị trí địa chiến lược quan trọng
Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới và là nơi sinh sống của hơn 56.000 người. Nơi đây từng là thuộc địa của Đan Mạch và hiện là lãnh thổ tự trị của nước này, theo đài CNN.
Greenland có vị trí địa chính trị độc đáo khi nó nằm giữa Mỹ và Châu Âu. Thủ phủ Nuuk của Greenland gần TP New York (Mỹ) hơn là gần thủ đô Copenhagen của Đan Mạch.
Ông Ulrik Pram Gad, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, cho biết từ lâu hòn đảo này được coi là chìa khóa cho an ninh của Mỹ, đặc biệt để ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga.
Theo ông Pram Gad, Mỹ muốn đảm bảo rằng “không có cường quốc thù địch nào kiểm soát Greenland, vì đây có thể là bàn đạp để tấn công Mỹ”.
Cạnh đó, điều làm nên giá trị của Greenland là có tuyến đường vận chuyển Northwest Passage chạy dọc theo bờ biển và hòn đảo này nằm trên khu vực hàng hải chiến lược Greenland-Iceland-Anh.
Giàu tài nguyên thiên nhiên
Ông Klaus Dodds, giáo sư địa chính trị tại trường Royal Holloway thuộc ĐH London (Anh), cho rằng điều hấp dẫn ông Donald Trump hơn cả là trữ lượng tài nguyên thiên nhiên phong phú của Greenland.
Những nguồn tài nguyên này bao gồm dầu, khí đốt, cũng như các kim loại đất hiếm cần thiết trong việc sản xuất đối với ô tô điện và tua bin gió, cũng như để sản xuất thiết bị quân sự.
Hiện nay, Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc sản xuất đất hiếm và đã đe dọa sẽ hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng và công nghệ liên quan trước nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, ông Trump và các cố vấn của ông ấy rất lo ngại về sự hạn chế mà Trung Quốc đưa ra. Tôi nghĩ rằng ông Trump muốn có Greenland để đối phó với Trung Quốc" - ông Dodds nói với đài CNN.
Vào năm 2023, chính phủ Đan Mạch đã công bố một báo cáo nêu chi tiết về tiềm năng của Greenland như một mỏ khoáng sản có giá trị. Hòn đảo Bắc Cực này có "điều kiện thuận lợi cho sự hình thành các mỏ quặng, bao gồm nhiều khoáng sản thô quan trọng".
Con đường vận tải mới
Băng tan và nhiệt độ Bắc Cực tăng nhanh đang khiến Greenland trở thành nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng điều này lại mang lại một số cơ hội về mặt kinh tế.
Bên cạnh việc dễ dàng tiếp cận, khai thác khoáng sản, băng tan đã mở ra các tuyến đường vận chuyển mới ngắn hơn, tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Chẳng hạn, việc di chuyển từ Tây Âu qua Bắc Băng Dương đến Đông Á ngắn hơn khoảng 40% so với việc đi thuyền qua Kênh đào Suez. Theo báo cáo gần đây của Hội đồng Bắc Cực, lưu lượng tàu thuyền ở Bắc Cực đã tăng 37% trong thập niên qua.
Trung Quốc đã tỏ ra khá quan tâm đến tuyến đường mới này qua Bắc Cực này và vào tháng 11, Trung Quốc và Nga đã đồng ý hợp tác để phát triển các tuyến đường vận chuyển qua Bắc Cực.
“Greenland là một xa lộ từ Bắc Cực đến tận Bắc Mỹ và đến Mỹ. Về mặt chiến lược, nó rất quan trọng đối với Bắc Cực, nơi sẽ là chiến trường quan trọng của tương lai vì khi khí hậu ấm lên, Bắc Cực sẽ là một con đường có thể giảm việc sử dụng Kênh đào Panama” - theo ông Robert C. O’Brien - cựu cố vấn quốc gia của ông Donald Trump.