Những sáng tạo trong hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Gia Lai

Tính đến đầu tháng 5/2025, tỉnh Gia Lai đã khởi công xây dựng và sửa chữa 6.712 căn nhà, đạt 82,31% kế hoạch xóa gần 8.500 căn nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn; đã bàn giao 3.411 căn, tương đương 41,83% kế hoạch.

Thực tế cho thấy, địa phương đã quán triệt sâu sắc chủ trương lớn của Trung ương, đồng thời xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo giúp chương trình triển khai nhanh chóng, hiệu quả, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Dưới căn nhà khang trang vừa được xây tặng, gia đình ông Rơ Lan Đếu ở làng Bó, xã Ia Kly, huyện Chư Prông hân hoan đón tiếp bà con họ hàng gần xa tới thăm, chúc mừng. Tiếng nói cười giòn giã vang vọng khắp ngôi nhà mới, lan tỏa niềm vui sum họp và sự ấm áp. Từ nay, gia đình ông đã có chốn an cư thật sự khi có cả nhà ở với cả gian bếp ấm cúng, công trình vệ sinh, khoảng sân thoáng đãng và cổng vững chãi.

Căn nhà của ông Đếu là một trong hơn 1.000 ngôi nhà thuộc chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đang được triển khai trên địa bàn huyện Chư Prông trong năm 2025. Ông Rơ Lan Đếu xúc động cho biết, ngôi nhà mới là sự góp lại của nhiều tấm lòng, từ họ hàng, người thân đến Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang địa phương: “Tôi mừng lắm. Xin cảm ơn các cấp đã hỗ trợ tiền, ngày công làm cho gia đình tôi một ngôi nhà xây rộng rãi. Nay có nhà rồi, gia đình sẽ cố gắng làm ăn để vươn lên”.

Trên 4.000 hộ dân đã được bàn giao nhà mới từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Gia Lai. (ảnh: Nguyễn Thảo)

Trên 4.000 hộ dân đã được bàn giao nhà mới từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Gia Lai. (ảnh: Nguyễn Thảo)

Tại huyện Chư Prông- địa phương có số lượng nhà dột nát cần xóa lớn nhất tỉnh Gia Lai, cách huy động ngày công từ gia chủ kết hợp với sự chung tay của các tổ chức chính trị - xã hội đã giúp giải bài toán nhân lực và đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Đây cũng là mô hình được huyện đồng loạt áp dụng nhằm tăng tốc thực hiện chương trình, giúp người dân sớm có nhà mới khang trang, vững chãi.

Cũng cách làm tương tự, huyện Phú Thiện đã chủ động triển khai đồng loạt. Địa phương mua vật liệu chung với số lượng lớn để giảm giá thành, sau đó phân bổ về các xã. Công tác xây dựng được tổ chức bài bản, huy động tổ nhóm thợ lành nghề làm chính, người dân tham gia công phụ.

Nhờ vậy, tới nay, huyện đã hoàn thành kế hoạch, về đích trước thời hạn mà Ban chỉ đạo tỉnh giao; đảm bảo nhân dân có nhà vững chắc mà vẫn theo bản sắc truyền thống. Bà Nay HDoănh, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện chia sẻ niềm vui khi dọn về nhà mới: “Gia đình tôi biết ơn Đảng, Nhà nước và các cấp nhiều lắm. Giờ có nhà mới, yên tâm làm ăn, chăm lo cho con cái rồi”.

Một ngôi nhà thuộc chương trình được làm theo kiểu nhà sàn truyền thống ở huyện Phú Thiện. (ảnh: Nguyễn Thảo)

Một ngôi nhà thuộc chương trình được làm theo kiểu nhà sàn truyền thống ở huyện Phú Thiện. (ảnh: Nguyễn Thảo)

Năm 2025, hưởng ứng chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Gia Lai đặt mục tiêu xóa 8.485 căn nhà tạm, nhà dột nát. Ngay khi chương trình mới triển khai, Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc chương trình được thành lập, chỉ đạo xuyên suốt đến từng sở, ngành, địa phương. Nhờ đó, phong trào thu hút sự tham gia tích cực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang.

Tiêu biểu nhất là Công an tỉnh đã tích cực đóng góp tài chính, ngày công, phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và Nhân dân đẩy nhanh tiến độ. Thiếu tướng Rah Lan Lâm - Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình xóa nhà tạm nhà dột nát Công an tỉnh Gia Lai cho biết: “Đảng ủy Công an tỉnh đã triển khai hiệu quả. Cán bộ, chiến sĩ đã ủng hộ 1 ngày lương, quyên góp hơn 3 tỷ đồng. Đồng thời đóng góp ngày công, phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương, triển khai tích cực chương trình, để lại nhiều dấu ấn trong lòng Nhân dân”.

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Gia Lai đã thu hút được sự tích cực tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang. (ảnh: Nguyễn Thảo)

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Gia Lai đã thu hút được sự tích cực tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang. (ảnh: Nguyễn Thảo)

Với sức mạnh tổng hợp cùng nhiều sáng kiến, đến nay tỉnh đã đạt hơn 82% kế hoạch khởi công và 42% kế hoạch bàn giao. 7/17 địa phương đã hoàn thành kế hoạch gồm: TP Pleiku, TX An Khê, TX Ayun Pa, các huyện Đăk Pơ, Đức Cơ, Krông Pa và Phú Thiện. Các địa phương khác cũng đang tích cực tăng tốc để về đích chương trình.

Ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy huyện Chư Prông nói: “Tất cả các ngôi nhà đều xây đúng quy định, diện tích từ 36 m² trở lên. Nhiều gia đình đối ứng thêm làm nhà 60 – 70 m², đầy đủ hàng rào, cổng ngõ, sân, công trình phụ. Đến 30/6, chúng tôi sẽ hoàn thành toàn bộ 997 ngôi nhà xây mới, đảm bảo 100% đối tượng có nhà ở kiên cố, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, nâng cao đời sống nhân dân”.

Cùng với công an tỉnh Gia Lai, Bộ Công an cũng hỗ trợ tỉnh hơn 231 tỷ đồng để thực hiện chương trình. (ảnh: Nguyễn Thảo)

Cùng với công an tỉnh Gia Lai, Bộ Công an cũng hỗ trợ tỉnh hơn 231 tỷ đồng để thực hiện chương trình. (ảnh: Nguyễn Thảo)

Sự quyết liệt, sáng tạo trong triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Gia Lai đã mang lại hiệu quả thiết thực. Một cuộc cách mạng về nhà ở cho hộ nghèo đã cận ngày về đích, giúp bộ mặt nông thôn, nhất là vùng dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai ngày càng khang trang, đổi mới.

Nguyễn Thảo/ VOV-Tây Ngyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhung-sang-tao-trong-hanh-trinh-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-o-gia-lai-post1197793.vov
Zalo