Ý chí pháp quyền mạnh mẽ của Đảng ta
Trải qua những thăng trầm, biến động của lịch sử thế kỷ 20, tinh thần và ý chí về xây dựng nhà nước pháp quyền trở thành hiện thực ở nước ta.
Ý chí pháp quyền ở nước ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong những ngày đầu lập nước. Những lời lẽ đanh thép ấy được Người những trích dẫn ở đoạn đầu bản “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1945 “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Trải qua những thăng trầm, biến động của lịch sử thế kỷ 20, tinh thần và ý chí về xây dựng nhà nước pháp quyền trở thành hiện thực ở nước ta. Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn trên lĩnh vực tư pháp nói riêng trong trình xây dựng thể chế pháp luật trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung.
Tuy nhiên, đứng trước những yêu cầu của thời cuộc, đặc biệt yêu cầu của quá trình cải cách chính trị do Đảng ta chủ động tiến hành thì thể chế, pháp luật một lần nữa thể hiện tầm quan trọng. Do vậy, việc Đảng khởi xướng tiến trình hoàn thiện thể chế pháp luật gần như đồng thời với cách mạng tinh gọn bộ máy như một tất yếu của chu trình chính trị trong giai đoạn mới.

Xã hội thấy được tính tích cực và nguồn cảm hứng khi những nhà lãnh đạo Việt Nam chủ động đề xướng chương trình lãnh đạo hoàn thiện thể chế pháp luật ở thời điểm này. Ảnh minh họa
Phá băng, khai thông những điểm nghẽn về mặt cấu trúc, thiết chế
Cải cách chính trị, điển hình là cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị thời gian qua có tính chất dẫn đường. Có thể coi đây như bước phá băng, khai thông những điểm nghẽn về mặt cấu trúc, thiết chế của mô hình bộ máy nhà nước. Để các không gian, chế tài, luật lệ cụ thể đóng vai trò là chất xúc tác giải phóng mọi năng lực tiềm tàng để phát triển xã hội thì việc hoàn thiện thể chế pháp luật, phủ lên đó là nền tư pháp tiến bộ, dân chủ, có ý nghĩa quyết định.
Mặc dù, nền tư pháp nước nhà ra đời từ sớm sau năm 1945 nhưng do gián đoạn của lịch sử kháng chiến cứu nước của dân tộc nên nền tư pháp của Việt Nam còn non trẻ. Sau khi thống nhất đất nước, nền tư pháp gắn liền với quá trình Đổi mới trong gần vài thập kỷ qua.
Cùng với hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước, nền tư pháp nước nhà dù đã có nhiều thành tựu nhưng vẫn còn những hạn chế do cơ cấu, thiết chế. Vì thế, tư pháp Việt Nam nói chung, thể chế pháp luật của chúng ta nói riêng đang đứng trước các yêu cầu đòi hỏi phải cải tiến, sửa đổi một cách đồng bộ, toàn diện. Việc Đảng ta thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế chính là tiến hành công cuộc này một cách khách quan, khoa học, dưới sự lãnh đạo, định hướng của Đảng.
Tính khoa học, tính khách quan và mang tính Đảng trong quá trình hoàn thiện thể chế là yêu cầu cấp thiết ở Việt Nam. Việt Nam phải có một thể chế luật pháp hoàn thiện đáp ứng các tiêu chí về mặt dân chủ, khai thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, sự sáng tạo của con người, cá nhân và tổ chức. Thể chế ấy được điều chỉnh theo các quy luật khách quan mà một nhà nước pháp quyền hiện đại cần có đồng thời nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, do Đảng yêu cầu, phù hợp với năng lực và điều kiện của đất nước.
Hoàn thiện thể chế pháp luật với bước đầu là xây dựng và sửa đổi luật pháp nhằm xóa bỏ những điểm nghẽn của thể chế là sự kết nối tương thích giữa cải cách chính trị và luật pháp, giữa bộ máy nhà nước với hệ thống tư pháp. Mục tiêu của Ban chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế pháp luật thông qua các nội dung đã được công bố cho thấy tinh thần đề cao tự do của nhân dân, khai phóng sức sáng tạo của con người và dân chủ hóa đời sống xã hội.
Cụ thể hơn phương châm “người dân được làm những gì pháp luật không cấm” chính là đổi mới tư duy, tư tưởng về tự do của người dân, pháp luật là tài sản của công dân, là khế ước xã hội, công dân nhường bớt các quyền của mình cho nhà nước, nhà nước đảm bảo sự an toàn, an ninh để người họ tham gia vào các cơ hội của đời sống, làm việc và phát triển. Khẳng định “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”, dứt khoát bỏ tư tưởng “không quản được thì cấm”, nhấn mạnh kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của quá trình phát triển đất nước, các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật... đều là những định hướng, chủ trương phản ánh sự tôn trọng thực tiễn khách quan và đề cao tính dân chủ trong xã hội của Đảng. Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030 có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, minh bạch… thể hiện ý chí pháp quyền to lớn ấy.
Xã hội thấy được tính tích cực và nguồn cảm hứng khi những nhà lãnh đạo Việt Nam chủ động đề xướng chương trình lãnh đạo hoàn thiện thể chế pháp luật ở thời điểm này. Trong một khoảng thời gian dài, trên nhiều khía cạnh của đời sống kinh tế xã hội, luật pháp chưa theo kịp với những đòi hỏi của thực tiễn. Sự chồng chéo, hạn chế, thiếu chuyên nghiệp trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật bộc lộ ở không ít nơi, không ít bộ phận.
“Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”
Trước bối cảnh đất nước đang vươn mình, sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế đưa tới sự tín nhiệm sâu sắc trong nhiều lực lượng, giai tầng trong xã hội. Đặc biệt, những chủ thể tham gia vào quá trình vận hành của nền kinh tế như giới doanh nhân, nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp cùng tất cả người dân đều cảm nhận luồng gió mới về kết quả tích cực trong sự thụ hưởng của tiến trình hoàn thiện thể chế này…
Xa hơn, chúng ta cũng tạo dựng bản năng và thói quen cho xã hội về văn hóa pháp quyền của đất nước, đảm bảo mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam có một hệ thống pháp luật chuyên nghiệp, bảo vệ, luật pháp trở thành chuẩn mực ứng xử chung của mọi chủ thể trong xã hội, quản trị quốc gia hiện đại với nhà nước tinh gọn.
Việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế pháp luật lần nữa khẳng định tính đúng đắn, ý chí pháp quyền của Đảng ta trong việc xây dựng nhà nước kiến tạo, quản trị thay cho tư duy, nhận thức cũ trước đây. Do ảnh hưởng của lịch sử, của hệ thống chính trị truyền thống, của văn hóa, tâm lý… ở một số nơi, một số bộ phận trong bộ máy nhà nước còn nặng về mệnh lệnh hành chính, cơ chế xin – cho, tồn tại không ít nhóm lợi ích, cục bộ, cài đặt lợi ích vào quá trình xây dựng chính sách và pháp luật… Ban chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế góp phần sửa chữa, cải cách, bổ sung và thêm mới những quy chế, quy tắc, luật lệ, các chế định để tạo lập sân chơi, không gian kiến tạo lành mạnh cho các chủ thể tham gia vào chu trình chính trị mới một cách công bằng, cùng có lợi, phát huy những năng lực, tiềm tàng của mỗi cá nhân, chủ thể và tổ chức.
Đây cũng là nỗ lực của những nhà lãnh đạo Việt Nam nhằm giải quyết bài toán về việc củng cố, kế thừa và thúc đẩy nền tư pháp có chất lượng và giá trị của Việt Nam so với khu vực và quốc tế, phục vụ cho sự ổn định, phát triển và phồn vinh của đất nước. Hiện thực hóa khát vọng của cha ông, các thế hệ lãnh đạo tiền bối và chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, tư tưởng xây dựng một nhà nước tinh gọn, hiệu quả, có thể chế pháp luật hoàn thiện trong dòng chảy pháp quyền của nhân loại tiến bộ vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ cấp bách mà Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cần phải thực hiện.