Rút ngắn khoảng cách giữa nhu cầu điều trị và chi trả BHYT
Hiện nay, sự hỗ trợ chi trả từ BHYT còn eo hẹp khiến bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo vẫn chưa được khám bệnh với chất lượng dịch vụ cao hơn; chưa được ứng dụng nhiều máy móc thiết bị hiện đại cho chẩn đoán bệnh sớm và chuyên sâu, phát hiện bệnh sớm ở giai đoạn đầu…

Hội thảo “Nâng cao hơn nữa quyền lợi bệnh nhân trong chẩn đoán, điều trị” do Bộ Y tế tổ chức.
Chi trả BHYT còn “eo hẹp”
Tại Hội thảo “Nâng cao hơn nữa quyền lợi bệnh nhân trong chẩn đoán, điều trị” do Bộ Y tế phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức ngày 8/5, ông Lê Minh Toản, Phó Tổng biên tập báo Tiền phong nhấn mạnh: “Từ sau đại dịch COVID – 19 đến nay, tại rất nhiều bệnh viện, cơ sở y tế, còn tình trạng gặp khó trong khám, chẩn đoán và điều trị bệnh do thiếu trang thiết bị y tế hiện đại, khả năng tài chính của bệnh nhân chưa đáp ứng, dẫn tới việc chỉ định trong khám và điều trị còn hạn chế.
Tuy gần đây, thực trạng này đã dần được cải thiện nhưng vẫn còn thực tế sự hỗ trợ chi trả từ BHYT còn eo hẹp khiến bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo vẫn chưa được khám bệnh với chất lượng dịch vụ cao hơn; chưa được ứng dụng nhiều máy móc thiết bị hiện đại cho chẩn đoán bệnh sớm và chuyên sâu, phát hiện bệnh sớm ở giai đoạn đầu… Một số chương trình quốc gia tầm soát sớm bệnh ung thư phổi, ung thư vú...chưa được thanh toán BHYT”.
Đặc biệt, hiện nhiều người dân tuy có BHYT nhưng vẫn phải mua bảo hiểm sức khỏe thương mại, bảo hiểm nhân thọ... với mong muốn được điều trị tốt hơn. Thực tế việc chi trả BHYT vẫn còn khoảng cách khá xa so với mong muốn của người bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng thẳng thắn nhìn nhận: Quyền lợi của người bệnh trong quá trình chẩn đoán và điều trị vẫn còn những bất cập. Một số cơ sở y tế còn quá tải, thời gian chờ đợi kéo dài, chi phí ngoài luồng vẫn tồn tại. Việc liên thông dữ liệu chưa đồng bộ dẫn đến tình trạng xét nghiệm, chẩn đoán trùng lặp, gây tốn kém và ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Việc cung cấp thông tin đầy đủ cho người bệnh như chỉ định chuyên môn, lựa chọn phương pháp điều trị, quyền được đồng thuận… chưa được thực hiện một cách đầy đủ, minh bạch.
Đặc biệt chính sách bảo hiểm y tế dù đã có những bước tiến đáng ghi nhận, nhưng trong bối cảnh kỹ thuật y tế không ngừng phát triển, danh mục thuốc, vật tư và kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế cần tiếp tục được cập nhật để người bệnh không bị bỏ lại phía sau vì rào cản tài chính.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, những tồn tại này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đảm bảo đầy đủ, thực chất quyền lợi của người bệnh, đặc biệt trong quá trình chẩn đoán và điều trị – không chỉ ở khía cạnh chuyên môn hay kỹ thuật, mà còn ở góc độ thể chế, công bằng xã hội và đạo đức phục vụ. Ngành Y tế vẫn đang ra sức nỗ lực để từng bước khắc phục những hạn chế này.
Về chi trả quyền lợi cho người tham gia BHYT hiện nay, ông Hoàng Trung Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết: Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ bao phủ BHYT tại Việt Nam đạt 94,2% dân số. Đây là con số đáng ghi nhận cho thấy nỗ lực bền bỉ của hệ thống chính sách và các địa phương trong việc mở rộng mạng lưới an sinh. Mức hưởng BHYT của người đóng (từ 80% đến 100% tùy nhóm đối tượng) như: Tuyến điều trị (đúng tuyến hay trái tuyến); dịch vụ kỹ thuật sử dụng (mức chi phí, danh mục được ban hành); Phạm vi quyền lợi không ngừng được mở rộng theo hướng bao phủ các loại thuốc, thiết bị, dịch vụ kỹ thuật và hình thức điều trị hiện đại, đồng thời ưu tiên người nghèo, người dân tộc, và các đối tượng dễ tổn thương khác.
Hiện quyền lợi cụ thể của người có thẻ BHYT áp dụng với danh mục thuốc tân dược cho hơn 1.030 hoạt chất/thuốc và 59 loại thuốc phóng xạ, BHYT thanh toán từ 30% đến 100%, tùy điều kiện chuyên khoa và bệnh lý; áp dụng với danh mục thuốc y học cổ truyền cho gần 1.000 công thức thuốc cổ truyền, 349 dược liệu được chi trả. BHYT chi trả 337 nhóm thiết bị y tế từ vật tư tiêu hao thông thường đến thiết bị can thiệp cao cấp như: Mạch máu nhân tạo, stent, máy tạo nhịp tim, khớp nhân tạo, dao siêu âm, Ligasure... BHYT thanh toàn gần như toàn bộ các dịch vụ kỹ thuật y tế như: PET-CT, DSA, phẫu thuật có robot, xạ phẫu Gamma Knife, xét nghiệm gene ung thư…., đặc biệt, dịch vụ kỹ thuật cao trong chẩn đoán ung thư, can thiệp tim mạch, xương khớp, di truyền phân tử cũng đã được mở rộng chi trả.
Đặc biệt, các hình thức khám chữa bệnh mới như: Khám chữa bệnh từ xa; khám chữa bệnh tại nhà; y học gia đình; hỗ trợ chi phí vận chuyển từ tất cả tuyến; điều trị tật khúc xạ cho trẻ em; điều trị các bệnh hiểm nghèo hiếm gặp như: U ác tụy, u trung thất, bệnh lý võng mạc trẻ sinh non, bệnh Wilson, suy tim bẩm sinh... đã được thanh toán.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, với các kỹ thuật cao như chẩn đoán và điều trị bằng hình ảnh, đơn vị nào cũng muốn đầu tư một máy chất lượng cao chẩn đoán tốt nhất, đầu tư thêm công nghệ AI. Nhưng còn loay hoay trong việc bệnh viện bỏ tiền ra mua sắm có được thu thêm của người dân hay không; bệnh nhân có được chi trả thêm khi sử dụng công nghệ cao trong khám chữa bệnh? Bên cạnh đó, còn nhiều quy trình, thủ thuật, một số vấn đề trong khám chữa bệnh mà người dân chưa được BHYT chi trả.
Cân đối để thêm quyền lợi cho người bệnh
Ông Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho rằng: Hiện quỹ BHYT vẫn còn hạn hẹp so với nhu cầu của người bệnh. Vì vậy, việc cân bằng giữa bảo đảm quyền lợi của người bệnh và duy trì chất lượng chuyên môn điều trị vẫn là thách thức lớn. Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1227 về việc triển khai danh mục dùng chung cho các dịch vụ cận lâm sàng, sẽ giúp tiết kiệm chi phí và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.
Bên cạnh việc hạn chế chỉ định không cần thiết, Bộ Y tế cũng đang xây dựng chính sách nhằm hài hòa giữa bảo đảm quyền lợi của người bệnh và duy trì chất lượng chuyên môn điều trị. Bộ Y tế sẽ tiếp tục xây dựng các chính sách khác như: Liên thông dữ liệu lâm sàng, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng nâng cao, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và bảo vệ quyền lợi của người bệnh.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, trước nhu cầu chi trả ngày càng cao của người bệnh, trong khi quỹ BHYT còn hạn chế; quỹ còn lại của những năm trước và của năm 2025 chỉ đủ chi trả cho bệnh nhân trong năm 2025. Vì thế cần nghiên cứu để tăng thêm quỹ cho BHYT. Cần thiết phải nghiêm túc trong các cơ sở y tế, tránh trục lợi trong các cơ sở, thực hiện chuẩn đoán và điều trị phù hợp. Với những người bệnh đủ điều kiện chi trả thì cơ sở y tế chủ động thỏa thuận để việc thanh toán đảm bảo nhất.
“Trong thời gian tới, cần tính được phí khấu hao và quản lý trong BHYT. Cần cân đối tăng mức đóng BHYT và có giải pháp khác như bảo hiểm bổ sung, để giảm tiền túi của người bệnh trong khám chữa bệnh. Hiện nay người bệnh chi trả 40-45% vượt quá khuyến cáo của WHO là 30%” Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cùng với việc toàn dân có BHYT bắt buộc thì cũng cần có nhiều hình thái bảo hiểm khác tham gia vào ngành Y tế. Bởi lẽ hiện nay, không ít người dân có nhu cầu khám chữa bệnh ở mức độ cao hơn, so với mức khám chữa bệnh cơ bản của BHYT bắt buộc. Mặt khác, khi có các loại hình BHYT khác nhau sẽ tạo ra sự cạnh tranh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.