Những nén nhang thắp bằng thi ca...

Lại một chiến sĩ CAND nữa hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Anh chưa lập gia đình, anh ngã xuống bỏ lại bao dự định, bao khát vọng còn dang dở. Cuộc sống mãi trôi, dòng đời cuộn chảy, giữa nhịp sống hối hả hôm nay, nỗi đau càng quặn thắt thì sự hy sinh thiêng liêng ấy càng có sức mạnh vô hình, lay động trái tim muôn nẻo...

Nếu như đêm đầu tiên là sự bàng hoàng, đau đớn trước thông tin người chiến sĩ trẻ Nguyễn Đăng Khải hy sinh khi truy bắt tội phạm ma túy thì ngày và đêm hôm sau, cộng đồng mạng như nín thở, hồi hộp dõi theo tiến trình lực lượng Công an truy bắt kẻ thủ ác. Tất cả như vỡ òa cảm xúc khi đối tượng bị bắt tại Thanh Hóa, thông tin được báo chí, mạng xã hội "nổ bung" vào đêm khuya, thời điểm bắt đầu giấc ngủ của mọi người. Nhưng, đây là một đêm không ngủ với cộng đồng mạng, những thông tin, hình ảnh bắt giữ kẻ thủ ác được cập nhật liên tục. Đó là những cái thở phào tháo gỡ nút thắt căng thẳng, đó là sự thán phục trước hành động nghiệp vụ và mau lẹ của lực lượng Công an, buộc kẻ ác phải tra tay vào còng, phải đền tội...

Những ngày sau, tất cả như lắng lại, sự lắng lại của cảm xúc, lắng lại của nỗi lòng. Giờ là thứ Bảy, Chủ nhật, là ngày người người nghỉ ngơi, có thời gian hơn với gia đình, có thời gian hơn để suy ngẫm, để đọc, để chia sẻ lòng mình với những người bạn, với Facebook, Zalo...

Hình ảnh đồng chí Nguyễn Đăng Khải trong một buổi tuyên truyền về kỹ năng sống với các em học sinh.

Hình ảnh đồng chí Nguyễn Đăng Khải trong một buổi tuyên truyền về kỹ năng sống với các em học sinh.

Tôi đã chìm trong suy nghĩ, trong cảm xúc đằm sâu ấy. Có những bài viết, có những sẻ chia cuốn tôi vào nỗi niềm không dễ gì mô tả, chỉ hiểu rằng, khi mình đọc đến đoạn cuối, những câu từ ấy khiến nước mắt nghẹn vào trong. Trong những trang Fecebook ấy, hiện lên ngôi trường cấp 3 nơi chiến sĩ Khải từng học - Trường THPT Phù Cừ, huyện Phù Cừ, Hưng Yên. Phía trên, một status đề hôm 11/4, khi ấy đang là sự bình yên: "Bạn còn giữ những khoảnh khắc đẹp thời học sinh không? Những hình ảnh sân trường thân quen, góc lớp đầy nắng, hay nụ cười của bạn bè, thầy cô?... Hãy gửi kèm một dòng chia sẻ - đó có thể là một kỷ niệm nhỏ, một lời nhắn nhủ yêu thương hoặc cảm xúc mà bạn muốn lưu giữ cùng mái trường Phù Cừ"...

Nhưng, hôm nay đây, nỗi lòng trĩu nặng, những thầy cô, bạn bè thuở ấy, dẫu đang ở đâu, phương trời nào cũng nghẹn lòng tiễn biệt người học trò thân yêu của mái trường. Đêm ngả về sáng, tôi đọc chậm, thật chậm những vần thơ của một người bạn viết tiễn biệt người học trò mái trường Phù Cừ:

Em đi rồi, trường xưa buồn đến lạ
Nắng cuối sân như cũng hóa ngẩn ngơ
Chiếc ghế đá chưa kịp lời từ giã
Đã tiễn em về cõi vắng mộng mơ

Ngày em đến - cậu học trò gầy nhỏ
Ba năm ròng chăm chỉ dưới hàng cây
Niên khóa cũ vẫn còn tên em đó
Nay khắc sâu trong tim suốt tháng ngày

Tốt nghiệp rồi, em khoác màu áo lính
Giữa đất trời, giữa bão tố gian nan
Thấy hiểm nguy, em chẳng hề nao núng
Ngã xuống rồi để nhân thế bình an

Phù Cừ khóc - giọt buồn rơi lặng lẽ
Bạn bè xưa thắt nghẹn tiếng lòng
Em trở về trong quốc kỳ đỏ rực
Rợp bóng cờ, rực rỡ giữa trời xanh

Chúng tôi viết những dòng thơ tiễn biệt
Bằng trái tim đầy thương mến tự hào
Cậu học trò mang niềm tin, lý tưởng
Ngủ yên em, Tổ quốc mãi ghi trao.

Viết trong phần comment, cô giáo Nguyễn Thắm bày tỏ: "Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có hơn 145 cựu học sinh Trường THPT Phù Cừ đã chiến đấu và hy sinh anh dũng, nằm lại nơi đất mẹ. Hình ảnh của các anh, tên tuổi của các anh được gìn giữ ở nơi trang trọng nhất tại phòng truyền thống của nhà trường và được khắc sâu trong trái tim của bao thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh. Ngày hôm nay, tên tuổi, hình ảnh và tấm gương vì nước quên thân, vì dân phục vụ của liệt sĩ Nguyễn Đăng Khải sẽ tiếp tục được nhà trường, thầy cô và các em học sinh lưu giữ, học tập và noi theo. Vô cùng thương tiếc cậu học trò xuất sắc năm xưa...”.

Fanpage Trường THPT Phù Cừ đưa những dòng thông tin cụ thể về người học trò đã hy sinh trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự: "Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải sinh năm 1996, cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Quảng Ninh. Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải quê thôn Cao Xá, thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, đã anh dũng hy sinh khi truy bắt tội phạm ma túy. Sự hy sinh của đồng chí là minh chứng rõ nét cho tinh thần dũng cảm, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm, vì sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân".

Và, đây là một đoạn viết trên "Hưng Yên quê tôi": "Phù Cừ, trên con ngõ nhỏ dẫn vào nhà Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải tràn ngập vòng hoa trắng. Bạn bè, đồng đội, các chiến sĩ công an đã đến tiễn đưa anh trong niềm tiếc thương vô hạn. Người chiến sĩ trẻ ấy đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình để kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, vì sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân...".

Từ Mù Cang Chải xa xôi, Thượng tá Lý Hoàng Cung (Công an tỉnh Yên Bái) gửi những dòng lắng sâu tiễn biệt người em, người đồng chí thân yêu:

...Gác việc riêng đi cuối tuần cùng dân
Con đường mở đàn em vui tới lớp
Chái hiên nhà bàn tay anh vừa lợp
Để mùa qua không mưa nắng dãi dầu

Đồng đội tôi danh lợi chẳng mưu cầu
Từng cao điểm quên mình vì nhiệm vụ
Bão dông, đêm tối có khi nào ngại
Anh lên đường, phía ấy là vầng dương...

"Bài thơ đã nói hộ nỗi lòng nhiều người. Cảm ơn Hoàng Cung, một chiến sĩ công an tâm hồn thi sĩ, yêu thiên nhiên, con người và nhân văn" - nickname "Nghiem Sy Cuong" chia sẻ. Bạn "Pari Yb" thì bày tỏ "Những vần thơ thật xúc động. Xin được chia sẻ những khó khăn, hiểm nguy với các chiến sĩ CAND đang ngày đêm đấu tranh với tội phạm, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân".
Một clip được chia sẻ nhanh chóng trên mạng Facebook, TikTok thể hiện hình ảnh nữ MC Bùi Nhung, Truyền hình ANTV nghẹn ngào khi ghi hình tại hiện trường... Nữ phóng viên ANTV không kìm được nước mắt khi nhắc đến Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải: "Một trái tim ấm với lòng nhiệt huyết phòng, chống tội phạm giờ đây đã ngưng đập...".

Mỗi lần viết về những chiến sĩ, đồng đội ngã xuống vì cuộc sống bình yên, những người làm báo như chúng tôi muốn truyền gửi thông điệp về sự cống hiến, sự xả thân, hy sinh mà những người lính hôm nay đang kế tục tinh thần, truyền thống cha anh. Viết về sự hy sinh trong thời điểm đất nước tròn nửa thế kỷ giải phóng, giang sơn liền một dải, hào khí năm xưa và dũng khí hôm nay, dẫu có những khác nhau về tính chất, hoàn cảnh nhưng ý nghĩa luôn cao cả, thiêng liêng.

Tôi lại lật giở cuốn nhật ký tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, cuốn sách đã lay động biết bao trái tim những người lính năm xưa và người trẻ hôm nay. Trong trang viết ghi ngày 15/4/1972, anh bày tỏ: "Những ngày mà mình nhớ rất nhiều đến các bạn cùng học với mình, cùng trường. Có người đi bộ đội đã hy sinh, có người còn ở tiền tuyến, có người ở nhà và có người đi học nước ngoài. Mỗi người một công việc quan trọng do đất nước phân công. Mình rất tin rằng, mỗi người bạn ấy sẽ có lúc nhớ lại những mái trường các bạn đã đi qua, sẽ nhớ những kỷ niệm chẳng bao giờ có thể phai nhòa và những ước muốn xôn xao khi cửa đời rộng mở. Có thể mượn ý Tố Hữu mà nói ở đây "Ta chính là hôm nay và các bạn chính là mãi mãi". Nhưng, làm sao có thể có tương lai đẹp đẽ khi không có những người hôm nay đang cầm súng, đang gian khổ đánh giặc".

Chẳng những anh không hề so bì hơn thiệt với bạn bè khi "người ra tiền tuyến, người đi học nước ngoài" mà khẳng định, ở vị trí nào cũng phải cống hiến và phấn đấu hết mình. Với anh, đi bộ đội không chỉ là đánh giặc mà còn là "một phần thưởng". Anh giải thích điều này: "Được sống những ngày oanh liệt và vẻ vang nhất của đất nước, khi mà dân tộc ta đang thắng lớn và bước nhanh đến ngày thắng lợi hoàn toàn".

Những dòng nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc viết trước mùa hè đỏ lửa 1972. Sau hơn 50 năm, con người, thời đại đã khác nhưng sự hy sinh trên mặt trận chống tội phạm hôm nay vẫn khốc liệt, vẫn khiến ranh giới sự sống và cái chết không thể lường. Nhưng, ở thời kỳ nào, ở bối cảnh nào thì những chàng trai tuổi hai mươi khi mang trên mũ ngôi sao năm cánh, khoác lên mình màu áo lực lượng vũ trang, họ vẫn tràn đầy bản lĩnh.

Bồn chồn trước những dòng nhật ký Nguyễn Văn Thạc, tôi lại nghĩ về mái trường cấp 3 Phù Cừ, về chàng trai trẻ Nguyễn Đăng Khải, cũng tháng Tư sắp vào hè, cũng mối tình với người yêu thương trao lời hẹn ước, dường như có sự đồng điệu, giao cảm tâm hồn dẫu cách tới hơn nửa thế kỷ: "Mỗi người một công việc quan trọng do đất nước phân công. Mình rất tin rằng, mỗi người bạn ấy sẽ có lúc nhớ lại những mái trường các bạn đã đi qua, sẽ nhớ những kỷ niệm chẳng bao giờ có thể phai nhòa và những ước muốn xôn xao khi cửa đời rộng mở"...

Đăng Trường

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/nhung-nen-nhang-thap-bang-thi-ca--i766277/
Zalo