Hội thảo 'Thành tựu 50 năm sân khấu Thủ đô'
Sáng ngày 25/4, Hội Sân khấu Hà Nội đã tổ chức hội thảo 'Thành tựu 50 năm sân khấu Thủ đô' với sự góp mặt của nhà nghiên cứu, lý luận, tác giả kịch bản sân khấu, các đạo diễn.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội khẳng định, chặng đường 50 năm sân khấu cách mạng trong đó có sân khấu Hà Nội đồng hành cùng lịch sử dân tộc. Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - trang sử hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, đổi mới và phát triển; đồng thời cũng mở ra cho sân khấu cách mạng Việt Nam một không khí mới, không gian mới, giai đoạn văn hóa, văn nghệ thống nhất, giao hòa, phát triển trong tính tổng thể, toàn vẹn, tiến bộ và cách mạng.
Có thể nói không có một sự kiện lớn nào của Hà Nội và đất nước, sân khấu Hà Nội lại không góp mặt. Không phải là đầu tiên nhưng sân khấu vẫn là một trong những loại hình đến sớm nhất và để lại những dấu ấn đậm nét. Kịch của Nguyễn Đình Thi như sự khơi mào cho quá trình này đã diễn ra từ hàng chục năm trước nhưng do nhiều điều kiện lịch sử, xã hội đến lúc này mới được khơi thông, ào ạt nhập thế với những Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Tất Đạt, Hoài Giao, Thanh Hương, Nguyễn Khắc Phục, Doãn Hoàng Giang, Xuân Đức, Chu Thơm, Võ Khắc Nghiêm…

Quang cảnh hội thảo
Họ không chỉ làm nhiệm vụ đổi mới sân khấu, đổi mới góc nhìn về cuộc sống, phương thức thể hiện mà còn góp phần thức tỉnh ý thức xã hội, tạo những tiền đề quan trọng cho công cuộc đổi mới tư duy, chấm dứt quán tính nhận thức cuộc sống đơn giản, xuôi chiều của một thời. Vấn đề hiện thực, con người được soi chiếu từ nhiều góc nhìn hơn, đa diện nên cũng sinh động hơn. Vấn đề thế sự, số phận cá nhân hòa nhập với vấn đề lịch sử, cảm hứng phân tích, suy ngẫm, phê phán về những vấn đề của đời sống cả lịch sử và đương đại đậm nét và gần với cuộc đời hơn.
Bước chuyển quan trọng này của sân khấu vừa như nhân tố tác động quá trình đổi mới diễn ra như nó phải có quyết liệt hơn đồng thời sự vận động của quá trình đổi mới cũng lại đem lại cho đời sống sân khấu nhiều chất liệu mới, thúc đẩy sân khấu phát triển.
Sự cộng hưởng của quá trình này diễn ra thật hiệu quả và chúng ta lại phải công nhận một thực tế khác: sân khấu không bao giờ có thể thoát ly khỏi những vấn đề của đời sống dân tộc nhưng cũng không bao giờ cho phép mình đi sau, ăn theo mà phải đồng hành với đời sống. Như với những tác giả vừa nói tới ở trên thì họ còn như những người đi trước, dự báo nhiều vấn đề của xã hội, con người.
Tuy vậy, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn cũng thừa nhận, 50 năm qua, sân khấu Hà Nội đã có một lịch sử không thiếu vinh quang, rất nhiều thành tựu nhưng cũng nhận thấy giới nghệ sĩ nói chung, sân khấu Hà Nội nói riêng vẫn còn cần phải giải quyết rất nhiều những vấn đề của chính mình trong quá trình phát triển.
"Dù xót xa, chúng ta cũng phải thừa nhân thời đại hoàng kim của cải lương đã qua, các loại hình truyền thống như chèo, dân ca, nhạc cổ truyền…đang mất dần công chúng. Xu hướng giải trí có xu hướng lấn dần nghệ thuật chuyên nghiệp không phải vì nghệ thuật chuyên nghiệp không giữ được tính chất chuyên nghiệp mà chủ yếu là do thị hiếu của đám đông đang nghiêng về sự giải trí đại chúng. Đây không phải là cái gì mới lạ, trái quy luật mà nó là hiện tượng mang tính phổ quát, toàn cầu", Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội nói.

Vở kịch nói "Bạch đàn liễu", tác giả Xuân Trình, đạo diễn - NSƯT Trần Lực
Các tham luận tại hội thảo đã cùng chung nhận định này của NSND Nguyễn Hoàng Tuấn và đề xuất các giải pháp để chấn hưng nghệ thuật sân khấu Hà Nội nói riêng và nghệ thuật sân khấu Việt Nam nói chung.
NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội nhận định, rõ ràng sân khấu đang gặp nhiều khó khăn tuy nhiên sân khấu kịch nói vẫn còn những cơ hội để hồi sinh nếu chúng ta biết nắm bắt cơ hội và đổi mới kịp thời. Tạo điều kiện, trao cơ hội cho thế hệ trẻ, khuyến khích các tác giả trẻ, đạo diễn trẻ thử sức, là cách để làm mới ngôn ngữ sân khấu, để nuôi dưỡng tình yêu nghề trong họ. Nội dung kịch bản gắn với đời sống đương đại. Những vấn đề nóng bỏng của xã hội cần được đưa vào kịch bản để tạo sự gần gũi và liên kết được với khán giả. Truyền thông và kết nối với cộng đồng.
Sân khấu cần chủ động hơn trong việc tiếp cận khán giả. Trong những năm gần đây, Nhà hát Kịch Hà Nội đã đưa kịch nói vào học đường, bằng những tác phẩm văn học, những nhân vật lịch sử trong giáo trình phổ thông để các em biết đến nghệ thuật sân khấu từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các em chính là lực lượng khán giả của sân khấu tương lai. Kết hợp với các phương tiện truyền thông, hợp tác với những cá nhân, doanh nghiệp để tổ chức biểu diễn ngoài nhà hát cũng là những cách làm khả thi.
Ứng dụng công nghệ và nền tảng số. Việc ghi hình các tình tiết hấp dẫn của vở diễn dựng trailer phát quảng cáo trên các nền tảng xã hội để đông đảo người xem biết thông tin vở diễn tổ chức bán vé online, là một hướng đi khá hiệu quả để tiếp cận khán giả ngày hôm nay.
Trong khi đó, tác giả Nguyễn Toàn Thắng lại đề cao việc phát triển đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn có thực lực, và phù hợp với đơn vị của mình. Với khán giả, điều đầu tiên họ quan tâm ở nghệ sĩ đó là sắc. Người ta đến rạp vì nữ diễn viên này đẹp quá, nam nghệ sĩ kia phong độ quá, nam tính quá.
Tuy nhiên, tác giả Nguyễn Toàn Thắng cũng thẳng thắn chỉ ra những yêu cầu về ngoại hình của diễn viên dù đúng nhưng lại không phù hợp với thực tế hiện nay, do nhiều ngành nghệ thuật truyền thống tuyển sinh còn khó chưa nói có nhiều để mà tìm tòi. Vậy thì chỉ còn cách duy nhất khiến nghệ sĩ biểu diễn đẹp lên, đó là về khí chất. Cũng giống như ngoài đời, có nhiều người không hẳn là đẹp nhưng họ toát lên vẻ duyên dáng, vẻ thâm trầm. Đó là do nội lực của họ, Nội lực này xuất phát từ nhiều yếu tố, và trong nghệ thuật biểu diễn, rõ nhất là từ khả năng nghề nghiệp.
"Và còn một điều nữa rất quan trọng trong việc phát triển lực lượng nghệ sĩ biểu diễn. Là nếu không tiếp tục có những kịch bản sân khấu mới cả về hình thức lẫn nội dung, thì lấy đâu ra đất để nghệ sĩ biểu diễn? Phải có những tác phẩm mới, hợp với lớp nghệ sĩ ngày hôm nay, để họ được trưng trổ tất cả những điểm khác biệt của mình. Vì rõ ràng, lớp nghệ sĩ ngày hôm nay sẽ có những kỹ năng khác với thế hệ của ngày hôm qua", tác giả Nguyễn Toàn Thắng phát biểu.
Tác giả Lê Quý Hiền cho rằng, bên cạnh đòi hỏi của công chúng ngày nay với sân khấu như một thử thách làm động lực sáng tạo, không thể không nói đến yếu tố khác là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như công tác quản lý của các cơ quan hữu quan, của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
"50 năm qua kể từ ngày đất nước thống nhất, sân khấu nước nhà đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng –Nhà nước. Đội ngũ sân khấu trong và ngoài công lập từ tác giả, đạo điễn, nghệ sĩ biểu diễn đã phát huy tốt truyền thống cách mạng, sáng tạo nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị, phản ánh rõ nét quá trình xây dựng và phát triển của đất nước, đặc biệt trong thời kỳ “đổi mới” và hội nhập quốc tế. 50 năm nhìn lại, chúng ta có quyền hy vọng sân khấu nước nhà sẽ bước tieps trên đôi chân nội lực để tự tin vươn mình trong kỷ nguyên mới", tác giả Lê Quý Hiền tin tưởng.