Nữ tiến sĩ Lịch sử Việt Nam người Hàn Quốc và hành trình 30/4 tại TP.HCM

Với nữ tiến sĩ người Hàn Quốc càng nghiên cứu, hiểu về lịch sử Việt Nam, bà càng trân trọng, yêu quý con người, đất nước hình chữ S - nơi bà coi là quê hương thứ 2.

Trong không gian kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn (TP.HCM), Tiến sĩ Ku Su Jeong, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ Hòa bình Hàn - Việt, giới thiệu cho đoàn khách Hàn Quốc về những trang sử oai hùng của dân tộc Việt Nam, về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Không đơn thuần là người dẫn đoàn, nữ tiến sĩ Hàn Quốc như một cầu nối, truyền tải ký ức chiến tranh bằng tất cả sự trân trọng và thấu hiểu thứ mà bà đã gìn giữ suốt hơn hai thập kỷ gắn bó với mảnh đất hình chữ S.

Coi Việt Nam là quê hương thứ 2

Lần đầu đến Việt Nam năm 1993, Tiến sĩ Ku Su Jeong khi đó là nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Những ngày sống tại đây là khởi đầu cho hành trình dài khám phá, thấu hiểu và gắn bó với đất nước này.

Tiến sĩ Ku Su Jeong, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ Hòa bình Hàn - Việt đang giới thiệu cho đoàn khách Hàn Quốc về những trang sử oai hùng của dân tộc Việt Nam.

Tiến sĩ Ku Su Jeong, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ Hòa bình Hàn - Việt đang giới thiệu cho đoàn khách Hàn Quốc về những trang sử oai hùng của dân tộc Việt Nam.

"Ban đầu tôi chỉ định ở lại một thời gian ngắn để nghiên cứu. Nhưng càng tìm hiểu, tôi càng say mê lịch sử Việt Nam. Từ học thạc sĩ, tôi tiếp tục học lên tiến sĩ và trở thành Tiến sĩ Lịch sử Việt Nam. Có lẽ vì vậy, Việt Nam đã trở thành một phần trong tâm hồn tôi", bà chia sẻ bằng tiếng Việt lưu loát.

Với Tiến sĩ Ku Su Jeong, ngày 30/4 không chỉ là một mốc son của dân tộc Việt Nam mà còn mang ý nghĩa đặc biệt trong sự nghiệp học thuật và hành trình thấu hiểu Việt Nam của bà.

Trải qua hơn 20 năm sống tại Việt Nam, Tiến sĩ Ku Su Jeong đã nhiều lần cảm nhận không khí của ngày thống nhất đất nước từ góc nhìn của một người ngoại quốc, cho đến khi thực sự trở thành một phần của cộng đồng yêu Việt Nam.

"Năm nay tròn 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, tôi càng xúc động hơn. Trong chuyến đi TP.HCM mới đây, tôi thấy mọi con phố đều rực rỡ cờ hoa, người dân háo hức tham dự các hoạt động văn nghệ, kỷ niệm. Không khí tự hào ấy lan tỏa khắp nơi", Tiến sĩ Ku Su Jeong bày tỏ.

Một trong những ký ức thiêng liêng nhất với Tiến sĩ Ku Su Jeong là lần được phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Đó là khoảnh khắc tôi sẽ không bao giờ quên. Đại tướng là biểu tượng cho tinh thần yêu nước, sự kiên cường và lòng nhân hậu của người Việt Nam. Câu chuyện với ông khiến tôi càng thêm yêu, càng muốn gắn bó sâu sắc hơn với đất nước này".

Tiến sĩ Ku Su Jeong.

Tiến sĩ Ku Su Jeong.

Tiến sĩ Ku Su Jeong nhấn mạnh, chính những đau thương, mất mát mà người dân Việt Nam phải gánh chịu trong chiến tranh đã khiến bà càng thêm kính trọng và cảm phục.

“Người Việt Nam đã phải trải qua rất nhiều gian khổ. Nhưng chính từ đó, họ đã xây dựng nên một đất nước đầy nghị lực, kiên cường. Người dân nơi đây có tấm lòng bao dung, nhân hậu, khiến tôi cảm thấy mình cần có trách nhiệm góp một phần nhỏ bé để nối nhịp cầu hòa bình giữa hai quốc gia”, TS nói và cho rằng sẽ cố gắng có mặt ở TP.HCM vào đúng ngày 30/4.

"Dù ở đâu, ngày này luôn in đậm trong trái tim tôi, một người Hàn Quốc yêu Việt Nam như quê hương thứ 2 của mình", Tiến sĩ Ku Su Jeong chia sẻ.

"Luôn canh cánh muốn đến Việt Nam vào đúng ngày 30/4"

"Người Việt Nam có tấm lòng bao dung. Tôi đến đây không để nói về quá khứ, mà để cùng nhau hướng đến tương lai", Giáo sư Lee Jae Bong, Khoa Chính trị - Đại học Wonkwang (Hàn Quốc) chia sẻ sau khi nghe thuyết minh của Tiến sĩ Ku Su Jeong tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn trong chuyến thăm Việt Nam dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Giáo sư Lee Jae Bong, Khoa Chính trị - Đại học Wonkwang (Hàn Quốc).

Giáo sư Lee Jae Bong, Khoa Chính trị - Đại học Wonkwang (Hàn Quốc).

Giáo sư Lee Jae Bong cho biết, ông đã ấp ủ mong muốn đến Việt Nam từ rất lâu. Tuy nhiên, phải đến năm nay, nhân dịp tròn 50 năm giải phóng Miền Nam, ông mới có cơ hội dẫn đoàn người Hàn Quốc đến thăm Việt Nam.

“Tôi luôn canh cánh trong lòng mong muốn đến Việt Nam đúng vào ngày 30/4, ngày đất nước các bạn thống nhất. Tuy nhiên, với số lượng du khách đổ về đông đảo, việc đi lại trong dịp đó có thể gây khó khăn cho đoàn. Hơn nữa, nhiều thành viên trong đoàn đều đã cao tuổi, có người ngoài 90 tuổi, nên chúng tôi quyết định chọn thời điểm này để tham quan và tìm hiểu”, Giáo sư Lee chia sẻ.

Điều khiến ông xúc động không phải là những di tích, tượng đài hay bảo tàng… và tình cảm ấm áp của người Việt Nam. Dù đặt chân đến địa điểm nào, theo ông người dân luôn có tấm lòng nhân hậu, mở rộng vòng tay chào đón những du khách quốc tế.

Đoàn du khách hàn quốc tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn.

Đoàn du khách hàn quốc tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn.

Tại Việt Nam, Giáo sư Lee và các thành viên trong đoàn đã tới thăm nhiều địa danh mang dấu ấn lịch sử, như các bảo tàng, di tích chiến tranh...

“Chúng tôi đến với tinh thần của những người yêu hòa bình, mong muốn hàn gắn và hóa giải những vết thương. Mỗi nén hương dâng lên là một lời cầu nguyện cho hòa bình, không chỉ cho Việt Nam, mà cho tất cả các dân tộc từng trải qua chiến tranh”, ông nói.

Đoàn du khách Hàn Quốc chụp hình tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn.

Đoàn du khách Hàn Quốc chụp hình tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn.

Điều để lại ấn tượng mạnh mẽ với Giáo sư Lee còn nằm ở sức sống của một Việt Nam hiện đại, một đất nước trẻ trung, năng động và đầy hy vọng.

“Ngay khi đặt chân tới đây, tôi đã cảm nhận được bầu không khí sôi động, đặc biệt là từ các bạn trẻ. Tôi thấy tương lai Việt Nam thật sự rất tươi sáng", ông chia sẻ.

Giáo sư Lee Jae Bong hy vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội đưa sinh viên và các đoàn khách Hàn Quốc tới Việt Nam không chỉ để tham quan, học hỏi mà còn để lan tỏa tinh thần đoàn kết và xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Hoàng Thọ

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nu-tien-si-lich-su-viet-nam-nguoi-han-quoc-va-hanh-trinh-30-4-tai-tp-hcm-ar939574.html
Zalo