Những mùa Xuân lịch sử gắn liền với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tư duy quân sự sắc sảo và tài thao lược trong hơn 30 năm trường chinh đã khẳng định tầm nhìn sáng suốt của Đảng, Bác Hồ khi tin tưởng giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp trọng trách Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam. Kể từ ngày nhận Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn để lại dấu ấn sâu đậm trong những chiến thắng của quân và dân ta. Nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025, chúng ta cùng điểm lại những mùa xuân lịch sử gắn liền với Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trên chặng đường đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Sau trận Nà Ngần (26/12/1944), Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân về vùng Thiện Thuật để chỉnh đốn đội ngũ, bổ sung trang bị và luyện tập trước khi bước vào nhiệm vụ mới ngay trong dịp Tết Nguyên đán Ất Dậu 1945. Đồng chí Võ Nguyên Giáp viết thư báo cáo Bác Hồ và Liên Tỉnh ủy về kết quả hoạt động trong những ngày qua, dự kiến công việc sắp tới. Chỉ ít ngày sau, đội xuất quân đúng vào những ngày giáp Tết Ất Dậu. Cán bộ, chiến sĩ ai cũng phấn khởi lên đường trong không khí mùa Xuân chiến đấu.
Theo kế hoạch đã thống nhất với Liên Tỉnh ủy, ngay từ trung tuần tháng 2/1945, toàn đội vừa hành quân về phía Nam, vừa triển khai một đợt vũ trang tuyên truyền trên nhiều hướng. Từ cuối tháng 2/1945, hoạt động của đội theo kế hoạch mùa Xuân chiến đấu bắt đầu mang nội dung mới: Tiến mạnh về phía Nam. Bài “Phất cờ Nam tiến” có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ. Tiếng hát vang lên sau trận phục kích do Đội trưởng Hoàng Sâm chỉ huy, tiêu diệt gọn đoàn xe vận tải của địch trên đường Nà Ngần - Đèo Gió. Tiếng hát lan đến khắp các châu huyện đang nô nức thành lập các đội vũ trang... Mùa Xuân chiến đấu năm 1945 đã mở đầu như vậy.
Ngay sau đêm 23/9/1945, thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, với tư cách là người phụ trách công tác quân sự của Đảng, đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái tổ chức gấp lực lượng chi viện cho miền Nam. Trung tuần tháng 1/1946, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử vào Nam thị sát chiến trường. Đêm 1/2/1946, trong thời khắc giao thừa của Xuân Bính Tuất, đồng chí Võ Nguyên Giáp quay trở ra Bắc để nhận chỉ thị của Bác Hồ. Sáng mùng 1 Tết, đồng chí ra tới Huế trong không khí mừng Xuân độc lập đầu tiên giữa cố đô. Về tới Hà Nội, đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo Bác Hồ về tình hình ở mặt trận Khánh Hòa - Nha Trang. Bác nhận xét: Chuyển hướng tác chiến tại mặt trận Nha Trang như vậy là đúng, phù hợp với tình hình đang diễn ra tại chiến trường.
Từ những kinh nghiệm đánh địch ngày đầu toàn quốc kháng chiến (1946), đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tham gia và trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn: Việt Bắc Thu - Đông (1947), Biên giới (1950), Hòa Bình (1951-1952)... Nổi bật hơn cả, trong Chiến dịch Đông - Xuân 1953-1954, với trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, tài mưu lược của đồng chí Võ Nguyên Giáp được khẳng định. Ngay trong chỉ thị ngày 28/9/1953 gửi Liên khu 5 về chủ trương quân sự sắp tới, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh, cần chuẩn bị để mùa Xuân năm 1954 tổ chức một đợt hoạt động mạnh ở Bắc Tây Nguyên nhằm mục đích phối hợp với chiến trường Bắc Bộ.
Nhân ngày đầu năm 1954, trong thư hiệu triệu các đảng viên tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bí thư Tổng Quân ủy Võ Nguyên Giáp viết: Mong rằng, toàn thể các đồng chí hãy hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang do Đảng giao cho, hoàn thành cho bằng được chỉ thị của Hồ Chủ tịch trong Đông Xuân năm nay là: Làm cho mùa Xuân năm nay là một mùa Xuân đại thắng lợi.
Bước vào cuộc đụng đầu lịch sử, Đại tướng thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”, được Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phê chuẩn. Sau 56 ngày đêm, Quân đội ta dưới sự chỉ đạo của Đảng, Bác Hồ, sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới ngoài 40 tuổi đã lập nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị là người đứng đầu Quân đội, cùng với Bộ Chính trị hoạch định những quyết sách chiến lược. Một lần nữa, dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thể hiện rõ nét trong Đại thắng mùa Xuân 1975. Khác với Đông - Xuân 1953 - 1954, trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chủ trì công tác của Quân ủy Trung ương, cùng với các cộng sự theo dõi và chỉ đạo từng bước đi của các binh đoàn, theo phương hướng chiến lược được tập thể Bộ Chính trị vạch ra trong từng thời điểm quan trọng có ý nghĩa quyết định.
Sau chiến thắng Tây Nguyên, trong 4 lần hội nghị lịch sử của Bộ Thống soái tối cao tháng 3/1975, Bí thư Quân ủy Trung ương - Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đưa ra những ý kiến xác đáng được tập thể Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhất trí cao. Phương châm “Thần tốc - táo bạo - bất ngờ - chắc thắng” trong các bức điện chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành động lực mạnh mẽ với từng cán bộ, chiến sĩ trong những ngày mùa Xuân 1975 lịch sử.
Vào thời điểm lịch sử thiêng liêng của dân tộc trưa ngày 30/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các thành viên khác ở Tổng hành dinh vô cùng phấn khởi, xúc động nghẹn ngào. Các chiến sĩ cơ yếu thường trực ngày đêm phục vụ Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trong suốt quá trình diễn biến cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 vinh dự được Đại tướng mời kẹo Hà Nội, thuốc lá Điện Biên, biểu dương anh chị em hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Hôm đó, dưới ánh sáng pháo hoa mừng chiến thắng, người dân Hà Nội tràn ra đường, chia vui với miền Nam. Không mấy ai biết rằng, trong dòng người ấy, có chiếc xe của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người đã vâng lệnh Bác Hồ cầm quân đi suốt cuộc trường chinh cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước cho tới ngày toàn thắng, thực hiện lời căn dặn của Bác: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.