Cậy trẻ khỏe, người đàn ông đột quỵ giữa trưa hè ở tuổi 37
Vừa bước ra khỏi phòng điều hòa nghe điện thoại, anh Nguyễn Quang Thắng thấy mình mờ mắt, đau đầu và cơn tai biến mạch máu não đã xảy ra giữa trưa hè.
Đột quỵ sau khi ra khỏi phòng điều hòa
Anh Nguyễn Quang Thắng (41 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) trải qua cơn tai biến mạch máu não cách đây 4 năm. Từ một người chỉ nằm một chỗ, anh đã tự tập luyện phục hồi.
Ngày 13/5/2021, trời nắng hầm hập, anh Thắng kết thúc ca làm việc buổi trưa nên về nhà ngủ. Đến chiều, anh có điện thoại nên mở cửa phòng đi ra sân nghe máy. Cuộc gọi vừa kết thúc, hai mắt anh tối sầm, đầu đau, anh ngã quỵ xuống đất.
“Lúc đó, tôi nghĩ mình bị sốc nhiệt hay trúng gió nên cố gắng bò vào nhà nằm nghỉ. Sau đó, tôi nhận thấy một nửa người không hoạt động, không có cảm giác”, anh Thắng nhớ lại.
Người thân vội vàng đưa nam bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cấp cứu. Tại Khoa Cấp cứu, anh Thắng mắt mờ không nhìn rõ, chỉ nghe tiếng các bác sĩ nói với bố mẹ anh "đột quỵ rồi, phải can thiệp gấp".
Sau khi tỉnh dậy, anh Thắng cảm thấy sốc nặng. Từ một người khỏe mạnh, giờ đây tay chân anh mất cảm giác, buông thõng.
Với người đàn ông 37 tuổi, khoảng thời gian nằm trên giường bệnh là những ngày tháng kinh khủng. Anh luôn tự hỏi vì sao bản thân lại bị như thế này khi còn quá trẻ. Khi đó, anh mới lên mạng tìm hiểu về căn bệnh đột quỵ.

Anh Thắng bình phục sau cơn đột quỵ ở tuổi 37. Ảnh: P.Thúy.
“Khi còn khỏe, tôi không bao giờ nghĩ tới căn bệnh này. Như bao người trẻ khác, tôi hút thuốc lá, uống rượu bia và thức rất khuya. Tôi tự cho mình lối sống đó vì cậy trẻ, khỏe. Cơ thể có dấu hiệu cảnh báo đau đầu, thi thoảng mất thị lực 1-2 phút suốt một năm nhưng tôi chủ quan. Đột quỵ xảy ra khi tôi đi từ phòng lạnh ra ngoài, chênh lệch nhiệt độ nên tắc mạch máu. Sau đó, tôi ân hận và nuối tiếc vô cùng thì đã không kịp”, anh Thắng nói.
Tự tập luyện và phục hồi
Khi ra viện, anh Thắng được bố mẹ đưa về nhà chăm sóc. Anh nằm một chỗ, mọi việc ăn, uống, vệ sinh đều phải nhờ các bậc sinh thành. Mẹ anh cẩn thận thay từng cái bỉm, bón từng thìa cháo, cốc nước cho con.
Những đêm dài, anh Thắng nằm bất động, lặng lẽ nhìn lên trần nhà, cảm thấy chán nản, bi quan về cuộc sống. Nửa người liệt đang dần rơi vào tình trạng teo cơ.
Nhìn bố mẹ già ngày đêm chăm sóc, anh Thắng tự trách mình rồi dặn bản thân phải cố gắng bình phục. 40 ngày chỉ ăn, nằm một chỗ, anh bắt đầu lên mạng tìm hiểu về thật nhiều về đột quỵ, những bài tập phục hồi lại và tự tập.
Vốn là trụ cột gia đình, khi cơn đột quỵ xảy ra, anh Thắng không đi làm nên chi phí phục hồi chức năng không có. Chân không cử động được, nửa người tê liệt, mất kiểm soát, mỗi bước đi đều nặng trĩu.
“Tôi luôn nghĩ phải tự cứu mình. Tôi xem các bài tập của nước ngoài phù hợp với người bệnh tắc mạch máu não. Mỗi ngày, tôi đều cố tập một chút và thật bất ngờ gần 1 tháng sau, tôi dần tự vịn tay bám đi được, tay chân liệt có cảm giác, tôi mừng phát khóc”, anh Thắng nhớ lại.
Nhận thấy rõ tác dụng của tập luyện, anh Thắng càng đam mê hơn. Anh mua một số dụng cụ tập nhỏ, mỗi ngày, chia thời gian tập phù hợp. Những di chứng của cơn đột quỵ bắt đầu lùi xa, anh Thắng dần trở lại với nhịp sống thường ngày. Những buổi tái khám cho thấy sức khỏe của anh đã cải thiện. Gần 4 năm, anh Thắng có thể đi bộ, đi xe bus.
“Thời gian tới, tôi sẽ tìm công việc phù hợp với sức khỏe của mình. Cơn đột quỵ đã lấy đi của tôi rất nhiều nhưng cũng nhờ biến cố này tôi biết trân quý sức khỏe hơn, thay đổi bản thân để tránh tái phát. Khi đã chạm đến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, người ta mới thực sự thấu hiểu giá trị của việc được sống”, người đàn ông này trải lòng.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh (TPHCM) cho rằng anh Thắng cũng giống như bao người trẻ khác, quan tâm tới nhiều thứ nhưng không bao giờ nghĩ tới dự phòng đột quỵ.
Tỷ lệ mắc đột quỵ ở người trẻ dưới 45 tuổi chiếm khoảng 10-15%; dưới 50 tuổi chiếm 15-20% trên tổng số các ca bệnh đột quỵ. Trên toàn cầu, 100.000 người dưới 50 tuổi thì có 15 người bị chảy máu não ít nhất 1 lần.
Nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ do tăng huyết áp là căn nguyên chiếm tới 80-85% số ca chảy máu não, còn 15-20% chảy máu não thứ phát do vỡ dị dạng mạch máu, u não, viêm mạch…
Đột quỵ đáng sợ nhưng lại hoàn toàn dự phòng được. Bác sĩ Cường khuyến cáo người trẻ phải theo dõi chỉ số huyết áp, đi khám sức khỏe định kỳ, tập luyện và hạn chế bia, rượu, thuốc lá.
Video anh Thắng kiên trì tập luyện mỗi ngày sau cơn đột quỵ.