Những giải pháp thay đổi cách làm luật từ 'quản lý' sang 'phục vụ'

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, thay đổi tư duy quyền lực, cải cách hành chính thiết thực, và có cơ chế giám sát, ràng buộc chính trị rõ ràng. Đó là cách duy nhất để tránh tình trạng 'hô hào rồi chững lại'.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng.

Bài viết mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm với tiêu đề “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình” không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược của người đứng đầu Đảng, mà còn là một lời hiệu triệu đầy sức nặng về cải cách thể chế - mạch nguồn sâu xa của mọi thành tựu phát triển bền vững. Để thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, VietTimes đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cần cải cách để thể chế- pháp luật thực sự trở thành đòn bẩy quyết định cho sự phát triển quốc gia.

Vẫn còn khoảng cách giữa “luật trên giấy” và “luật trong đời sống”

- Vì sao thể chế- pháp luật được xem là “đòn bẩy quyết định” cho sự phát triển quốc gia trong bối cảnh hiện nay, như Tổng Bí thư yêu cầu, thưa ông?

- Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và hội nhập sâu rộng, thể chế- mà hạt nhân là pháp luật - chính là “đòn bẩy quyết định”, bởi ba lý do cơ bản.

Thứ nhất, thể chế pháp luật là công cụ tổ chức và dẫn dắt sự phát triển. Mọi nguồn lực, từ con người, đất đai đến vốn liếng và khoa học công nghệ, chỉ phát huy được nếu được đặt trong một khuôn khổ thể chế rõ ràng, minh bạch và có khả năng tạo động lực. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Phải khơi thông điểm nghẽn, tháo gỡ rào cản thể chế để giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển.”

Thứ hai, pháp luật là nền tảng cho một nhà nước pháp quyền hiện đại. Trong thời đại kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nếu không có hệ thống pháp luật chuẩn mực và đồng bộ, không thể bảo vệ quyền sở hữu, đảm bảo quyền tự do kinh doanh hay kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả. Phát triển không thể song hành với sự tùy tiện, mà phải gắn liền với kỷ cương và công lý.

Thứ ba, cải cách thể chế là điều kiện để tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo. Trong khi dư địa của các chính sách tài khóa và tiền tệ đang dần thu hẹp, thì cải cách thể chế chính là “kênh chủ đạo” để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Một quy định pháp luật tốt có thể mở đường cho hàng chục ngành nghề mới, trong khi một thủ tục hành chính rườm rà có thể làm chùn bước cả dòng đầu tư chiến lược.

Chính vì vậy, việc Tổng Bí thư đặt thể chế- pháp luật vào vị trí trung tâm và xem đó là “đòn bẩy quyết định” không chỉ phản ánh tầm nhìn chiến lược, mà còn xác lập một định hướng cải cách căn cơ, có tính bản lề đối với tương lai phát triển của đất nước.

 “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình” không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược của người đứng đầu Đảng, mà còn là một lời hiệu triệu đầy sức nặng về cải cách thể chế- mạch nguồn sâu xa của mọi thành tựu phát triển bền vững.

“Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình” không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược của người đứng đầu Đảng, mà còn là một lời hiệu triệu đầy sức nặng về cải cách thể chế- mạch nguồn sâu xa của mọi thành tựu phát triển bền vững.

- Trong bài phát biểu của mình Tổng Bí thư Tô Lâm nói giữa “luật trên giấy” và “luật trong đời sống” ở Việt Nam vẫn còn một khoảng cách. Theo ông thì, khoảng cách ấy đang thể hiện rõ nhất ở những lĩnh vực nào?

- Khoảng cách giữa “luật trên giấy” và “luật trong đời sống”- tức giữa quy định pháp lý và thực tiễn thi hành- là một thực trạng đáng lo ngại, và ở Việt Nam hiện nay, khoảng cách ấy thể hiện rõ nhất ở ba lĩnh vực then chốt: quản lý đất đai, quản lý thị trường và phòng, chống tham nhũng.

Thứ nhất, quản lý đất đai là lĩnh vực điển hình của sự vênh nhau giữa luật định và thực thi. Luật quy định rõ nguyên tắc minh bạch, công khai trong thu hồi, đền bù và chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng trên thực tế, tình trạng áp giá đền bù thấp, thông tin không minh bạch, khiếu kiện kéo dài vẫn phổ biến. Điều này tạo ra không ít bức xúc trong dân và là nguồn cơn của nhiều vụ khiếu kiện đông người, phức tạp.

Thứ hai, quản lý thị trường, đầu tư và kinh doanh cũng là nơi thể hiện rõ sự “trượt dốc” từ chính sách đến thực thi. Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã được cải cách mạnh mẽ, nhưng nhiều địa phương vẫn duy trì thủ tục hành chính rườm rà, giấy phép con trá hình, hoặc xử lý tùy tiện. Hệ quả là một “nền kinh tế hai mặt” tồn tại song song: trên danh nghĩa là cải cách, nhưng thực tế vẫn là xin - cho.

Thứ ba, trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, pháp luật quy định rất rõ về minh bạch tài sản, kiểm soát xung đột lợi ích, trách nhiệm giải trình, nhưng việc thực hiện còn hình thức, thiếu chế tài đủ mạnh và thiếu công cụ kiểm tra độc lập. Điều này dẫn tới hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh”, thậm chí một số nơi, “luật là để né, để lách” chứ không phải để tuân thủ.

Nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ: thiết kế luật nhiều khi vẫn nặng về ý chí quản lý, chưa sát với thực tiễn thi hành; năng lực tổ chức thực thi còn hạn chế; và đặc biệt là chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đủ mạnh, nhất là ở cấp cơ sở, nơi pháp luật phải đi vào đời sống.

Muốn thu hẹp khoảng cách này, cần chuyển từ “quản lý bằng mệnh lệnh” sang “quản lý bằng pháp quyền”, như tinh thần mà Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh.

Chuyển đổi tư duy làm luật từ “quản lý” sang “phục vụ”

- Làm thế nào để chuyển đổi tư duy làm luật từ “quản lý” sang “phục vụ” như Tổng Bí thư yêu cầu, thưa ông?

- Chuyển đổi tư duy làm luật từ “quản lý” sang “phục vụ” là một đòi hỏi cấp thiết trong kỷ nguyên phát triển mới, khi Nhà nước không chỉ là người cầm cân nảy mực, mà còn phải là người kiến tạo và đồng hành cùng nhân dân, doanh nghiệp. Muốn đạt được sự chuyển đổi ấy, cần đồng bộ ba nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, phải đổi mới tư duy từ gốc- tức từ tư duy thể chế: Làm luật không thể chỉ nhằm “kiểm soát hành vi” mà phải nhằm “giải phóng nguồn lực”, “khơi dậy sáng tạo”. Như tinh thần của Nghị quyết 66-NQ/TW, pháp luật không chỉ để bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, mà còn phải “khuyến khích đổi mới sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển.” Nói cách khác, làm luật không phải để "giữ cho chặt", mà là "mở cho đúng".

Thứ hai, cần thay đổi cách tiếp cận trong quy trình xây dựng pháp luật: Từ cách viết quy định theo hướng “cho phép” sang “tạo điều kiện”; từ tư duy kiểm soát sang tư duy hỗ trợ. Luật pháp cần rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực thi, đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, thay vì biến họ thành đối tượng bị áp đặt.

Thứ ba, phải nâng cao năng lực đội ngũ làm luật và tăng cường tham vấn chính sách: Một đạo luật tốt phải là kết tinh của tri thức, thực tiễn và sự đối thoại. Cần tạo ra cơ chế tham vấn rộng rãi, có sự tham gia thực chất của các hiệp hội, chuyên gia, đối tượng chịu tác động. Làm luật không phải là công việc của riêng cơ quan quản lý, mà là quá trình kiến tạo đồng thuận xã hội.

Tư duy “phục vụ” trong làm luật là biểu hiện cao nhất của Nhà nước pháp quyền vì nó đặt con người làm trung tâm, đặt sự phát triển làm mục tiêu. Đó cũng chính là con đường để rút ngắn khoảng cách giữa pháp luật và cuộc sống, giữa kỳ vọng của dân và hành động của Nhà nước.

 Nhiều chuyên gia, học giả đã bình luận, phân tích những nhận định, đánh giá của Tổng Bí thư về điểm nghẽn thể chế và đề xuất khá nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả cải cách thể chế trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia, học giả đã bình luận, phân tích những nhận định, đánh giá của Tổng Bí thư về điểm nghẽn thể chế và đề xuất khá nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả cải cách thể chế trong thời gian tới.

- Thưa ông, cải cách thể chế có thể bắt đầu từ đâu để tránh tình trạng “hô hào rồi chững lại”?

- Muốn cải cách thể chế không rơi vào vòng luẩn quẩn “hô hào rồi chững lại”, thì điểm khởi đầu không thể là ở khẩu hiệu, mà phải là ở hành động thể chế cụ thể, có trọng tâm và khả thi. Theo tôi, cải cách thể chế nên bắt đầu từ ba điểm tựa có tính đột phá và dẫn đường sau:

Thứ nhất, bắt đầu từ việc thay đổi tư duy quyền lực: Thể chế là cách tổ chức và vận hành quyền lực. Nếu quyền lực không được phân định rõ ràng, không được kiểm soát hiệu quả, thì mọi cải cách sẽ bị kéo lùi bởi lợi ích cục bộ và tâm lý trì trệ. Cần phân biệt rạch ròi giữa quyền lực chính trị và quyền lực hành chính; giữa quyền quyết định và quyền giám sát; giữa quyền hạn và trách nhiệm giải trình.

Thứ hai, khởi đầu bằng các cải cách thể chế thiết thực, gần dân và dễ kiểm chứng: Ví dụ như cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ các “giấy phép con”, rút gọn các điều kiện kinh doanh vô lý, những thứ đang là rào cản lớn nhất đối với người dân và doanh nghiệp. Những cải cách nhỏ, đúng chỗ, được đo lường bằng kết quả cụ thể sẽ tạo niềm tin và động lực lan tỏa cải cách.

Thứ ba, đặt cải cách thể chế trong một lộ trình có giám sát và cam kết chính trị rõ ràng:

Muốn tránh chững lại, cần có cơ chế “ràng buộc trách nhiệm” của các chủ thể cải cách, từ trung ương đến địa phương. Cần công khai các mục tiêu thể chế hàng năm, có cơ quan đánh giá độc lập, có cơ chế khen thưởng - xử lý gắn với kết quả thực thi. Cải cách là hành trình bền bỉ, không thể dựa vào tinh thần nhất thời mà phải được bảo đảm bằng thiết kế thể chế kiên định.

Cuối cùng, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh trong nhiều chỉ đạo gần đây: “Cải cách thể chế là đột phá của đột phá, nhưng phải bắt đầu từ những việc cụ thể, chứ không thể dừng lại ở khẩu hiệu". Tư duy này chính là kim chỉ nam để cải cách thực sự đi vào đời sống.

Ai cản trở cải cách thể chế, tháo gỡ thế nào?

- Theo TS thì, những nhóm lợi ích và quán tính trong bộ máy đang cản trở cải cách thể chế ra sao? Có cách nào hóa giải?

- Cải cách thể chế luôn đụng chạm đến lợi ích, mà nơi nào có quyền lực, nơi đó có lợi ích. Những nhóm lợi ích cài cắm trong bộ máy và quán tính hành chính lâu đời là hai lực cản lớn nhất khiến nhiều chủ trương cải cách không đi đến cùng.

Một là, nhóm lợi ích thường tìm cách “neo giữ hiện trạng”: Họ được hưởng lợi từ sự phức tạp, rối rắm của thể chế: càng nhiều thủ tục, càng nhiều khe hở, thì càng dễ “đặt điều kiện”, “đặt giá”. Đó là lý do vì sao dù chủ trương là cắt giảm giấy phép con, nhưng sau mỗi lần rà soát, “giấy phép con mới” lại mọc lên với tên gọi khác. Họ không cản trở công khai, mà vận động hành lang, lồng ghép lợi ích vào quy định pháp luật, làm luật theo hướng có lợi cho nhóm mình.

Hai là, quán tính trong bộ máy sinh ra tâm lý sợ thay đổi: Không ít cán bộ ngại cải cách vì sợ trách nhiệm, sợ va chạm, hoặc đơn giản là không muốn thoát ra khỏi “vùng an toàn”. Cơ chế “an toàn là trên hết” khiến sáng kiến bị triệt tiêu, đổi mới bị làm cho “êm đềm hóa”, tức là… có cũng như không.

Muốn hóa giải, phải dùng đúng "thuốc trị". Có ba nhóm giải pháp:

Thứ nhất, minh bạch hóa quá trình xây dựng và thực thi pháp luật: Khi ánh sáng công khai soi vào các quy định, những “lợi ích ngầm” khó lòng ẩn nấp. Cần thúc đẩy tham vấn chính sách rộng rãi, công bố báo cáo đánh giá tác động pháp luật (RIA), tăng cường vai trò của báo chí và giám sát xã hội.

Thứ hai, trao quyền và khuyến khích cho những người dám đổi mới trong bộ máy: Cải cách phải có “người dẫn đường”, và những người ấy cần được bảo vệ, được truyền cảm hứng, và được trao cơ chế thử nghiệm linh hoạt như mô hình sandbox thể chế.

Thứ ba, thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực thực chất: Phải có công cụ độc lập để phát hiện xung đột lợi ích, kiểm tra tài sản, đánh giá đạo đức công vụ- nếu không, mọi cải cách đều sẽ bị “bẻ cong” trong quá trình thực thi.

Tóm lại, cải cách thể chế không thể tránh khỏi va chạm lợi ích. Nhưng nếu chúng ta dũng cảm mở rộng dân chủ, khơi dậy tinh thần phụng sự trong công vụ và xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả, thì hoàn toàn có thể từng bước vượt qua những lực cản này.

 Cần tháo gỡ những rào cản về thể chế - pháp luật để các doanh nghiệp phát triển.

Cần tháo gỡ những rào cản về thể chế - pháp luật để các doanh nghiệp phát triển.

“Làm luật để quản” cần được thay bằng “làm luật để bảo vệ”

- Bài học từ các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore cho thấy điều gì về vai trò của pháp luật trong tạo dựng niềm tin và thúc đẩy tăng trưởng, thưa ông?

- Bài học xuyên suốt từ các quốc gia thành công như Hàn Quốc và Singapore cho thấy: pháp luật không chỉ là công cụ điều chỉnh, mà là nền tảng kiến tạo niềm tin, ổn định xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Ở Singapore, nhà nước pháp quyền được xây dựng như một “hợp đồng niềm tin” giữa người dân và chính phủ. Nhờ hệ thống pháp luật minh bạch, nhất quán, xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng và đặc biệt là bảo vệ mạnh mẽ quyền sở hữu tài sản, Singapore đã tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn hàng đầu khu vực. Khi pháp luật bảo vệ công bằng và kỷ cương, thì lòng tin xã hội trở thành động lực phát triển mạnh mẽ.

Hàn Quốc cũng là một ví dụ điển hình cho việc dùng pháp luật để kiến tạo. Trong quá trình công nghiệp hóa thần tốc từ thập niên 1960 đến nay, Hàn Quốc không chỉ đầu tư vào hạ tầng và công nghệ, mà còn cải cách mạnh mẽ thể chế pháp lý để bảo vệ cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những đạo luật như Luật chống độc quyền, Luật thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, hay hệ thống tòa án chuyên trách kinh tế… đã giúp nước này duy trì tốc độ tăng trưởng cao và kiểm soát rủi ro thị trường.

Điểm chung của các quốc gia này là: họ không để pháp luật tụt hậu sau thực tiễn, mà luôn coi việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật là một công cụ chiến lược để điều chỉnh chính sách kinh tế, khơi thông thị trường và tạo dựng niềm tin dài hạn.

Bài học rút ra cho Việt Nam là: muốn tăng trưởng bền vững, không thể chỉ trông vào vốn hay lao động giá rẻ, mà phải đặt pháp luật làm trụ cột của môi trường phát triển. Khi người dân và doanh nghiệp tin rằng luật pháp là công bằng, minh bạch và được thực thi nghiêm túc, thì họ sẵn sàng đầu tư, sáng tạo và gắn bó lâu dài với nền kinh tế.

- Phải làm gì để người dân không còn thấy pháp luật là rào cản mà là công cụ bảo vệ quyền lợi của mình?

- Muốn người dân không còn xem pháp luật như một rào cản mà là “lá chắn quyền lợi” của chính họ, thì trước hết pháp luật phải đến được với người dân một cách rõ ràng, dễ hiểu, và có khả năng bảo vệ họ trong thực tế. Theo tôi, cần thực hiện đồng bộ ba nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, pháp luật phải được thiết kế thân thiện với người dân: Luật pháp không nên là “ngôn ngữ của công chức”, mà phải là “ngôn ngữ của cuộc sống”. Mỗi điều luật phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, tránh tình trạng “luật khung, luật ống” khiến người dân không thể biết mình đang được gì, phải làm gì. Tư duy “làm luật để quản” cần được thay bằng tư duy “làm luật để bảo vệ”.

Thứ hai, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật một cách hiệu quả và có chiều sâu: Không thể trông đợi người dân tôn trọng pháp luật nếu họ không hiểu luật. Cần đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền pháp luật: không hình thức, không chỉ đọc luật, mà phải đưa ra tình huống thực tế, ứng dụng số hóa, và tổ chức đối thoại pháp luật ở cơ sở. Nhà nước pháp quyền phải bắt đầu từ người dân biết quyền của mình.

Thứ ba, quan trọng nhất: pháp luật phải được thực thi công bằng, nghiêm minh và kịp thời:

Người dân chỉ tin vào pháp luật khi thấy kẻ mạnh cũng bị xử lý như người yếu, cán bộ vi phạm cũng không được “né luật”, và quyền lợi chính đáng của họ được bảo vệ khi bị xâm hại. Pháp luật chỉ thực sự có uy tín khi nó đứng về lẽ phải, chứ không đứng về phía quyền lực hay tiền bạc.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh rằng: “Pháp luật phải hướng tới phục vụ nhân dân, bảo đảm công lý và quyền con người.” Đó không chỉ là yêu cầu về nội dung của luật, mà là một cam kết về cách hành xử của bộ máy nhà nước đối với người dân trong từng tình huống cụ thể.

- Xin cám ơn ông!

Lê Thọ Bình

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nhung-giai-phap-thay-doi-cach-lam-luat-tu-quan-ly-sang-phuc-vu-post185250.html
Zalo