Những giá trị văn hóa từ Lễ hội đền Tranh mà nhiều người chưa biết
Lễ hội đền Tranh là hoạt động nổi bật nhất trong một năm về việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đó là phần nghi lễ để kính lễ đối với Quan lớn Tuần Tranh, thể hiện ước nguyện của người dân bao đời nay về cuộc sống no đủ, hạnh phúc và công việc hanh thông.
Nhiều đời nay, câu chuyện về sự linh ứng của đền Tranh (xã Đồng Tâm cũ, nay là thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) luôn được người dân cùng du khách thập phương nhắc đến truyền tai nhau. Tuy nhiên, ít ai biết được những giá trị mà Lễ hội đền Tranh mang lại trong đời sống tín ngưỡng, văn hóa, tinh thần của nhân dân địa phương cùng du khách gần xa.


Du khách nườm nượp đến du xuân tại đền Tranh (khu dân cư Tranh xuyên, thị trấn Ninh Giang). Ảnh: Đ.Tùy.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Vạn - Phó chủ tịch UBND huyện Ninh Giang, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: "Lễ hội năm nay chúng tôi dự đoán lượng du khách về đền Tranh sẽ đông hơn mọi năm. Bởi năm nay là năm Ất Tỵ mà sự tích Quan lớn Tuần Tranh liên quan đến thờ thần rắn.
Vì vậy, ngay đầu năm mới, lượng khách đổ về đền rất đông, trong khi đó BTC sẽ tổ chức khai hội đúng vào ngày Chủ nhật (9/3/2025, tức mồng 10 tháng Hai năm Ất Tỵ) nên du khách sẽ tăng đột biến so với lễ hội mọi năm...".

Đoàn rước Quan lớn Tuần Tranh tại Lễ hội đền Tranh năm 2024. Ảnh: Đ.Tùy.
Lễ hội đền Tranh là điểm du lịch đã được UBND tỉnh Hải Dương công nhân năm 2023. Trải qua các năm, lễ hội lại được bồi đắp thêm giá trị văn hóa. Đây cũng là năm thứ 3, Lễ hội đền Tranh được UBND huyện đứng ra tổ chức, với quy mô lớn hơn… Từ đó, vị thế di tích đền Tranh được nâng cao và để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách thập phương, người dân.


Nghi lễ lấy nước thiêng tại ngã ba sông Tranh. Ảnh: Đ.Tùy.
"Về văn hóa, Lễ hội đền Tranh là hoạt động nổi bật nhất trong một năm về việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đó là phần nghi lễ để kính lễ đối với Quan lớn Tuần Tranh, thể hiện ước nguyện của người dân bao đời nay về cuộc sống no đủ, hạnh phúc và công việc hanh thông.
Từ sự kính lễ ngưỡng mộ ấy, các hoạt động của phần hội được diễn ra trong lễ hội góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở. Bên cạnh đó, cũng nhiều du khách cho rằng, đến với đền thờ Quan lớn Tuần Tranh là sự may mắn của bản thân, đặc biệt đến vào dịp lễ hội mùa xuân.", ông Vạn giải thích.

Nhiều du khách sau khi tham quan, chiêm bái đền Tranh xong, mọi người ra xin chữ đầu năm mang về. Ảnh: Đ.Tùy.
Theo đại diện BTC lễ hội, cùng với những giá trị văn văn hóa, Lễ hội đền Tranh còn mang lại giá trị kinh tế lớn. Bởi khi tổ chức lễ hội, các dịch vụ như: ăn, nghỉ, giới thiệu quảng bá sản phẩm quê hương Ninh Giang sẽ được BTC tích hợp vào trong chương trình.
Trong 3 năm nay, Lễ hội đền Tranh có thêm trưng bày sản phẩm Ocop của các địa phương trong huyện (đề án mỗi xã một sản phẩm của Chính phủ). Năm nay, BTC lễ hội có thể sẽ mời một một số huyện bạn lân cận trong việc giao thương sản phẩm hàng hóa của các địa phương, vùng miền

Sự linh ứng và linh thiêng của đền Tranh bao đời nay luôn được nhân dân cùng du khách truyền tai nhau. Ảnh: Đ.Tùy.
Trải qua nhiều năm, Lễ hội đền Tranh càng thu hút đông du khách hơn và quy mô tổ chức chặt chẽ và phần Hội được quan tâm hơn. Cho nên người dân và du khách về dự lễ hội cần thực hiện tốt về quy tắc ứng xử văn hóa nơi công cộng. Chọn trang phục phù hợp với lễ hội và truyền thống văn hóa dân tộc; nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường; ăn nói văn minh cũng như ủng hộ, tham gia tích cực những nội dung về phần hội do BTC đưa ra.
Theo chính quyền địa phương, huyện Ninh Giang duy nhất chỉ có 1 di tích lịch sử văn hóa Quốc gia thờ Quan lớn Tuần Tranh - đó là đền Tranh (xã Đồng Tâm cũ- nay là thị trấn Ninh Giang). Tuy nhiên, trên địa bàn huyện cũng có 2 ngôi Đền ở bờ sông (khu 2, thị trấn Ninh Giang) về gốc tích không thờ Quan lớn Tuần Tranh và đây là đền do tư nhân dựng lên khiến nhiều người, du khách nhầm tưởng...

Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Tranh (Khu dân cư Tranh Xuyên, thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang). Ảnh: Đ.Tùy.
"Khi du khách về dự Lễ hội đền Tranh cần nhớ về đúng địa chỉ của đền Tranh - Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia ở khu dân cư Tranh Xuyên (thị trấn Ninh Giang)hiện nay. Tôi mong rằng, mỗi du khách sẽ là sợi dây kết nối, quảng bá, giới thiệu về di tích này, về đúng địa chỉ của đền Tranh tránh bị nhầm lẫn…', Trưởng ban tổ chức lễ hội nói.
Đền Tranh còn gọi là đền Quan lớn Tuần Tranh (có địa chỉ tại thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm cũ - nay thuộc thị trấn Ninh Giang). Đền Tranh thờ vị Thủy thần Quan lớn Tuần Tranh (con trai thứ 5 của Vua Cha Bát Hải Động Đình) và được sắc phong Công hầu.
Đền Tranh được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 2009. Năm 2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định Lễ hội truyền thống Lễ hội đền Tranh được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đến năm 2023, UBND tỉnh Hải Dương công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Tranh là điểm du lịch.
Lễ hội đền Tranh năm nay diễn ra trong 3 ngày (7/3 đến 9/3/2025 và ngày 13/3/2025), với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn cùng nghi lễ rước nước thiêng ở ngã ba sông Chanh. Ngoài lễ hội truyền thống vào tháng 2 âm lịch, ngôi đền này còn có lễ hội ngày 25/5 âm lịch (ngày Tiệc quan).