Những điều kỳ diệu giữa đời thường
Ở huyện vùng khó Đam Rông, vợ chồng bà Hà Thị Hương và ông Nguyễn Sang ở xã Rô Men luôn thầm lặng làm điều phi thường, họ không chỉ vượt lên từ hai bàn tay trắng mà còn lan tỏa nghĩa tình bằng những 'Chuyến xe 0 đồng', mang hy vọng đến với hàng trăm người bệnh nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Vợ chồng bà Hương - ông Sang bên chiếc xe phục vụ bệnh nhân miễn phí
• TỪ CHAI BAO VÀ LÀM PHỤ HỒ…
Năm 1993, vợ chồng bà Hà Thị Hương - ông Nguyễn Sang rời huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, lên TP Đà Lạt (Lâm Đồng) lập nghiệp. Đó là thời kỳ cả hai vợ chồng còn khá trẻ, mang theo khát vọng đổi đời giữa thành phố ngàn hoa. Cuộc sống ở vùng đất mới chẳng hề dễ dàng. Bà Hương ngày ngày đi lượm chai bao, mua bán trái cây dạo để kiếm lời từng đồng; ông Sang làm nghề phụ hồ, chạy xe ôm, công việc nặng nhọc nhưng thu nhập bấp bênh. Gánh mưu sinh đè nặng, nhưng họ chưa bao giờ thôi hy vọng. Chính trong những ngày cơ cực ấy, ý chí và tình nghĩa vợ chồng càng đằm thắm, sắt son...
Bà Hà Thị Hương chia sẻ: “Sau hơn 10 năm chắt chiu, năm 2004, vợ chồng tôi mua được 2,7 ha đất ở xã Rô Men, huyện Đam Rông, thuộc huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lâm Đồng, để khởi đầu cho một hành trình mới”. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, gia đình bà Hương chọn canh tác cà phê kết hợp phát triển diện tích sầu riêng. Năm 2012, với ước vọng vươn xa hơn, được Nhà nước hỗ trợ vốn, gia đình đã mạnh dạn vay ngân hàng 2,8 tỷ đồng để đối ứng xây dựng lò sấy cà phê, sắm máy cày, máy kéo, xây dựng trang trại và phát triển chăn nuôi gia súc. Nhưng do thiếu kinh nghiệm khiến mô hình kém hiệu quả, gia đình buộc phải bán tài sản để trang trải nợ nần. Chính những lần vấp ngã ấy đã giúp vợ chồng bà Hương hun đúc thêm bản lĩnh. Đồng thời chuyển sang lĩnh vực thu mua nông sản và kinh doanh vật tư phân bón, tiếp tục vay vốn mở rộng diện tích đất sản xuất, giúp các con từng bước ổn định cuộc sống. “Từ cơ sở thu mua nông sản, kinh doanh vật tư, phân bón của người con trai tại xã Rô Men đến vựa trái cây nhỏ tại TP Đà Lạt và vựa trái cây lớn ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang) do các con gái điều hành, và rồi đứa con trai út là Nguyễn Thanh Bình - trở thành Giám đốc Công ty Xây dựng Bắc Nam (TP Hồ Chí Minh) là những người luôn đồng hành cùng vợ chồng tôi làm thiện nguyện”, bà Hà Thị Hương phấn khởi.
• ĐẾN “CHUYẾN XE 0 ĐỒNG”…
Những tưởng sau bao gian khó, vợ chồng bà Hương - ông Sang sẽ an hưởng tuổi già. Nhưng một biến cố lớn đã xảy ra với vợ chồng bà Hương - ông Sang, năm 2020, khi đi kiểm tra sức khỏe phát hiện ông Sang bị ung thư đại trực tràng giai đoạn 4, bác sĩ chỉ định phải mổ cắt, nếu không tiên lượng chỉ sống được 2 năm. Ông Sang bày tỏ: “Sau những tháng ngày điều trị ở TP Hồ Chí Minh và nỗi khó khăn những lần đi tái khám khi bị nhiễm COVID-19, vợ chồng tôi càng thấu hiểu hơn nỗi khổ của những người nghèo khi không thể tiếp cận dịch vụ y tế. Và rồi, sau khi lành bệnh, vợ chồng tôi đã bàn và vận động các con hỗ trợ mua một chiếc xe cứu thương đã qua sử dụng để làm từ thiện - Chuyến xe 0 đồng”. “Chuyến xe 0 đồng” ấy, ban đầu chỉ phục vụ đưa đón bệnh nhân nghèo từ các xã đến Trung tâm Y tế huyện, hay từ huyện chuyển lên tuyến tỉnh. Dần dà, chuyến xe còn đưa đón cả người gặp tai nạn giao thông, người đã mất về quê an táng. Tất cả đều miễn phí và phục vụ không kể sớm khuya.
Qua sổ nhật ký ghi chép lịch trình của “Chuyến xe 0 đồng”, sau 4 năm hoạt động, đến nay, xe đã đưa đón hơn 200 ca bệnh từ các xã đến Trung tâm Y tế huyện và từ Trung tâm Y tế huyện chuyển lên tuyến trên, rồi xuống cả TP Hồ Chí Minh cũng như đưa người mất về quê an táng tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Ninh Thuận… Với người dân huyện Đam Rông, chiếc xe cứu thương ấy là “phao cứu sinh”, là ánh sáng trong đêm tối bệnh tật “Một nghĩa cử, ngàn tấm lòng”.
Vợ chồng bà Hương - ông Sang bày tỏ: "Cho đi không phải là mất, mà là được thêm rất nhiều tình người. Do chiếc xe đã sử dụng nhiều năm, lo không đáp ứng tốt mỗi khi di chuyển trên cung đường xa, trong lúc đêm hôm, nên đầu năm 2025, vợ chồng tôi lại tiếp tục vận động các con góp sức mua chiếc xe cứu thương mới, đầy đủ thiết bị y tế cần thiết để đưa người bệnh đi cấp cứu, với trị giá 1,1 tỷ đồng”.
Giờ đây, vợ chồng bà Hương - ông Sang tuy đã ngoài tuổi 60, nhưng vẫn cùng nhau đưa đón người bệnh. Ngoài ra, vợ chồng bà còn có sự trợ giúp của nhóm tài xế thiện nguyện tại địa phương trong việc đưa đón người bệnh. Hành trình từ chai bao, phụ hồ; từ gánh hàng rong, chạy xe ôm; từ cơ sở sản xuất, kinh doanh... đến “Chuyến xe 0 đồng”; tất cả như một thước phim quay chậm đầy xúc động về nghị lực, lòng nhân ái và niềm tin không bao giờ tắt. Họ sinh ra đã không phải là người giàu có, nhưng họ đã chọn trở thành người tử tế. Và chính sự tử tế ấy, không ồn ào, không phô trương, nhưng đã làm nên những điều kỳ diệu giữa đời thường.
Bác sĩ K’Phương Thảo - Phó Trưởng Khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế huyện Đam Rông, cho biết: “Chuyến xe 0 đồng của gia đình cô Hương đã cứu mạng rất nhiều trường hợp và giúp Trung tâm Y tế huyện chuyển bệnh nhân lên tuyến trên một cách kịp thời. Tấm lòng nhân hậu, cuộc đời đầy nghị lực và tinh thần sẻ chia của gia đình cô Hương là minh chứng cho câu nói: “Cho đi là còn mãi”, tạo sức lan tỏa sự yêu thương, mang lại sự sống, niềm tin và hy vọng cho biết bao bệnh nhân nghèo, người kém may mắn trên địa bàn huyện”.