Bổ sung vai trò phát động, thực hiện các phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Sáng 14/5, tiếp tục thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần bổ sung vai trò phát động và thực hiện các phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phát huy vai trò trực tiếp của nhân dân trong giám sát, phản biện

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long), việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội tiến hành một cách thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; được tổ chức quán triệt, triển khai trong cả hệ thống chính trị và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.

Đại biểu cho biết, hiện nay, các địa phương trên cả nước đang tích cực tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đặc biệt tăng cường vận động nhân dân góp ý qua hệ thống VNeID.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển

Việc ứng dụng công nghệ số và lấy ý kiến nhân dân không chỉ là bước tiến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính mà còn thể hiện quyết tâm xây dựng một Chính phủ điện tử phục vụ nhân dân hiệu quả, thiết thực với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Cử tri Vĩnh Long rất ủng hộ và tích cực tham gia bằng hình thức này, chỉ trong 3 ngày đã có trên 2.500 lượt ý kiến tham dự.

Về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013 dự kiến sửa đổi 8/120 điều, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh thống nhất với nội dung dự thảo, trong đó việc sửa đổi, bổ sung quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội là phù hợp với yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, phương thức hoạt động và trách nhiệm chính trị trong giai đoạn phát triển mới; phát huy vai trò trực tiếp của nhân dân trong hoạt động giám sát, phản biện liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.

ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) thống nhất hoàn toàn việc sửa đổi khoản 2 Điều 9 khi quy định Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Đồng thời, tán thành việc sửa đổi quyền đề nghị lập pháp của các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương tại khoản 1 Điều 84; cho rằng, sáng kiến lập pháp này tập trung ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chứ không còn ở các chủ thể là các tổ chức chính trị - xã hội.

Tranh luận với đại biểu Lê Xuân Thân, ĐBQH Vũ Trọng Kim (Nam Định) đồng ý các nội dung dự thảo Nghị quyết về quy định 5 tổ chức chính trị -xã hội được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng, nội dung này đã đầy đủ, không cần thiết phải nói là “trực thuộc”. Vì trong khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy thì cơ quan chuyên trách của 5 tổ chức này trực thuộc trong cơ quan thường trực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hoàn toàn đúng, còn về mặt tổ chức thì độc lập theo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quy định.

Đại biểu Vũ Trọng Kim nêu 4 yếu tố để đề nghị Mặt trận giữ nguyên tôn chỉ mục đích mà Hiến pháp đã nêu tại khoản 1, đó là: liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động - 4 yếu tố này đặt nền móng cho tổ chức Mặt trận.

Đại biểu Vũ Trọng Kim nhấn mạnh, đây là sự sáng suốt, tài tình của Đảng và Hồ Chủ tịch khi lập ra Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là hình mẫu trong một thế giới văn minh, là tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, các tầng lớp trong xã hội. Do đó, đề nghị bổ sung 5 tổ chức này là thành viên nòng cốt của Mặt trận, còn các tổ chức khác sẽ đứng xung quanh Mặt trận.

Vai trò phát động và thực hiện các phong trào thi đua rất cần thiết

Tại nội dung 2 của Mục 1, Điều 9, ngoài việc giữ nguyên nội dung tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã bổ sung thêm 2 nội dung rất quan trọng, đó là thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân và phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân.

ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Tán thành với nội dung trên, song ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) đề nghị bổ sung thêm nội dung đoàn kết, tập hợp các lực lượng, các giai cấp, tầng lớp thực hiện các phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bởi, trong các vai trò đã được đề cập đến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở điều này là khá đầy đủ như: phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tạo đồng thuận, phát huy quyền làm chủ, giám sát, phản biện, xây dựng Đảng, Nhà nước… thì còn có vai trò, nhiệm vụ rất quan trọng nữa là phát động thực hiện các phong trào thi đua. Đây vốn là một phương thức hữu hiệu quan trọng của việc đoàn kết, tập hợp.

Đồng thời, việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 theo hướng 5 tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì vai trò phát động và thực hiện các phong trào thi đua lại càng quan trọng và cần thiết. “Vốn dĩ các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác đoàn kết, tập hợp lực lượng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thông qua phương thức phát động và thực hiện các phong trào thi đua", đại biểu Trần Quang Minh nhấn mạnh.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham dự phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham dự phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Quang Minh cũng đồng tình với Điều 110 về việc bỏ nội dung “phải lấy ý kiến Nhân dân “ khi thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.

Theo đại biểu, đa số Nhân dân cho rằng, đây là việc làm hình thức, tốn kém kinh phí và thời gian, tạo tâm lý không thoải mái cho cử tri và Nhân dân khi thực hiện quyền làm chủ… “Nội dung này do Quốc hội quy định tiêu chí đối với thành lập, giải thể, nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính là phù hợp. Dân chủ chúng ta và Nhân dân cần là dân chủ thực chất, Nhân dân thấy được rằng quyền làm chủ của mình thực sự được phát huy, chính kiến được ghi nhận từ đó sẽ tích cực tham gia xây dựng đất nước", đại biểu Trần Quang Minh nêu rõ.

T. Trung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bo-sung-vai-tro-phat-dong-thuc-hien-cac-phong-trao-thi-dua-cua-mat-tran-to-quoc-viet-nam-10372374.html
Zalo