Đại biểu kiến nghị bỏ quy định HĐND bầu chức danh chủ tịch UBND

Đại biểu đề xuất HĐND không phải bầu chức danh chủ tịch UBND nữa mà giới thiệu để Thủ tướng phê chuẩn, sau đó Thủ tướng giới thiệu phó chủ tịch và các thành viên của UBND để HĐND phê chuẩn...

Sáng 14-5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

 Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương). Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương). Ảnh: QH

Về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng quá trình xây dựng thể chế trao quyền nhiều hơn cho địa phương nhưng cũng cần trao nhiều quyền hơn cho Chính phủ và Thủ tướng theo đúng tinh thần Hiến pháp về điều hành linh hoạt, thống nhất nền hành chính quốc gia.

Theo ông Huân, dự thảo Luật quy định HĐND bầu chủ tịch UBND theo giới thiệu của Chủ tịch HĐND. HĐND cũng phê chuẩn các phó chủ tịch UBND, Ủy viên UBND theo giới thiệu của chủ tịch UBND. Đồng thời, bãi nhiệm các chức vụ do HĐND bầu và phê chuẩn. Tuy nhiên, khi Thủ tướng quyết định cách chức chủ tịch HĐND, điều động chủ tịch UBND lại không cần HĐND miễn nhiệm.

“Về mặt quy định thì điều này đúng với tinh thần của Hiến pháp nhưng về mặt logic thì không đảm bảo, vì HĐND bầu thì HĐND phải miễn nhiệm”– ông Huân phân tích.

Từ thực tiễn nêu trên, đại biểu đoàn Bình Dương đề nghị sửa Điều 56 theo hướng “HĐND không phải bầu chức danh chủ tịch UBND nữa mà giới thiệu để Thủ tướng phê chuẩn”. Chủ tịch UBND sau khi được Thủ tướng phê chuẩn sẽ giới thiệu phó chủ tịch và các thành viên khác của UBND để HĐND phê chuẩn một lần đầu nhiệm kỳ.

“Những lần sau thay đổi, điều động thì chủ tịch UBND chỉ cần báo cáo HĐND là được, như thế đảm bảo logic và trao quyền cho Thủ tướng điều động là rất linh hoạt”- ông Nguyễn Quang Huân nói và cho rằng như vậy sẽ thuận hơn

Để thống nhất giữa Điều 36 và Điều 41 của dự thảo Luật, ông Huân cũng đề xuất sửa thêm điều 114 của Hiến pháp 2013. Như vậy lúc này, HĐND giới thiệu chủ tịch UBND chứ không bầu.

 Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang). Ảnh: QH

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang). Ảnh: QH

Cùng mối quan tâm, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) nhìn nhận trong bối cảnh không tổ chức các huyện, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn được chuyển giao cho cấp xã đảm nhận, cộng với việc sắp xếp, mở rộng quy mô đơn vị hành chính cấp xã khiến cho khối lượng công việc của chính quyền địa phương cấp xã sẽ tăng lên rất nhiều.

“Đây là một sự thay đổi lớn trong khi năng lực tổ chức bộ máy chính quyền địa phương các cấp chưa thực sự đồng đều, cần có thời gian”- bà Hương nói và cho rằng trong trường hợp này chính quyền địa phương cấp tỉnh phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát và có giải pháp kịp thời để hỗ trợ cấp xã.

Trong bối cảnh hiện nay, đại biểu Hương đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoặc giao Chính phủ quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn “trường hợp cần thiết” là thế nào để thuận lợi cho chủ tịch UBND, thể hiện rõ hơn nhiệm vụ quyền hạn của cấp xã trước mắt cũng như lâu dài.

Về cơ cấu tổ chức của UBND cấp xã, đại biểu Hương cho rằng việc quy định tổ chức bộ máy có tính chuyên môn, chuyên nghiệp để tham mưu giúp UBND cấp xã là vấn đề cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, trước mắt nên có sự linh hoạt và giao Chính phủ hướng dẫn rõ hơn đối với việc thành lập các cơ quan chuyên môn ở cấp xã để phù hợp với khối lượng công việc và số biên chế được giao.

“Trung ương cũng cần sớm ban hành quy định về chức năng nhiệm vụ của chính quyền cấp xã mới, qua đó góp phần xây dựng cấp xã là cấp thực thi gần dân, phục vụ dân tốt nhất và hiệu quả nhất” – bà Thanh Hương đề xuất.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/dai-bieu-kien-nghi-bo-quy-dinh-hdnd-bau-chuc-danh-chu-tich-ubnd-post849656.html
Zalo