Đoàn công tác Bộ Tài chính làm việc với Tập đoàn Intel và Meta tại Hoa Kỳ

Sáng 13/5 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ và tham dự Chương trình Đầu tư vào Hoa Kỳ 'SelectUSA 2025', Đoàn công tác của Bộ Tài chính đã có các buổi làm việc quan trọng với lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Intel và Tập đoàn Meta.

Buổi làm việc nhằm thúc đẩy các định hướng hợp tác chiến lược trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn, là những lĩnh vực trọng tâm được xác định là hạt nhân phát triển của cả Việt Nam và Hoa Kỳ trong thập kỷ tới, qua đó góp phần cân bằng thương mại và đầu tư hai nước.

Intel đánh giá cao chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ của Việt Nam

Đoàn công tác của Bộ Tài chính làm việc với Intel

Đoàn công tác của Bộ Tài chính làm việc với Intel

Tại buổi làm việc với bà Sarah Kemp, Phó Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Chính phủ của Tập đoàn Intel, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn đánh giá cao cam kết đầu tư bền vững của Intel tại Việt Nam trong gần 20 năm qua. Đồng thời, chia sẻ với Intel về các chính sách của Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy công nghệ và đầu tư vào Việt Nam.

Theo đó, về đào tạo nguồn nhân lực cho AI, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã ký Quyết định 1017/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" với định hướng sẽ đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Do đó, Việt Nam mong muốn Intel tham gia thiết kế chương trình đào tạo, cung cấp học bổng, tài liệu học thuật và hỗ trợ đào tạo thực hành cho sinh viên tại Việt Nam.

Cuối năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 182/2024/NĐ-CP thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư, trong đó hỗ trợ các DN đầu tư vào công nghệ AI, công nghệ cao, công nghệ bán dẫn.

Thứ trưởng đề nghị Intel nghiên cứu các cơ chế, chính sách ưu đãi từ Nghị định để hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam, đặc biệt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, hướng tới xây dựng trung tâm công nghệ lõi của Intel tại châu Á tại Việt Nam.

Bà Sarah Kemp bày tỏ đánh giá cao Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Tài chính nói riêng khi ngay từ những năm 2006, Chính phủ đã có những chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho các nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực công nghệ cao.

Hay các khuyến nghị và thách thức về chính sách đã được các cơ quan khác nhau của Bộ Tài chính lắng nghe một cách tôn trọng và xem xét nghiêm túc. Đây là những tiền đề và cơ sở quan trọng để Tập đoàn có định hướng tiếp tục phát triển lâu dài tại Việt Nam.

“Chúng tôi cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ các công ty phát triển những ngành công nghệ cao, đặc biệt về mặt chính sách để phát triển”, bà Sarah Kemp bày tỏ.

Mong muốn Meta sớm xác địnhhiện diện thương mại tại Việt Nam

Cùng ngày, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới và sáng tạo (NIC) cùng một số thành viên Đoàn công tác của Bộ Tài chính có buổi làm việc với bà Molly Montgomery - Giám đốc Chính sách công, phụ trách thị trường Hoa Kỳ cùng các đồng nghiệp tại Meta DC.

Buổi làm việc với đại diện Meta

Buổi làm việc với đại diện Meta

Tại buổi làm việc, bà Molly Montgomery đánh giá cao cách Việt Nam đã chủ động ứng phó với các vấn đề liên quan đến thuế quan của Chính phủ Mỹ. Với những công ty có mạng lưới sản xuất lớn tại Việt Nam thì những tuyên bố và ứng phó của Chính phủ Việt Nam với chính quyền Hoa Kỳ có ý nghĩa quan trọng với chủ trương tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Bà Molly Montgomery cho rằng, thế giới đang chứng kiến nhiều yếu tố bất định, thời gian tới. Do đó, nhiều công ty như Meta ngoài việc cam kết duy trì hoạt động tại Việt Nam hay mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam hoặc bất kỳ quốc gia nào khác đều cần tăng cường trao đổi và hợp tác giữa Chính phủ - Chính phủ và giữa Chính phủ với Meta.

“Chúng tôi hy vọng thời gian tới chúng ta sẽ có những hoạt động tốt hơn nữa”, bà Molly Montgomery nói.

Chia sẻ thông tin với bà Molly, ông Võ Xuân Hoài cho biết Việt Nam đang có những cam kết và hành động thực tế nhằm đẩy mạnh phát triển công nghệ cao, công nghệ bán dẫn.

Nhắc lại chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại trụ sở Meta vào năm 2023, ông Võ Xuân Hoài cho biết thời điểm đó hai bên đặt ra các vấn đề trao đổi gồm hạ tầng, thể chế và con người để phát triển AI tại Việt Nam thì hiện nay về cơ bản Việt Nam đã sẵn sàng cho cả ba nội dung này. “Tôi hoàn toàn tin tưởng Meta có thể phát triển hệ sinh thái của mình tại Việt Nam trong thời gian tới”, ông Hoài nhận định.

Trao đổi với Meta đối với các nội dung về thuế quan, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế đề nghị Meta sớm bổ sung các thông tin liên quan đến việc Meta đề nghị áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Ireland.

Ông Minh cũng cho rằng đối với quy mô doanh thu tại thị trường Việt Nam, Meta cần nhanh chóng nghiên cứu xác định hiện diện thương mại tại thị trường Việt Nam, từ đó tăng cường kết nối chính sách và đẩy mạnh đầu tư công nghệ cao giữa Việt Nam - Hoa Kỳ.

Bà Đào Thanh Hương, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, Việt Nam đã và tiếp tục dành sự ưu tiên đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ số - đổi mới - sáng tạo, là các lĩnh vực mà Meta đang có thế mạnh. Do đó, phía Việt Nam mong muốn Meta sớm thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam để nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư và đảm bảo cam kết lâu dài tại thị trường Việt Nam.

Nhật Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/doan-cong-tac-bo-tai-chinh-lam-viec-voi-tap-doan-intel-va-meta-tai-hoa-ky-post611695.antd
Zalo